Điều gì sẽ xảy ra khi Nghị quyết 42 xử lý nợ xấu hết hiệu lực?

Hoàng Thị Bích

Hoàng Thị Bích

Thứ 3, 11/10/2022 14:00

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, đến cuối năm 2023 khi Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu hết hiệu lực thì nợ xấu vẫn còn tồn tại, chưa thể giải quyết dứt điểm.

Gần 5 năm triển khai trong thực tiễn, Nghị quyết 42 giúp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong việc xử lý nợ xấu và duy trì tỉ lệ nợ xấu nội bảng dưới mức 2%. Tại Nghị quyết kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thống nhất kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng từ ngày 15/8/2022 đến hết ngày 31/12/2023.

Tuy nhiên, không ít chuyên gia cho rằng nếu đến năm 2023 Nghị quyết hết hiệu lực thì ngành ngân hàng sẽ lại gặp khó trong xử lý nợ xấu. Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Xuân Nghĩa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh doanh, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia xoay quanh vấn đề này.

Công cụ hỗ trợ đắc lực của ngành ngân hàng

NĐT: Kể từ khi Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu có hiệu lực đến nay, xin ông đánh giá về việc thực hiện Nghị quyết này?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Có thể thấy, Nghị quyết 42 được phép thực hiện thủ tục tố tụng rút gọn, thêm nữa ngân hàng được quyền thu hồi tài sản đảm bảo mà không cần có sự chấp thuận của con nợ, nếu nợ quá hạn.

Cùng với đó, ngân hàng có thể chủ động chuyển thành đấu giá tài sản đảm bảo để xử lý nợ, không cần có sự đồng ý của chủ tài sản đảm bảo.

Người chủ mới của tài sản đảm bảo (người đứng đầu), có thể tiến hành sang tên tại cơ quan chính quyền địa phương mà không cần có sự đồng ý của con nợ.

Kinh tế vĩ mô - Điều gì sẽ xảy ra khi Nghị quyết 42 xử lý nợ xấu hết hiệu lực?

TS. Lê Xuân Nghĩa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh doanh, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia.

Tôi cho rằng Nghị quyết 42 đã hỗ trợ cho ngân hàng khá lớn trong việc xử lý nợ xấu, làm cho tốc độ xử lý nợ xấu tăng lên, nhất là các thủ tục tố tụng rút gọn. So với khi chưa có Nghị quyết 42 thì tốc độ xử lý nợ xấu tăng lên khoảng 25%, đây cũng là thành công lớn.

Bởi lẽ, mấy năm qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước thực hiện chủ trương của Chính phủ là thực hiện giãn, hoãn nợ. Việc xử lý nợ xấu trong giai đoạn Covid-19 gặp rất nhiều khó khăn, cho nên chưa có kết quả sơ kết một cách thận trọng về vấn đề này. Nhưng có thể khẳng định, Nghị quyết 42 là một công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng.

Trong bối cảnh kinh tế bất định, vẫn còn rất nhiều khó khăn trong thời gian sắp tới, TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia cho rằng: “Nếu không luật hóa Nghị quyết 42 thì tạo ra khoảng trống rất lớn về pháp lý, gây khó khăn hơn nữa trong xử lý nợ xấu”.

NĐT: Như ông đánh giá, việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 đã hỗ trợ cho ngân hàng, tốc độ xử lý nợ xấu tăng lên. Tuy nhiên, trong việc triển khai Nghị quyết còn những vướng mắc, khó khăn gì không, thưa ông?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Trên thực tế triển khai, tôi thấy vẫn gặp nhiều khó khăn. Về tổ chức đấu giá còn có vấn đề là nếu không có sự tham gia, không thông báo cho chủ nợ thì rất dễ bị tình trạng “quân xanh, quân đỏ”. Thường người trúng thầu thường là “sân sau” của ngân hàng, nhất là những ngân hàng được sở hữu bởi tập đoàn, giá cả trúng thầu quá thấp, cho nên con nợ phản ứng rất gay gắt.

Kinh tế vĩ mô - Điều gì sẽ xảy ra khi Nghị quyết 42 xử lý nợ xấu hết hiệu lực? (Hình 2).

Cần phải có những quy định chặt chẽ về quyền của chủ nợ.

Có nhiều tài sản đảm bảo trị giá thị trường khoảng 100 tỷ, nhưng tổ chức đấu giá thì chỉ vừa đúng với số tiền con nợ đã nợ (cả gốc và lãi) khoảng 190 tỷ… như vậy là không minh bạch.

Về tổ chức đấu thầu có nhiều vấn đề không minh bạch, giá trúng thầu thường không sát với giá thị trường, khiến cho con nợ bị thiệt, tức bán tài sản rất lớn, thậm chí gấp đôi giá trị nợ nhưng vẫn chưa đủ trả nợ vì giá trúng thầu rất thấp.

Thêm nữa, thủ tục sang tên tài sản lại nằm ở một cơ quan khác, cơ quan này không có nghĩa vụ phải thực hiện theo Nghị quyết 42, mà thực hiện theo luật và khi sang tên phải có sự đồng ý của người chủ cũ, đây là khó khăn. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, nhất là tài sản của các công ty thường dễ xử lý hơn.

