Guatemala "nổ phát súng đầu tiên"
Tổng thống Guatemala Jimmy Morales hôm 24/12 đã tuyên bố sẽ chuyển sứ quán nước này tại Israel từ Tel Aviv đến Jerusalem, như một bước đi ủng hộ quyết định gây tranh cãi của Tổng thống Trump hồi đầu tháng.
Quyết định của quốc gia Trung Phi đưa ra giữa bối cảnh 2/3 thành viên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (UNGA) đã bỏ phiếu thể hiện lập trường phản đối Mỹ tuyên bố công nhận Jerusalem là Thủ đô Israel hôm 21/12.
Trong phiên họp khẩn cấp tuần trước của UNGA, 128 quốc gia đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết phản đối Tổng thống Mỹ Donald Trump, bất chấp những lời đe dọa “cắt viện trợ các nước không tuân thủ” mà Washington đưa ra trước đó.
Các thành viên UNGA bỏ phiếu cho nghị quyết với những lý do khác nhau: Từ việc cho rằng hành động của Tổng thống Trump vi phạm các nghị quyết của LHQ về tình trạng của Jerusalem từ năm 1968, cho đến việc bày tỏ mong muốn đứng lên chống lại hành vi “bắt nạt nước bé” của Mỹ.
Kết quả bỏ phiếu cho thấy, chỉ có 7 quốc gia phản đối nghị quyết (trừ Mỹ, Israel) gồm Guatemala, Honduras, Togo, quần đảo Marshall, Liên bang Micronesia, Nauru và Palau - phần lớn là những quốc gia nhỏ phụ thuộc nhiều vào viện trợ của Mỹ, theo CNN.
Còn lại 35 quốc gia bỏ phiếu trắng thể hiện vai trò trung lập, đứng ra ngoài vụ việc.
Kết quả rõ ràng cho thấy có sự đồng tình vượt trội của cộng đồng quốc tế, nhưng điều khiến công chúng tò mò là lý do gì khiến 7 quốc gia còn lại vẫn đứng về phía Mỹ trong trường hợp này và động thái này của họ xuất phát từ điều gì?
Áp lực hay những "phụ thuộc ngầm" chi phối?
Như trên đã đề cập, ngoài Mỹ và Israel, 7 cái tên còn lại gồm: Guatemala, Honduras, Togo, quần đảo Marshall, Liên bang Micronesia, Nauru và Palau.
Họ từ lâu vẫn được biết đến là quốc gia nhỏ và không cho thấy có bất kỳ liên quan nào đến những tranh cãi ở thánh địa Jerusalem hay là đồng minh của Israel.
Nhưng có điểm chung là cả 7 nước bỏ phiếu chống lại nghị quyết đều phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài của Mỹ.
Một phân tích gần đây của Washington Post cũng cho thấy, hầu hết các nước trên trong quá khứ vẫn thường xuyên bỏ phiếu có lợi cho Israel hoặc bỏ phiếu trắng ở Liên Hợp Quốc (giống quan điểm của Mỹ).
“Nếu như một vấn đề cần thông qua ở Liên Hợp Quốc không phải quá quan trọng, hay gây tranh cãi lớn trong nước, các quốc gia này thường lựa chọn giải pháp an toàn đó là không nên chống đối Mỹ như một cách để bảo đảm nguồn viện trợ nước ngoài tiếp tục chảy về”, Samantha Vinograd, chuyên gia phân tích của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ dưới thời chính quyền Barack Obama diễn giải.
Chuyên gia này cũng chỉ ra thêm rằng, những quốc gia nhỏ hoặc nằm dưới sự bảo trợ về an ninh của Mỹ như quần đảo Marshall, Liên bang Micronesia, thường là đối tượng dễ bị chính quyền Trump cắt đứt viện trợ hơn là các quốc gia lớn khác.
Ví dụ như Guatemala hay Honduras vốn có ít đòn bẩy để đứng ngang hàng với Mỹ trong quan hệ thường dễ “yếu bóng vía” trước lời đe dọa của chính quyền Trump.
Trong khi các quốc gia lớn hơn, như Ai Cập và Afghanistan, nhận được nhiều viện trợ nhưng hiểu rằng bản thân vẫn quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ.
Việc cắt đứt viện trợ cũng đồng nghĩa với việc quan hệ đi xuống và lợi ích của Washington cũng bị tổn hại.
Mỹ có trả đũa?
Có những lo ngại cho rằng, một người thẳng thắn như Tổng thống Trump sẽ không chỉ đe dọa suông mà sớm “trả đũa” các quốc gia thông qua nghị quyết bằng việc cắt viện trợ.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Samantha, Washington không có cơ sở để làm việc này.
Bằng cách bỏ phiếu cho nghị quyết của UNGA, các nước thông qua đã không làm bất cứ điều gì vi phạm đến các điều khoản viện trợ nước ngoài mà họ thỏa thuận với Mỹ.
Samantha cho rằng, việc sử dụng viện trợ như một “cây gậy” răn đe theo cách của ông Trump đáng tiếc chỉ là một lời đe dọa “rỗng”.
Một số quốc gia mà Mỹ hỗ trợ nhiều nhất - bao gồm Ai Cập, Jordan, Afghanistan, và Iraq – đã cho thấy họ bỏ phiếu cho nghị quyết này mà không hề suy nghĩ gì nhiều.
Và cũng không nhiều người tin rằng Washington sẽ cố tình cắt đứt viện trợ đối với các quốc gia nói trên trong tương lai.
Ngoài ra, một trường hợp đáng chú ý khác trong phiên bỏ phiếu hôm 21/12 vừa qua là của Canada.
Trong suốt 10 năm qua, Mỹ và Canada thường bỏ phiếu trùng nhau tại Liên Hợp Quốc. Nhưng dưới thời Thủ tướng Justin Trudeau - mà cụ thể là trong nghị quyết về vấn đề Jerusalem vừa qua - Canada đã lựa chọn bỏ phiếu trắng.
Mặc dù không phải là một động thái đủ lớn để gây ra một sự rạn nứt lớn với Israel hoặc nước Mỹ, phiếu trắng của Canada là một sự khởi đầu đáng chú ý trong lịch sử bỏ phiếu thông qua nghị quyết LHQ của nước này.
Đó có thể là sự không hài lòng trước lời dọa nạt cắt viện trợ không kiêng nể của chính quyền Trump, hoặc có thể là chiêu bài để ông Trudeau nhận được thêm sự ủng hộ của các nhóm chống Trump trong nước.