Thiên tài đi lên từ "người cùng khổ"
Mikhail Kalashnikov sinh ngày 10/11/1919 ở ngôi làng nhỏ tại vùng núi Altai gần biên giới giữa Nga và Mông Cổ. Mẹ Mikhail sinh tới 19 người con nhưng chỉ 8 trong số đó còn sống sót. Tưởng như không còn đau đớn nào hơn, thì bi kịch tiếp tục giáng xuống gia đình Mikhail. Cha ông, trụ cột của gia đình mất trong cảnh lưu đày do chiến dịch bài trừ những nông dân giàu có, còn anh cả Victor bị tập trung lao động cải tạo tới chín năm.
Chiến tranh loạn lạc, nghèo đói, đời sống kham khổ khiến cậu bé Mikhail không được học hành đến nơi đến chốn. Nhưng ít ai biết rằng, những dấu hiệu thiên bẩm về tài năng đã bộc lộ rất sớm ở cậu bé người Nga này. Ngay từ thuở thiếu thời, Mikhail đã say sưa khám phá, chế tạo những dụng cụ thông minh phục vụ cho trò chơi trẻ con.
Mikhail Kalashnikov và súng trường AK-47 huyền thoại.
Lớn thêm chút nữa, Mikhail gia nhập quân đội, trở thành lính lái xe tăng tham gia cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Ngay thời đầu quân ngũ, chàng pháo thủ đã chế tạo ra thiết bị đếm số viên đạn đại bác được bắn ra khỏi nòng. Phát minh của chàng lính trẻ đã khiến cả quân đội xôn xao. Còn nhớ, Nguyên soái lừng danh Georgy Zhukov, khi đó là chỉ huy lực lượng đặc nhiệm vùng Kiev, đã tặng nhà phát minh trẻ một chiếc đồng hồ có khắc tên "Mikhail Kalashnikov" để động viên khả năng sáng tạo của chàng trai.
Không lâu sau, cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại bước vào giai đoạn quyết liệt. Thanh niên Xô Viết được điều động ra chiến trường bảo vệ Tổ quốc tăng lên theo cấp số nhân. Rất nhiều người trong số đó đã ngã xuống vì độc lập dân tộc. Mikhail Kalashnikov được điều ra tiền tuyến và bị thương nặng trong một trận chiến chống phát xít Đức năm 1941. Nằm liệt trên giường bệnh, anh trung sĩ trẻ bắt đầu nung nấu ý định chế tạo một loại súng tiểu liên mà các binh sĩ Nga đang khao khát có được khi xung trận.
Trong thời gian này, Mikhail đã tạo nên mẫu súng đầu tiên của mình. Ngay lập tức, mẫu súng được giới thiệu tới chuyên gia nổi tiếng về lĩnh vực vũ khí, GS. Blagonravov. Mặc dù nhận xét của vị giáo sư đối với thành phẩm của Mikhail Kalashinkov là hoàn toàn kém nhưng chuyên gia này cũng nhấn mạnh sự độc đáo và nhiệt thành trong sáng tạo của sản phẩm. Giáo sư đã đề nghị cử Kalashinikov đi học tiếp.
Không lâu sau, Mikhail Kalashinkov đã tạo ra mẫu súng cacbin nạp được nhiều đạn. Mẫu súng này tuy không nằm trong bộ súng nhưng phần nào đã giúp cho việc sáng tạo súng tự động. Từ năm 1945, ông bắt đầu việc sáng tạo súng tự động đạn 7,62×39. Khẩu này chịu nhiều ảnh hưởng của súng Stg-44 của Đức. Theo một số nguồn thì trong nhóm chế tạo có cả những chuyên gia Đức bị bắt làm tù binh, trong đó có Hugo Shmeisher. Đến năm 1947, sau thất bại của vô số các mẫu thử, thiết kế của Mikhail Kalashnikov cuối cùng được chấp nhận rồi được lựa chọn sau cuộc thi do một cơ quan quốc phòng tổ chức, đánh bại không ít chuyên gia hàng đầu về vũ khí hạng nhẹ khi đó.
Năm 1949, mẫu súng Kalashnikov được chấp nhận theo quy chuẩn quân đội và nhà thiết kế được tôn vinh bằng giải thưởng cao quý mang tên Stalin. Suốt 60 năm sau đó, Kalashnikov vẫn không ngừng tìm tòi cải tiến thiết kế nổi tiếng của mình. "Tôi tạo ra loại vũ khí này nhằm bảo vệ biên giới Tổ quốc", ông nhấn mạnh, đồng thời bày tỏ niềm tin rằng súng AK sẽ vẫn giữ vững vị trí đỉnh cao trong vòng ít nhất 25 năm nữa "cho tới khi xuất hiện loại mới cao cấp hơn".
Mikhail Kalashnikov.
Từng muốn trở thành chuyên gia máy nông nghiệp
Mikhail từng tâm sự, trước khi bắt đầu thiết kế AK-47, ông thường xuyên mất ngủ vì lo nghĩ tới các loại siêu vũ khí của phát xít Đức sử dụng để chống lại Hồng quân Liên Xô trong Thế chiến II. Thế giới biết đến ông là anh hùng Liên Xô, cha đẻ của loại súng trường thông dụng nhất thế giới nhưng ít ai biết rằng mong muốn của ông hoàn toàn ngược lại. Ở tuổi 93, và mới kỷ niệm sinh nhật cách đây không lâu, ông Kalashnikov tâm sự, chính phát xít Đức đã biến ông thành nhà thiết kế súng, trong khi ông muốn trở thành chuyên gia máy nông nghiệp.
Trong một lần tới thăm nước Đức, "cha đẻ" huyền thoại súng trường AK-47 cũng tâm sự: "Khi nhìn thấy Bin Laden với khẩu AK-47, tôi thực sự căng thẳng. Nhưng tôi có thể làm gì, khủng bố không phải là những kẻ khờ, chúng luôn chọn những khẩu súng tốt nhất. Tôi tự hào về những sáng chế của mình, nhưng buồn vì chúng được sử dụng bởi những kẻ khủng bố. Tôi thích sáng chế những chiếc máy mọi người có thể sử dụng hơn, một chiếc máy xén cỏ giúp những nông dân chẳng hạn".
Được biết, kể từ khi ra đời đến nay, đã có hơn 100 triệu khẩu súng AK-47 (còn gọi là súng Kalashnikov) được sản xuất. Đó là chưa kể đến các nhà máy được chuyển giao công nghệ ở hơn 10 nước và sản phẩm bất hợp pháp. Sergei Chemezov, Giám đốc hãng xuất khẩu độc quyền Rosoboroexport cho biết, mỗi năm có gần 1 triệu khẩu AK-47 được sản xuất mà không có giấy phép. Đây là loại vũ khí chính trong chiến tranh, đảo chính, khủng bố, cướp bóc và những vụ lộn xộn khác. Theo một số liệu thống kê chưa đầy đủ, trong 500 triệu vũ khí cầm tay đang tồn tại trên Trái đất thì có 100 triệu là các khẩu AK khác nhau, trong đó 75 triệu là AK-47.
Nói về việc AK-47 được sử dụng quá nhiều trong giới giang hồ cũng như các băng đảng khủng bố, tướng Mikhail cảm thấy rất buồn nhưng vẫn giữ niềm tự hào của mình bởi AK-47 đã giúp nước Nga bảo vệ được mình và gìn giữ được nền hòa bình cho những người dân trên toàn lãnh thổ Nga. Ông cho rằng, mỗi vũ khí đều có một diện mạo riêng, giống như là phụ nữ vậy. "Nếu như các khẩu tự động của tôi không đẹp và bền, thì 50 nước trên thế giới đã không trang bị cho quân đội của họ. Một vài nước đã cho khẩu súng của tôi lên quốc huy, cờ.
Bộ trưởng bộ Quốc phòng Mozambique nói với tôi: "Ông có biết không, sau khi chúng tôi giành độc lập với khẩu súng của ông, nhiều người lính đã đặt tên con mình là Kalash. Đến mỗi vùng quê của chúng tôi ông sẽ gặp hàng chục đứa bé da đen có tên Kalash". Thật là một thông tin thú vị", Mikhail Kalashnikov chia sẻ.
Một số nguồn tin cho rằng, tuy nổi tiếng như thế nhưng tác giả của AK-47 lại không được bất cứ khoản lợi nhuận nào từ tiền bản quyền do các nhà sản xuất khác đưa lại. Thay vì đó, ông phải cho mượn tên tuổi của mình để quảng cáo cho một vài mặt hàng phổ thông khác và rượu vodka Kalashnikov là một ví dụ (!?).
> Hình ảnh súng trường Ak-47 trên khắp thế giới
Luôn giành lợi thế trên chiến trường Súng trường AK-47 cũng được bộ đội ta sử dụng như hình với bóng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong cuốn "Một quân nhân tường trình", tướng Westmoreland, cựu Tư lệnh quân đội Mỹ tại miền Nam Việt Nam viết rằng, ngay từ năm 1964, Quân giải phóng miền Nam Việt Nam đã sử dụng AK-47. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại của Mỹ. Theo vị cựu Tư lệnh này, thất bại liên tiếp mà quân Mỹ vấp phải một phần là bởi AK-47 với ưu thế về tốc độ, hoả lực mạnh. Nó tạo ra một tiếng nổ đinh tai khi bắn tương tự như loại đại bác Burp của Đức trong Thế chiến II. |
Anh Văn