Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump sẽ không hoàn toàn loại bỏ chính sách hiện tại của Washington đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, SCMP dẫn nhận định của ông Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quốc gia Trung Quốc về Biển Đông trong một báo cáo hôm thứ Sáu.
Bản báo cáo của giới học giả Trung Quốc cho rằng Mỹ có khả năng sẽ mở rộng sự hiện diện quân sự của mình trong khu vực này dưới nhiệm kỳ của ông Trump.
"Sẽ không có một sự đảo ngược trong chính sách châu Á-Thái Bình Dương. Sự cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ có thể sẽ vẫn tiếp diễn ở Biển Đông", ông Ngô đánh giá.
Lập luận của nhóm học giả này cho rằng, “kiểm soát hoàn toàn” Biển Đông là điểm mấu chốt trong chiến lược quân sự của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong thời gian tới. Đây là báo cáo công khai đầu tiên của Trung Quốc về sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực.
Ông Ngô nhận định những cam kết của Mỹ với đồng minh và lập trường bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông sẽ không hề thay đổi. Như vậy, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông có khả năng sẽ gia tăng theo đà phát triển quân sự của Bắc Kinh.
Trung Quốc đã đưa ra yêu sách chủ quyền phi lý "đường chín đoạn" nuốt trọn Biển Đông, xâm lấn chủ quyền hợp pháp của nhiều quốc gia trong khu vực. Hành động của Trung Quốc đã bị dư luận quốc tế phản đối kịch liệt, cũng như một bản án từ Tòa Trọng tài đã bác bỏ hoàn toàn luận điệu ngang ngược của Bắc Kinh.
Việc Mỹ liên tục có những cuộc tuần tra khẳng định tự do hàng hải trên Biển Đông đã khiến cho Trung Quốc cảm thấy lo ngại về một cuộc xung đột quân sự giữa hai cường quốc có thể diễn ra.
Chu Phong, Giám đốc Trung tâm Biển Đông ở trường Đại học Nam Kinh cũng cho rằng, sẽ có sự "tiếp tục hơn là thay đổi" trong chính sách quân sự của ông Donald Trump ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Ông Trump có thể không sử dụng thuật ngữ "tái cân bằng" cho khu vực này, nhưng nhà lãnh đạo mới của nước Mỹ sẽ giữ lại hầu hết các chính sách hiện tại, ông Chu nói thêm.
Cả hai học giả đồng ý rằng Mỹ dưới nhiệm của Trump có thể gia tăng chi tiêu quân sự của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương - điều càng làm gia tăng nguy cơ có những va chạm ngẫu nhiên giữa hai cường quốc.
Trước đó Mỹ đã gia tăng đáng kể sự hiện diện quân sự của mình trong khu vực bằng cách "nâng cao tần số, quy mô và tính phức tạp của các bài tập quân sự" - đặc biệt là ở Tây Thái Bình Dương - dưới thời kỳ tái cân bằng của Tổng thống Barack Obama.
Bản báo cáo cũng lưu ý, trong khi chi tiêu quân sự của Mỹ đã giảm dần kể từ năm 2011, nhưng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và châu Âu trong năm tới ngân sách quốc phòng sẽ tăng trở lại.
Số lượng nhân viên quân sự Mỹ triển khai ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã chiếm hơn một nửa tổng số lực lượng quân sự của nước này ở nước ngoài.
Ông Trump ít khi đề cập đến chính sách châu Á trong tương lai của mình trong chiến dịch tranh cử, nhưng ông đã tuyên bố sẽ tăng cường sức mạnh hạm đội Mỹ từ 272 lên 350 tàu.
Giới học giả Trung Quốc tiếp tục luận điểm từng thể hiện nhiều lần trước đó khi cho rằng Mỹ đang đe dọa "phá vỡ sự cân bằng quyền lực mỏng manh" trong khu vực.
Tuy nhiên, trong một quan điểm khác, chuyên gia Wu Xinbo từ Đại học Fudan cho biết ưu tiên hàng đầu của Trump trong khu vực có thể sẽ không phải những tranh chấp trên biển, mà là các mối đe dọa từ chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
"Triều Tiên có thể cải thiện sức mạnh hạt nhân của mình trong 3-5 năm tiếp theo trong nhiệm kỳ của Trump", Wu Xinbo nói. "Mỹ có thể phải thay đổi trọng tâm đối ngoại của mình từ Đông Nam Á sang Đông Bắc Á".
Xem thêm >>> ‘Con nuôi' Việt của Chủ tịch Fidel và kỉ niệm về người cha đặc biệt
Quốc Vinh