 Luật hoá trên nguyên tắc tôn trọng quyền của chủ nợ

NĐT: Bên cạnh những khó khăn thì chúng ta cũng không thể phủ nhận mặt tích cực của Nghị quyết 42 trong việc hỗ trợ ngân hàng xử lý nợ xấu, các chuyên gia cho rằng nên luật hóa Nghị quyết này trong thời gian tới, quan điểm của ông như thế nào về điều này?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Theo tôi, Nghị quyết 42 không mới mà nó gần giống với một số thông lệ quốc tế về xử lý nợ xấu.Vì thế, không nên đặt vấn đề kéo dài Nghị quyết mà cần nghiên cứu để luật hóa Nghị quyết này để áp dụng dài hạn trong xử lý nợ xấu, trên nguyên tắc phát huy quyền của chủ nợ.

Hiện nay, quyền của chủ nợ trong luật còn hạn chế, khi cho vay thì chủ nợ đứng, doanh nghiệp ngồi, khi đi đòi nợ thì chủ nợ quỳ, doanh nghiệp đứng… như vậy là không được. Vì thế, cần phải có những quy định chặt chẽ về quyền của chủ nợ, chủ nợ có quyền đòi, không đòi hoặc xóa nợ.

Thêm nữa, chủ nợ ở đây không chỉ có quyền đòi nợ mà có quyền xử lý nợ, nhất là các ngân hàng gặp khó khăn về tài chính thì phải làm sạch bảng cân đối tài sản, xóa nợ.

Đồng thời, việc luật hóa Nghị quyết cũng sẽ khắc phục được bất cập, tăng hiệu quả xử lý nợ xấu, hoạt động của ngân hàng cũng thông thoáng hơn và bảng cân đối tài sản của ngân hàng cũng sạch sẽ hơn. Nợ xấu là vấn đề liên tục, xảy ra hàng trăm năm nay, nên chúng ta cần khảo sát thêm kinh nghiệm quốc tế.

Kinh tế vĩ mô - Điều gì sẽ xảy ra khi Nghị quyết 42 xử lý nợ xấu hết hiệu lực? (Hình 3).

TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng cần luật hóa Nghị quyết về xử lý nợ xấu.

NĐT: Vậy nếu đến hết 31/12/202, Nghị quyết 42 sẽ hết hiệu lực thì tình huống nào sẽ xảy ra? Ngân hàng sẽ gặp phải những khó khăn, trở ngại gì?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Nếu đến cuối năm 2023 Nghị quyết hết hiệu lực thì đây sẽ là vấn đề khó khăn rất lớn. Theo đó, nợ xấu mấy năm gần đây do Covid-19 nên tạm thời giãn, hoãn có thể đến năm 2023 mới bộc lộ được toàn diện. Với tình trạng hiện tại của thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp con số nợ xấu có thể rất lớn.

Dự báo, năm 2023 việc xử lý nợ xấu vẫn còn loay hoay, chưa xử lý được nhiều vì các doanh nghiệp có nợ xấu, doanh nghiệp không nợ xấu đều đang trong giai đoạn phục hồi, dòng tiền còn yếu nên năm 2023 chưa thể có một nền tảng kinh tế và tài chính để có thể xử lý nợ xấu. Trọng tâm của xử lý nợ xấu sẽ từ năm 2024 trở đi, khi đó các ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp phục hồi tốt hơn thì khả năng trả nợ cao hơn.

Những doanh nghiệp nào không trả được nợ cũng mất hạn, lúc bấy giờ rất cần Nghị quyết 42 thì Nghị quyết 42 lại hết hiệu lực và sẽ lại đưa hệ thống ngân hàng vào tình trạng như trước khi chưa có Nghị quyết.

Việc xử lý nợ sẽ vướng với hết tất cả các luật như: Luật Nhà ở; Luật kinh doanh bất động sản; Luật tố tụng hình sự, Luật Bất động sản… Vì thế, Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ cần nghiên cứu để chỉnh sửa để luật hóa Nghị quyết trên nguyên tắc tôn trọng quyền của chủ nợ.

NĐT: Xin cảm ơn ông!

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến 31/12/2021, toàn hệ thống tổ chức tín dụng xử lý được 380,2 nghìn tỷ đồng, bằng 47,9% số nợ xấu theo Nghị quyết 42 tại thời điểm 15/8/2017 và số nợ xấu theo Nghị quyết số 42 phát sinh mới trong thời gian Nghị quyết số 42 có hiệu lực.

Tính trung bình nợ xấu đã xử lý đạt khoảng 5.670 tỷ đồng/tháng, cao hơn mức trung bình 3.250 tỷ đồng/tháng trong giai đoạn trước khi Nghị quyết 42/2017/QH14 có hiệu lực (từ năm 2012 - 2017). Nhiều khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là bất động sản được các ngân hàng liên tục rao bán, hạ giá nhiều lần, nhưng chưa thể xử lý.

ĐBQH Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng: Nếu đến năm 2023 Nghị quyết 42 hết hiệu lực, thì ngành ngân hàng sẽ trở về những khó khăn trong xử lý nợ xấu và đến hết năm 2023, tình hình nợ xấu ngân hàng vẫn còn tồn tại.

"Có thể thấy, việc xử lý nợ xấu những vấn đề đã qua thì cơ bản xử lý được, tuy nhiên nợ xấu lại phát sinh theo tình hình mới của đất nước, như giãn nợ, hoãn nợ trong dịch bệnh Covid-19… Vì thế, tôi cho rằng việc luật hóa Nghị quyết này là hết sức cần thiết. Ngành ngân hàng soạn thảo, tham mưu đề xuất với Chính phủ để Quốc hội cho ý kiến về vấn đề này", ĐBQH Phạm Văn Hòa nêu quan điểm.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.