Chính phủ trung hữu thiểu số của Slovakia đã thất bại trong một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, làm gia tăng bất ổn chính trị và có thể dẫn đến một cuộc bầu cử sớm vào năm 2023 trong khi quốc gia thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) này đang phải vật lộn với giá năng lượng tăng cao và nền kinh tế suy yếu.
Tại cuộc bỏ phiếu hôm 15/12, 78 nhà lập pháp trong quốc hội 150 ghế đã bỏ phiếu bày tỏ bất tín nhiệm với chính phủ của Thủ tướng Eduard Heger.
Việc chính phủ của ông Heger sụp đổ sẽ là liều thuốc đắng đối với các thành phần dân chủ và thân châu Âu trong xã hội Slovakia.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ diễn biến này có dẫn tới một cuộc bầu cử quốc hội trước thời hạn tại Slovakia hay không vì rất có thể ông Heger vẫn có thể được Tổng thống Zuzana Caputova giao tiếp tục điều hành chính phủ với tư cách Thủ tướng tạm quyền với quyền hạn hạn chế trong khi các đảng phái trong quốc hội và Tổng thống Slovakia cân nhắc bước đi tiếp theo.
Cuộc bầu cử lập pháp tiếp theo ở Slovakia dự kiến diễn ra vào tháng 2/2024. Việc tổ chức một cuộc bầu cử trước thời hạn trên, vốn cần sự ủng hộ rộng rãi hơn trong quốc hội, có thể dẫn đến một lập trường rất khác về xung đột Nga-Ukraine, đặc biệt nếu kết quả đưa phe đối lập cánh tả lên nắm quyền.
Cho đến nay Slovakia – một thành viên NATO – đã tham gia cung cấp vũ khí và các viện trợ khác cho Kiev và tiếp nhận những người tị nạn Ukraine chạy trốn giao tranh.
Tổng thống Caputova sẽ giải tán Nội các của ông Heger, nhưng yêu cầu họ tiếp tục làm việc cho đến khi bà bổ nhiệm một Nội các mới.
Bà Caputova đã tuyên bố trong tuần này rằng đất nước cần một chính phủ ổn định, hoạt động hiệu quả vào thời điểm này.
Liên minh cầm quyền, với các phe phái từ Tự do đến Bảo thủ Cơ đốc giáo, lên nắm quyền vào năm 2020, nhưng đã mất thế đa số vào tháng 9 khi Đảng SaS theo chủ nghĩa tự do rút lui sau khi lãnh đạo SaS là ông Richard Sulik liên tục xung đột với ông Igor Matovic, lãnh đạo đảng OĽaNO cầm quyền.
Ông Matovic, người đã lãnh đạo OĽaNO lên nắm quyền nhờ cam kết chống tham nhũng ở quốc gia 5,5 triệu dân, trước đó đã từ bỏ chức vụ Thủ tướng trong một cuộc tranh cãi trước đó với ông Sulik, nhưng phong cách hiếu chiến và những thay đổi chính sách thường xuyên của ông Matovic tiếp tục làm lung lay quan hệ trong chính phủ và quốc hội.
SaS đã cùng với một đảng đối lập cánh tả kích hoạt cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ của ông Heger - người kế nhiệm ông Matovic, cáo buộc chính phủ không giúp người dân đối phó với chi phí năng lượng cao hơn.
“Trong nửa năm qua, chúng tôi đã chứng kiến sự hỗn loạn liên tục và một phong cách quản lý không thể chấp nhận được. Chính phủ này không xứng đáng với sự tin tưởng của chúng tôi”, ông Sulik của Đảng SaS phát biểu trước cuộc bỏ phiếu.
Xung đột chính trị đã ngăn cản sự ủng hộ đối với kế hoạch ngân sách năm 2023 của Thủ tướng Heger, bao gồm chi tiêu để bù đắp giá năng lượng. Nếu không được phê duyệt ngân sách, quốc gia trung Âu sẽ phải bắt đầu thắt lưng buộc bụng về chi tiêu công vào thời điểm các hộ gia đình và doanh nghiệp đang phải đối mặt với hóa đơn năng lượng và lạm phát tiêu dùng tăng vọt.
Ông Sulik nói trong một cuộc họp báo trên truyền hình rằng SaS muốn ủng hộ việc thành lập một chính phủ mới và không ủng hộ việc kêu gọi bầu cử sớm. Tuy nhiên, đảng đối lập Hlas gọi bầu cử sớm là lựa chọn duy nhất.
Minh Đức (Theo TRT World, Politico.eu)