Nguyễn Hữu Thắng
Video: Chia sẻ đặc biệt từ chủ nhân dinh thự hơn 100 tuổi của vua Bảo Đại
Vua Bảo Đại có tên thật Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy (1913-1997) được biết đến là hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn tại Việt Nam. Ông nổi tiếng là người sở hữu nhiều dinh thự xa xỉ bậc nhất. Trên khắp cả nước từ Bắc đến Nam, những nơi có cơ ngơi của vị vua này đều khiến nhiều người ngỡ ngàng. Mỗi dinh thự một câu chuyện, một vẻ đẹp khiến du khách đều trầm trồ, ngưỡng mộ.
Tại Hà Nội, căn biệt thự của ông tọa lạc ngay đầu làng hoa Ngọc Hà (Ba Đình), có tổng diện tích khoảng 200m2/4 tầng. Theo tương truyền, dinh thự được xây dựng cùng năm khánh thành Nhà hát Lớn Hà Nội – năm 1911 bởi vợ chồng bà cô ruột của vua Bảo Đại. Vì mê kiến trúc Pháp cổ thời đó, nên cô của vua Bảo Đại đã cho xây dựng như một dinh thự của Bảo Đại thu nhỏ với nguyên liệu nhập hoàn toàn từ Pháp, Ý.
Ngoài ra, dinh thự có riêng hẳn 1 vườn thượng uyển rộng hơn 300m2 ở phía trước với nhiều cây quý, được bao quanh bởi tường rào hình con rồng uốn lượn.
Dù đã có tuổi đời 110 năm, nhưng dinh thự này của vua Bảo Đại khiến nhiều người vô cùng bất ngờ bởi những thông tin thú vị. Dinh thự này từ xưa đã có hệ thống điện hoàn toàn được đi ngầm trong tường, có ống ghen thép chôn trong tường, điện ngầm trong cả sàn nhà, thậm chí có cả ổ điện âm sàn bằng đồng; máy bơm nước sản xuất tại Pháp đến giờ vẫn hoạt động; có hệ thống thang máy đưa đồ ăn từ phòng bếp lên phòng ăn trên tầng 2.
Những bậc thang gỗ lim uốn lượn duyên dáng, tinh tế.
Bên trong lại hoàn toàn theo phong cách phương Tây như lò sưởi và tủ âm tường ở tất cả các phòng. Từng chi tiết nhỏ được người xây trau chuốt, từ những viên gạch nhỏ xây tường cũng đều có chữ Pháp dập chìm.
Các vật liệu xây dựng đều được nhập khẩu từ Pháp, Ý, Tây Ban Nha… Qua quan sát, đến viên gạch xây tường cũng được sản xuất từ Pháp và được giập hẳn chữ tiếng Pháp trên viên gạch.
Nhiều người không khỏi trầm trồ khi tới thăm căn biệt thự này.
Chủ nhận hiện tại của căn biệt thự cổ là doanh nhân Hồ Hoàng Hải, anh Hải cho biết: “Sở hữu được căn nhà hoàn toàn nhờ cái “duyên” chứ khó thể định giá rõ ràng bằng tiền. Bản thân tôi khi quyết định mua lại căn nhà cũng chưa xác định được mình sẽ làm gì tiếp theo, thời điểm đó tôi quá yêu mến và trân trọng những giá trị lịch sử của ngồi nhà nên quyết tâm sở hữu được nó”.
“Chắc chắn tôi sẽ sử dụng căn nhà với mục đích văn hóa, là nơi bảo tồn, khu thăm quan và nơi trình diễn nghệ thuật văn hóa dân gian… Tôi là một doanh nhân vốn đã rất quen với việc kinh doanh rồi, nhưng riêng với tòa nhà này tại thời điểm mua tôi đã xác định nơi đây không phải để danh cho kinh doanh", chủ nhân của căn nhà này chia sẻ.
“Người Hà Nội phải được biết rằng ngay giữa trung tâm Hà Nội có một công trình, một tuyệt tác về kiến trúc đáng tự hào như thế này. Tôi mong tất cả chúng ta được tự hào về nó”, ông Hoàng Hải chia sẻ thêm.
Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!
Bình luận không đăng nhập
Người Đưa Tin Pháp Luật