Washington và Paris dường như đang tìm cách hàn gắn lại mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ sau khi lực lượng cốt lõi của Mỹ ở Syria bị tổn hại nặng nề bởi chiến dịch của Ankara, theo Sputnik.
Ngoài ra, Mỹ và Pháp muốn tăng cường vị thế của họ tại Syria, tuy nhiên, không chắc rằng điều này sẽ mang lại thành công trong tương lai cho cả hai, giới phân tích nhận định.
Dựa trên tình hình gần đây, không có nhiều khả năng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ rút quân khỏi Syria theo lời hứa trước đó; trong khi lời cam kết làm trung gian hòa giải giữa Ankara và dân quân người Kurd của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có thể chỉ dừng ở mức sáng kiến.
"Chỉ 15 ngày trước, Trump nói rằng việc Obama rút quân khỏi Iraq là một sai lầm và ông sẽ không mang sai lầm này sang Syria", Baris Doster, nhà khoa học chính trị tại Đại học Marmara nói với Sputnik Thổ Nhĩ Kỳ.
Hơn nữa, Mỹ hiện tại đã đầu tư rất nhiều vào các đơn vị tự vệ người Kurd và Liên minh Dân chủ người Kurd (PYD). Đến nay, Mỹ đã cung cấp cho người Kurd 5.000 xe tải vũ khí cùng với kế hoạch tạo ra một đội quân thường trực gồm 50.000 quân.
Theo Doster, có ít nhất 20 căn cứ của Mỹ trên lãnh thổ Syria và với những khoản đầu tư khổng lồ như vậy, người Mỹ dường như không thể rời khỏi đất nước này.
Vào ngày 29/3, Tổng thống Trump đã tuyên bố Mỹ có thể "mau chóng" rút khỏi Syria: "Chúng tôi đã đưa bè lũ IS xuống địa ngục. Do đó, rất sớm thôi, Mỹ sẽ rời khỏi Syria. Hãy để những người khác chăm lo việc còn lại…”
Thông báo đột ngột của Tổng thống Trump theo sau lời cam kết của chính quyền Emmanuel Macron trong việc hỗ trợ Các Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), gửi thêm quân tới khu vực Trung Đông và làm trung gian cho các cuộc đàm phán giữa Ankara và người Kurd.
Tuyên bố này đã bị Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan từ chối, trong đó nhấn mạnh rằng Ankara sẽ không ngồi cùng bàn đàm phán với lực lượng người Kurd mà giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc là liên minh của Đảng Công nhân người (PKK) - vốn bị Ankara coi là khủng bố.
"Làm chủ nhà đón tiếp các thành viên cao cấp nhất của một tổ chức khủng bố... không khác gì là một sự thù địch đối với Thổ Nhĩ Kỳ", ông Erdogan nói đến cuộc họp cấp cao của Macron với một phái đoàn SDF vào ngày 29/3.
Bình luận về tuyên bố đưa Pháp nhảy vào Syria của ông Macron, nhà phân tích Doster cho rằng Pháp đang khao khát đạt được nhiều lợi ích dài hạn ở Trung Đông.
"Nếu xem xét vị trí và ảnh hưởng của Pháp, cũng như mối quan hệ của nước này với khu vực Địa Trung Hải - đặc biệt với Syria, người ta có thể thấy rằng Paris đang cố gắng đóng một vai trò ở Syria, lợi dụng tuyên bố của Trump về lực lượng Mỹ rút lui sắp tới, phản ánh sự mâu thuẫn nhưng đi kèm hợp tác giữa hai đồng minh", Doster nhấn mạnh.
Chiến dịch Afrin của Thổ Nhĩ Kỳ làm tiêu tán lực lượng Mỹ
Về phần mình, Bora Bayraktar, nhà báo Thổ Nhĩ Kỳ chuyên phân tích các vấn đề Trung Đông, đánh giá chiến dịch ở Afrin của Ankara đã giáng một đòn nặng nề vào kế hoạch dùng người Kurd để củng cố vị thế trong khu vực của Washington.
Điều này đã thúc đẩy Mỹ phải đi "tìm kiếm các công cụ mới”, khi chính đồng minh thân cận nhất đang “bẻ gãy” sức mạnh của Washington trong khu vực.
"Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran đang có sự tương tác chặt chẽ trong khuôn khổ các cuộc đàm phán Astana và Sochi về việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria, trong khi Ankara thực tế là một thành viên nhà nước NATO”, Bayraktar nhận xét.
Giới quan sát cho rằng, với thất bại trong việc gây áp lực lên Thổ Nhĩ Kỳ, các quốc gia phương Tây hiện đang cố gắng đạt được mục tiêu thông qua phương pháp đối thoại mềm mỏng với Ankara.
"Kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ không còn lòng tin đối với Mỹ, đã có những nỗ lực để xây dựng cầu nối khác đến Ankara thông qua Pháp", nhà báo gợi ý.
Ông cho rằng vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ có thể được thảo luận trong cuộc điện đàm hôm 27/3 giữa Tổng thống Trump và ông Macron.
"Tuy nhiên, rõ ràng là các sáng kiến hòa giải giữa người Kurd và Ankara không nhận được ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ, và cơ hội thực hiện là bằng 0", Bayraktar đánh giá.
Ngoài ra, giới quan sát đánh giá, với việc Pháp vốn đang có nhiều vấn đề với IS, sự can thiệp vào Syria sẽ gián tiếp tạo điều kiện cho sự phát triển của chủ nghĩa cực đoan chạy theo làn sóng tị nạn ở quốc gia này.