Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh yêu cầu khách mua khí đốt từ các quốc gia bị coi là “không thân thiện” phải thanh toán bằng đồng rúp thông qua tài khoản đặc biệt tại một ngân hàng Nga.
Sắc lệnh này bắt đầu có hiệu lực từ 1/4. Theo đó, nếu các bên không thực hiện yêu cầu thanh toán bằng đồng rúp, hợp đồng của họ sẽ bị tạm dừng.
Động thái của Tổng thống Nga đã bị các chính phủ châu Âu bác bỏ, và Đức - cường quốc công nghiệp của châu Âu - gọi đó là “hành động tống tiền chính trị”.
Điều gì ẩn sau sắc lệnh của ông Putin?
Sắc lệnh của ông Putin được coi là để trả đũa các lệnh trừng phạt “chưa từng có tiền lệ” của phương Tây áp đặt lên Nga theo sau chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine. Nga cho rằng đây là một cuộc chiến tranh kinh tế do phương Tây phát động nhắm vào Nga.
"Nếu các khoản thanh toán như vậy không được thực hiện, chúng tôi sẽ coi đây là do lỗi từ phía bên mua, với tất cả các hậu quả sau đó. Không ai bán cho chúng tôi bất cứ thứ gì miễn phí và chúng tôi cũng sẽ không làm từ thiện – (Điều đó) nghĩa là, các hợp đồng hiện có sẽ bị dừng lại", ông Putin tuyên bố hôm 31/3.
Đồng rúp giảm xuống mức thấp lịch sử sau khi Nga bắt đầu “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine vào ngày 24/2, khi Mỹ và các đồng minh chặn Nga tiếp cận hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT, loại ngân hàng trung ương của nước này khỏi thị trường vốn và đóng băng hàng trăm tỷ USD dự trữ của họ.
Tuy nhiên, đồng rúp đã phục hồi sau quyết định của Putin về việc thực thi các khoản thanh toán bằng đồng tiền này.
Hôm 31/3, hơn một tuần sau khi Tổng thống Nga lần đầu tiên cho biết Moscow sẽ bắt đầu bán khí đốt của mình cho “các quốc gia không thân thiện” bằng đồng rúp, đồng tiền được giao dịch ở mức 81,7 rúp cho 1 USD, gần bằng với mức của ngày 23/2.
Cho thời điểm này trong năm nay, châu Âu đã chi 200-800 triệu Euro (880 triệu USD) mỗi ngày cho khí đốt của Nga.
Những vụ mua bán này đã làm suy yếu đáng kể tác dụng của các lệnh trừng phạt, bất kể việc thanh toán được thực hiện như thế nào, đồng thời đặt một số nước phương Tây trước ngã ba đường: Hoặc họ phải tìm cách “né” các lệnh trừng phạt của chính họ khi giao dịch với các ngân hàng Nga nằm trong danh sách đen, hoặc họ sẽ bị cắt giảm nguồn cung.
Khí đốt của Nga quan trọng với châu Âu tới mức nào?
Châu Âu phụ thuộc rất nhiều vào Nga về nhu cầu năng lượng, với khoảng 40% lượng khí đốt của châu lục đến từ nước này.
Nếu Moscow quyết định “khóa van”, điều này có thể gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung, đóng cửa các nhà máy và làm tê liệt chi phí năng lượng trong toàn khu vực.
Rủi ro đặc biệt cao đối với Đức, nền kinh tế lớn nhất Châu Âu và cường quốc công nghiệp. Trước khi cuộc xung đột bắt đầu, 55% lượng khí đốt nhập khẩu của nước này đến từ Nga, con số này giảm xuống còn 40% trong quý I/2022.
Đức đã tìm cách đẩy nhanh kế hoạch loại bỏ khí đốt của Nga và đa dạng hóa nguồn cung.
Gần đây, Chính phủ Đức đã kích hoạt giai đoạn đầu tiên của kế hoạch khẩn cấp gồm 3 bước, theo đó, phân bổ điện năng có thể được áp dụng nếu nguồn cung khí đốt quá thấp.
Giá khí đốt Hà Lan, tiêu chuẩn châu Âu, đã đạt mức cao kỷ lục trong năm nay do những lo ngại về nguồn cung, gây ra lạm phát trong khu vực và làm tăng nguy cơ suy thoái.
