Như báo Người Đưa Tin đã phản ánh về tình trạng thời gian gần đây, một số giáo viên nữ đang công tác tại các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) thường xuyên bị điều động tham gia phục vụ tại các dịp lễ lớn do địa phương tổ chức. Các thành phần “lễ tân” này thường được lập dựa trên “đề cử” sẵn từ các đơn vị”.
Theo đó, sau khi thực hiện xong nhiệm vụ được ghi trong văn bản điều động của UBND thị xã, họ còn phải tiếp tục tiếp khách theo hình thức ăn nhậu, uống bia rượu và hát hò tại các nhà hàng, quán karaoke, dẫn đến việc ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của các cô giáo. Đặc biệt, có cô còn ngậm ngùi, khi rượu vào lời ra, quan khách không tránh khỏi có hành động không chuẩn mực, ảnh hưởng tới cuộc sống và hạnh phúc gia đình bản thân các cô.
Báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Đông Phương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục ĐH và nghề nghiệp, Viện Nghiên cứu giáo dục Việt Nam về vấn đề này.
Theo TS. Lê Đông Phương, việc chính quyền địa phương điều động những người trong diện công chức, viên chức, ở đây là giáo viên đến phục vụ các công việc cần thiết của địa phương thì không phải là chuyện bất bình thường. Việc này nằm trong phạm vi, quyền hạn của chính quyền địa phương và diễn ra ở nhiều nơi.
“Vấn đề ở đây là bản chất của việc lễ tân tiếp khách như thế nào? Nếu là đón đoàn đại biểu, dẫn đại biểu vào chỗ tại các buổi họp, lễ, hội nghị là chuyện bình thường. Riêng câu chuyện phải đi hát, đi ăn nhậu sau đó thì phải xem xét lại. Tôi không nắm chính xác sự việc nên không khẳng định được.
Nếu thực sự giáo viên bị huy động vào những hoạt động đó, câu chuyện đã vượt ra khỏi hoạt động bình thường, vượt ra khỏi giới hạn quyền hạn của cơ quan nhà nước. Lúc này, nếu cần, người ta có thể đề nghị các công chức, viên chức tham gia làm lễ tân phục vụ mà ở đây là nữ giáo viên. Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh là chỉ có thể đề nghị chứ không thể huy động được.
Và, đương nhiên phải có sự đồng ý của đương sự. Nếu đương sự không đồng ý mà vẫn cố tình ép thì là sai luật vì nó nằm ngoài phạm vi, trách nhiệm mà các nữ giáo viên này phải thực hiện”. TS. Lê Đông Phương cho biết.
Cũng theo TS. Lê Đông Phương, việc bị điều động ngoài phạm vi công việc và trách nhiệm của công chức trong những sự việc như thế này sẽ dẫn đến câu chuyện không hay về mặt tâm lý của các nhà giáo lẫn xã hội.
“Việc đi hát cũng có nhiều kiểu, không thể đánh đồng được nên tôi không bàn. Riêng chuyện huy động đi ăn nhậu thì thực không hay. Người bình thường đi ăn nhậu cũng đã là chuyện phải nghĩ, đây lại là các cô giáo nên càng là chuyện không hay ho gì.
Trong trường hợp phụ huynh, học sinh nhìn thấy những hình ảnh thầy cô bên bàn nhậu, đi tiếp khách như vậy, họ sẽ nghĩ sao? Câu hỏi đó chắc hẳn thầy, cô nào cũng sẽ nghĩ tới khi bất đắc dĩ phải thực hiện những nhiệm vụ như thế”, TS. Lê Đông Phương nhấn mạnh.
Đỗ Huệ