Điều ít biết về doanh nghiệp dầu khí trong đại án OceanBank

Điều ít biết về doanh nghiệp dầu khí trong đại án OceanBank

Nguyễn Thị Hà

Nguyễn Thị Hà

Thứ 3, 19/09/2017 20:00

Cùng với công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) thì liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro (VSP) và tổng công ty Thăm dò khai thác Dầu khí (PVEP) cũng là những đơn vị liên quan đến vụ án mà cơ quan CSĐT, bộ Công an đã ra quyết định khởi tố.

Đối mặt nhiều thách thức

Về phía Vietsovpetro, hiện tập đoàn Dầu khí Việt Nam nắm 51% vốn tại liên doanh – tương ứng 8.597 tỷ đồng, còn phía Nga là công ty cổ phần Zarubezhneft nắm 49%. Theo danh mục doanh nghiệp thuộc PVN thực hiện sắp xếp, cổ phần hoá, thoái vốn giai đoạn 2017 – 2020 được Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phê duyệt, PVN vẫn sẽ nắm giữ tỷ lệ này trong những năm tiếp theo.

Đầu tư - Điều ít biết về doanh nghiệp dầu khí trong đại án OceanBank

Biểu tượng của liên doanh ngành dầu khí Việt Nga ngày càng khó khăn.

Vietsovpetro cũng là xí nghiệp liên doanh đầu tiên của Việt Nam với nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí và là một biểu tượng của tình Hữu nghị Việt Nam – Liên bang Nga. Được biết, tính đến tháng 6/2016, sau 35 năm hoạt động, Vietsovpetro đã trở thành lực lượng chủ yếu của ngành kinh tế và công nghiệp dầu mỏ Việt Nam với 3 mỏ dầu thương mại: Bạch Hổ, Rồng và Gấu Lớn, trong đó mỏ Bạch Hổ có giá trị thương mại lớn nhất Việt Nam.

Trong khoảng thời gian trên, liên doanh này đã khai thác được 220 triệu tấn dầu thô, doanh thu bán dầu đạt trên 74 tỷ USD, nộp ngân sách và lợi nhuận của Việt Nam là 47 tỷ USD. Liên bang Nga thu lợi nhuận khoảng 11 tỷ USD.

Tuy vậy, theo thông tin từ PVN, thời gian gần đây, Vietsovpetro đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó phải kể đến sự sụt giảm sản lượng do lưu lượng dầu ban đầu của các giếng mới đưa vào khai thác sau khi khoan và sửa chữa lớn thấp hơn so với kế hoạch. Các giếng dầu tại mỏ Bạch Hổ, mỏ Rồng do Vietsovpetro tiến hành thăm dò khai thác hơn 30 năm qua đã ở vào giai đoạn cuối, sản lượng đến hồi suy giảm nghiêm trọng.

Đó là chưa kể, đối với các giếng dầu đã khai thác hàng chục năm qua còn thường xuyên xảy ra hiện tượng “ốm đau thất thường” như sụt giảm áp suất, giếng bị ngập nước, bị lắng đọng muối... Đây là những “tảng đá” chắn đường ngăn Vietsovpetro hoàn thành đích đặt ra là khai thác được 5 triệu tấn dầu thô trong năm nay.

Cũng cần nói thêm, trong 6 tháng đầu năm 2017, sản lượng khai thác của Vietsovpetro đạt 2,388 triệu tấn dầu/condensate. Riêng mỏ Bạch Hổ khai thác được 1,77 triệu tấn – chiếm gần 75% tổng sản lượng, phần còn lại là mỏ Rồng, Nam Rồng - Đồi Mồi, mỏ Gấu Trắng và mỏ Thỏ Trắng. Doanh thu bán dầu của Vietsovpetro 6 tháng đầu năm đạt 986,4 triệu USD (bằng 107,8% kế hoạch) với giá dầu doanh thu trung bình 416,4 USD/tấn (54,9 USD/thùng).

PVEP và giai đoạn khó khăn

Cái tên thứ ba được nhắc tới trong quyết định khởi tố bổ sung của cơ quan CSĐT, bộ Công an lần này là Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP). Đây là một trong những đơn vị quan trọng nhất của PVN, có tổng mức đầu tư 80.023 tỷ đồng do PVN góp 100% vốn.

Năm 2015-2016, hòa chung không khí ảm đạm của bức tranh kinh doanh ngành dầu khí do hệ quả của giá dầu thế giới giảm mạnh, PVEP phải đối mặt với nhiều thách thức. Các mỏ dầu suy giảm sản lượng tự nhiên, hệ quả của việc cắt giảm đầu tư trong hơn 1 năm qua cho công tác khoan bổ sung các giếng khai thác, cũng như hạn chế hoạt động khoan tìm kiếm thăm dò để có những phát hiện dầu khí mới.

Tổng sản lượng khai thác quy dầu của PVEP đạt trung bình khoảng 5-6 triệu tấn/năm, tổng doanh thu năm 2015 là 38.782 tỷ đồng, lãi trước thuế 4.042 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2016 mới thực sự là “cơn ác mộng” đối với doanh nghiệp này. Ông Ngô Hữu Hải, Tổng Giám đốc PVEP thừa nhận đây là khó khăn nhất của PVEP kể từ ngày thành lập.

“Chưa bao giờ, vị thế, năng lực tài chính của doanh nghiệp từng được xem là trụ cột của tập đoàn kinh tế lớn nhất cả nước lại bị tổn thương mạnh mẽ, đe dọa sự phát triển của doanh nghiệp. Nếu Vietsovpetro tới tháng 5/2016 hết tiền, thì tại PVEP chỉ tới tháng 3/2016 đã hết nhẵn và âm”, ông Hải nói.

Doanh thu hợp nhất năm 2016 đạt 30.900 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 5.189 tỷ đồng. Tuy nhiên, do quy định thuế thu nhập doanh nghiệp hiện nay là theo khối lượng dầu xuất bán tại các dự án và không phụ thuộc vào lợi nhuận thu được từ hoạt động khai thác nên thuế thu nhập doanh nghiệp mà PVEP phải nộp lên tới 5.189 tỷ đồng. Điều này dẫn tới lợi nhuận sau thuế bị âm 1.980 tỷ đồng.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.