Phản ứng của các bên liên quan
Sắc lệnh trên của Tổng thống Putin áp dụng cho giao dịch khí đốt với các quốc gia được cho là “không thân thiện” với Moscow. Những quốc gia đó đã áp dụng các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga theo sau cuộc xung đột vũ trang ở Ukraine.
Danh sách bao gồm các quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu, Canada, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Thụy Sĩ, Ukraine và Vương quốc Anh. Mỹ và Na Uy cũng nằm trong danh sách “các quốc gia không thân thiện”, nhưng họ không phải là khách hàng mua khí đốt của Nga.
Sau khi ông Putin lần đầu tuyên bố về sự thay đổi loại tiền tệ trong giao dịch khí đốt, một số nước phương Tây đã lên tiếng phản đối. Họ cho biết, việc thanh toán khí đốt bằng đồng rúp sẽ vi phạm hợp đồng, có thể mất nhiều tháng hoặc hơn để thương lượng lại.
“Không có nhiều khả năng châu Âu thanh toán trực tiếp bằng đồng rúp”, ông Christian Lawrence, chiến lược gia thị trường cấp cao tại Rabobank, công ty dịch vụ tài chính và ngân hàng đa quốc gia của Hà Lan, cho biết.
“Ông Putin đã tỏ ra khá rõ ràng rằng ông ấy cần tiền rúp được thanh toán cho lượng khí đốt đó. Vì vậy, nếu điều đó xảy ra, tôi đoán ông ấy sẽ thông qua một bên thứ ba. Nhưng chúng ta sẽ phải chờ xem mọi thứ diễn ra như thế nào".
Làm thế nào để hiện thực hóa giao dịch?
Theo sắc lệnh của ông Putin, ngân hàng Gazprombank sẽ trở thành trung gian trong việc buôn bán khí đốt.
Khách mua nước ngoài hiện có nghĩa vụ chuyển ngoại tệ vào một tài khoản đặc biệt, được gọi là tài khoản “K”, tại Gazprombank. Sau đó, ngân hàng này sẽ thay mặt khách hàng chuyển số ngoại tệ này sang đồng rúp trước khi chuyển giao sang một tài khoản “K” khác, theo sắc lệnh.
Anh đã đưa Gazprombank vào danh sách các tổ chức bị cấm hoạt động ở nước này vào đầu tháng này. Tuy nhiên, ngân hàng này chưa bị EU loại khỏi hệ thống SWIFT.
“Có khả năng, Điện Kremlin đang hành động vì lo ngại rằng ngân hàng Gazprombank sớm muộn cũng sẽ bị trừng phạt, trong bối EU đang nỗ lực cắt đứt hoàn toàn quan hệ năng lượng với Nga”, các nhà phân tích tại Fitch Solutions cho biết.
“Các hợp đồng dài hạn để mua khí đốt tự nhiên từ Nga được tính bằng đồng Euro, và do đó, nếu không đàm phán lại hợp đồng, thì không có cơ sở pháp lý nào để Nga thực thi yêu cầu này”.
“Chúng tôi tin chắc rằng hợp đồng là hợp đồng. Các hợp đồng dựa trên đồng Euro và vì vậy chúng tôi sẽ tiếp tục thanh toán cho việc nhập khẩu năng lượng bằng đồng Euro”, Christian Lindner, Bộ trưởng Tài chính Đức, tuyên bố. “Chúng tôi sẽ xem xét chi tiết những gì đang được đề xuất và yêu cầu. Nhưng rõ ràng là không thể để chuyện tống tiền chính trị xảy ra ở đây được”.
“Các hiệp định quốc tế có các điều khoản về thanh toán và tiền tệ. Việc tuân thủ thỏa thuận vẫn là lập trường của chúng tôi ”, đại diện tập đoàn kinh doanh khí đốt của Hà Lan Gasterra, cho biết.
Nếu vậy, tình huống tiếp theo sẽ như thế nào? Theo các chuyên gia của Fitch Solutions, Nga sẽ phải ngừng dòng chảy khí đốt đến EU để ép buộc vấn đề được giải quyết. Điều này sẽ đánh dấu “một bước leo thang lớn thậm chí chưa từng được thực hiện ở thời điểm đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh”.
Trong khi đó, Ủy ban châu Âu được cho là đang chuẩn bị các biện pháp trừng phạt mới chống lại Điện Kremlin, với mức độ của các biện pháp mới tùy thuộc vào lập trường của Moscow về việc thanh toán khí đốt bằng đồng rúp.
Minh Đức (Theo Al Jazeera)