Chủ đầu tư là ai?
Trên tấm biển thể hiện thông tin dự án và phóng viên chụp được tối qua (27/9) thì có thể thấy, đây là dự án Trung tâm Thương mại và Văn phòng cho thuê nằm trên khu đất 4.6-NO mặt đường Lê Văn Lương (Hà Nội).
Chủ đầu tư dự án là công ty Xuất nhập khẩu và Đầu tư Sao Mai (công ty Sao Mai). Đơn vị thi công là công ty Đầu tư và Phát triển Tây Hồ.
Được biết, công ty Sao Mai thành lập đầu năm 2010, vốn điều lệ 30 tỷ đồng. Hồi mới thành lập, công ty này đặt trụ sở ở tầng 11 tòa nhà Thành Đông 132 – 138 Kim Mã (Ba Đình, Hà Nội), Giám đốc công ty là bà Vũ Thị Tuyết Mai, sinh năm 1962, địa chỉ ở 31 Kim Mã Thượng (Cống Vị, Ba Đình, HN).
Đến tháng 10/2015, công ty này thay đổi đăng ký kinh doanh. Cụ thể, địa chỉ trụ sở chuyển đến số 7/10/16 phố Kim Mã Thượng, quận Ba Đình, Hà Nội. Vốn điều lệ tăng lên 80 tỷ đồng, đồng thời chức danh giám đốc được chuyển giao cho ông Vũ Anh Minh, sinh năm 1986, cùng địa chỉ với bà Mai ở 31 Kim Mã Thượng.
Trong cơ cấu vốn góp của công ty Sao Mai thì bà Vũ Thị Tuyết Mai nắm tỷ lệ 85% vốn điều lệ, tương đương 68 tỷ đồng. Ông Vũ Anh Minh nắm 10%, tương đương 8 tỷ đồng. Bà Lương Thị Thúy (ở Hải Hậu, Nam Định) nắm 5%, tương đương 4 tỷ đồng.
Đây là một công ty khá kín tiếng trên thương trường. Sáng nay (28/9), khi PV báo Người Đưa Tin tìm đến trụ sở công ty ở địa chỉ số 7/10/16 phố Kim Mã Thượng, quận Ba Đình, Hà Nội thì chỉ thấy một ngôi nhà riêng đóng kín, không có biển hiệu công ty, thậm chí số nhà còn bị dán giấy che đi.
Dự án từng vướng nhiều lùm xùm
Được biết, ngày 21/5/2004, UBND TP.Hà Nội có Quyết định số 3153/QĐ-UB về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư các dự án thí điểm xây dựng nhà ở cao tầng cho thuê tại các ô đất hai bên tuyến đường Láng Hạ - Thanh Xuân.
Tổng công ty Xây dựng Sông Hồng được giao đất để thực hiện dự án tại ô đất 4.6 - NO tuyến đường Lê Văn Lương. Sau đó dự án này được tổng công ty này chuyển đổi chủ đầu tư sang cho đơn vị thành viên là công ty CP Phát triển xây dựng và Xuất nhập khẩu Sông Hồng (công ty Sông Hồng).
Theo quy hoạch chi tiết tuyến phố Láng Hạ - Thanh Xuân, tỷ lệ 1/500 đã được UBND TP phê duyệt thì khu đất trên có diện tích 1573 m2, mật độ xây dựng 55% và tầng cao trung bình là 7,5 tầng.
Dự án này từng vướng lùm xùm do chậm trễ triển khai và bị người dân phản đối.
Cụ thể, sau nhiều năm dự án không triển khai, đến ngày 7/4/2008, UBND TP.Hà Nội có Kế hoạch số 37/KH-UBND giao sở Quy hoạch - Kiến trúc quy hoạch định hướng không gian kiến trúc trên tuyến đường Lê Văn Lương theo tỷ lệ 1/2000.
Theo quy hoạch mới này, ô đất 4.6 - NO được điều chỉnh bổ sung chức năng thành dự án xây dựng tổ hợp trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê, tầng cao công trình lên 16 tầng.
Mặc dù sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội từng có ý kiến về việc, lô đất này có kích thước chiều ngang không lớn, nếu xây 16 tầng thì “hình dáng công trình quá mỏng", tuy nhiên sau đó nó đã được xử lý bằng việc thu hẹp khoảng lùi xây dựng so với quy chuẩn xây dựng để chiều dày công trình... không quá mỏng.
Chính vì việc điều chỉnh khoảng lùi này mà một số hộ dân ở Quan Nhân lo lắng, khoảng lùi xây dựng này gây ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến đời sống dân sinh, vì "mở cửa ra đã thấy cao ốc ngay trước mặt, mất hết không gian"; việc thi công ép cọc chắc chắn sẽ ảnh hưởng và nhất là khó khăn trong chữa cháy khi có hỏa hoạn xảy ra.
Một số chuyên gia xây dựng từng nhận định rằng, việc đồng ý điều chỉnh khoảng lùi của bộ Xây dựng cho dự án này là không phù hợp với Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam và sẽ trở thành tiền lệ xấu, bởi Hà Nội hiện có rất nhiều công trình lớn và chủ đầu tư nào cũng xin điều chỉnh để nâng cao hiệu quả sử dụng thì sẽ phá vỡ hết quy hoạch của thành phố.
Cũng liên quan đến dự án này, các hộ dân tại ngách 72/125 phố Hoàng Ngân (thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) cũng phản đối vì chủ đầu tư đã rào khu đất dịch sang phần ngõ thêm 3m để xây dựng công trình khiến lòng đường bị thu hẹp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc đi lại của người dân.
Tuy nhiên sau đó lãnh đạo UBND phường Nhân Chính đã có giải đáp rằng dự “Vì dự án mở rộng đường theo quy hoạch đang vướng mắc GPMB, chưa triển khai nên chủ đầu tư chưa cắm rào hết đất của dự án mà còn chừa lại hơn 1m, đảm bảo con đường hiện hữu rộng khoảng 2m, đủ để người dân đi lại bình thường. Do đó, nói dự án cắm rào bịt nhà dân là không đúng".
Sau này, không rõ vì lý do gì mà dự án được chuyển giao từ công ty Sông Hồng sang công ty Sao Mai.
Khoảng 18h ngày 27/9, trong cung giờ tan tầm khi nhiều người đang lưu thông trên đường Lê Văn Lương đoạn giao cắt với phố Hoàng Ngân (Hà Nội) thì một thanh sắt dài 4m của công trình xây dựng rơi xuống đường khiến 1 người chết tại chỗ, 1 người bị thương.
UBND quận Thanh Xuân (Hà Nội) vừa có báo cáo cho biết nguyên nhân vụ tai nạn nói trên. Theo đó, ngoài chủ đầu tư là công ty Sao Mai, công trình nói trên có nhà thầu phụ thi công lắp kính mặt ngoài là công ty Cổ phần Thương mại phát triển Công nghệ Hà Nội mới DHP (có địa chỉ tại tổ 3 Trần Phú, quận Hoàng Mai, Hà Nội).
Hiện công trình đã thi công xong phần thô và đang trong quá trình thi công hoàn thiện, lắp kính mặt ngoài tòa nhà.
"Nguyên nhân vụ tai nạn ban đầu được xác định do bộ phận giữ của hệ thống sàn treo Gondola phục vụ việc thi công hạng mục vách kính tại công trình bị bật khỏi vị trí và rơi xuống đường giao thông" - báo cáo của UBND quận Thanh Xuân chỉ rõ.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin…