Có một Huỳnh Uy Dũng khác…
Trong kinh doanh, đại gia Dũng "lò vôi" được đánh giá là một người quyết liệt, thậm chí chơi “ngông”, đôi khi “khùng khùng”, nhưng về đời tư, ông lại là một người mộ đạo (theo đạo Phật) và yêu thích văn chương.
Nói về mộ đạo, từ khi khởi công xây dựng công trình Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến đến lúc cơ bản hoàn thành, ông Dũng ăn chay trường, bản thân không rời khỏi công trình. Công trình ngốn tiền như nước và ông Dũng thậm chí còn xây dựng hẳn một xưởng sản xuất gạch ngói riêng để xây chùa nhằm mục đích giữ gìn sự tinh khiết cho ngôi chùa.
Cho đến nay ở Việt Nam chưa có ngôi chùa nào to và dát vàng nhiều như Đại Nam Văn Hiến của Huỳnh Uy Dũng. Chùa có diện tích 3000 m2, dưới dãy núi Ngũ Hành Sơn đắp bằng xi măng cốt thép cao 75m. Trong chùa những cánh cửa gỗ quý nặng hàng tấn, những bức tượng, hoành phi, câu đối và những tác phẩm thơ tâm linh của Huỳnh Phi Dũng đều được thếp vàng.
Khi Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến ra đời (mở cửa cuối năm 2008), công trình này đã gây nhiều tranh cãi bởi tại khu Đại Nam Quốc tự, ông Dũng đã thờ cúng rất nhiều thánh thần, danh nhân thế giới, anh hùng dân tộc... đủ cả Đông Tây kim cổ, xen lẫn với cả tổ tiên gia tộc mình.
Cụ thể, chính điện ông thờ Phật Tổ Như Lai trên cùng, ở giữa Vua Hùng kế đến là Hồ Chủ Tịch, phía tay phải thờ bách gia trăm họ và Mẹ Âu Cơ, phía trái thờ gia tộc Trần – Huỳnh. Rất nhiều ý kiến phản đối việc thờ Phật, thờ Thần, thờ lãnh tụ và tổ tiên lẫn lộn trong một nơi gọi là “chùa” của ông Dũng. Nhiều hạng mục của công trình này từng gây tranh cãi về mặt văn hóa, tôn giáo, thậm chí bị cho là mang màu sắc mê tín dị đoan.
Khi bắt tay vào xây dựng Đại Nam Lạc Cảnh, Huỳnh Uy Dũng tuyên bố bỏ từ bỏ kinh doanh, dành toàn bộ tâm lực xây dựng công trình này để thức tỉnh nhân tâm, chấn hưng nước Việt và chặn đứng mọi mưu mô xâm lược của nước ngoài (!?)
>>> Đại gia Huỳnh Uy Dũng: Từ lò vôi đến ông chủ khu đô thị 2.300 tỷ
Ngoài mộ đạo, ông Dũng còn là người yêu thích văn chương. Ông chủ yếu làm thơ về lịch sử, văn hóa và tâm linh. Cho đến nay ông đã có mười mấy tập thơ được xuất bản.
Theo nhà thơ Lê Thiếu Nhơn - một người bạn của ông Dũng thì ông này làm hàng chục bài thơ nhập đồng mỗi đêm và cho in dán khắp nơi trong văn phòng công ty. Huỳnh Uy Dũng tuyển chọn một tập thơ “Tâm Linh” cho nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành và tuyên bố rằng: “Tôi thách các nhà thơ Việt Nam làm được thơ hay như thơ tôi”.
Thơ của ông dung dị đời thường nhưng cũng "khùng khùng" thế này:
"Về thăm Văn Hiến quạt mo
Thằng Bờm không đổi dù cho ba bè
Phú ông chớ ỉ giàu nghe
Quạt Mo không đổi ba bè gỗ lim".
Ngoài làm thơ tâm linh, ông Dũng còn sáng tác kinh Phật mới, Quốc ca mới và tự nhận có khả năng gọi mưa ngăn bão. Ông này từng khẳng định có thể làm chệch hướng bất kỳ cơn bão nào sắp đổ bộ vào nước ta (?!) Thậm chí, vị đại gia chơi ngông cho rằng mình có tài tiên đoán tình hình đất nước 10 năm, 20, 30 năm như Trạng Trình tái thế.
Năm 2009, để chào mừng sự kiện 1.000 năm Thăng Long, ông Huỳnh Uy Dũng cho xuất bản tập thơ dày gần 150 trang mang tên “Trường ca Thăng Long”, gây rúng động giới xuất bản năm đó.
Người ta mang tập thơ ra mổ xẻ và cho rằng nó ít giá trị nghệ thuật, thậm chí nhiều chi tiết, câu từ ngô nghê, sần sượng, thô thiển.
Ví như đoạn này:
"Nếu có một tổng đề văn hiến
Một tổng đề tổng hợp mênh mông
Trong mỹ ấy tuyệt vời chân thiện
Tổng đề này tên gọi: Thăng Long";
Hay khi viết về Nguyên phi Ỷ Lan, Huỳnh Uy Dũng mô tả:
"Sử chép rằng ngay từ buổi nọ
Ỷ Lan đà chứng tỏ lương năng
Ngoài phần hầu hạ gối chăn
Nàng còn tranh thủ siêng năng học hành" (?!!)
Đọc những vần thơ kiểu ấy, nhiều người “ném đá” rằng ông Dũng trọc phú, thừa tiền nên bày đặt thơ phú. Tuy nhiên, đáp lại những thị phi, ông điềm nhiên trả lời trên báo chí: “Tôi làm thơ cốt để cho lớp trẻ ngày nay thấu hiểu thêm được khí thế hào hùng của dân tộc ngàn năm văn hiến”.
Được biết, ngay khi vừa xuất bản, ông Dũng còn bạo tay chi tiền cho đăng tải toàn bộ tập trường ca dài 150 trang ấy trên một tờ báo lớn với chi phí quảng cáo khoảng vài chục triệu đồng một trang.
Hôn nhân sóng gió...
Về cuộc sống hôn nhân, đại gia Dũng “lò vôi” cũng có nhiều thăng trầm, thậm chí từng hứng nhiều "gạch đá".
Thời trẻ, ông kết hôn với con gái của Giám đốc sở Nông nghiệp tỉnh Sông Bé – một người phụ nữ hơn ông 6 tuổi, có tiếng là tảo tần, đồng cam cộng khổ cùng chồng. Hai ông bà sinh được 3 người con (2 trai, 1 gái). Trong những cuộc tiệc tùng, nhiều bạn bè chứng kiến ông từng tuyên ngôn "Giàu không bỏ bạn, sang không bỏ vợ". Ấy thế mà một thời gian sau ông ly hôn người vợ đầu để lấy một phụ nữ Việt kiều từng có 2 đời chồng và 3 người con.
Ông Dũng bị đồn thổi và lên án về việc bỏ rơi người vợ đầu khi bà đang lâm trọng bệnh. Còn người vợ thứ hai là bà Nguyễn Phương Hằng, nguyên là người phụ nữ đến thuê khu công nghiệp của ông để kinh doanh.
Người vợ thứ hai này được ông Dũng yêu quý, hàm ơn, coi là tri kỷ bởi – theo lời ông nói thì bà đã giúp ông dẹp bỏ mê tín dị đoan, đã cùng ông và Đại Nam vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất, xóa sạch nợ nần để trở lại trong thanh thản và danh dự.
Năm 2013, ông Dũng lại gây chấn động dư luận khi tuyên bố trao toàn bộ tài sản thừa kế, bao gồm cả khu du lịch Đại Nam cho con trai Huỳnh Hằng Hữu (là con chung của ông Dũng và bà Hằng) vào bữa tiệc sinh nhật 1 tuổi của cậu bé này.
Sau đó báo chí giật tít rùm beng về hiện tượng cậu bé tỷ phú mới 1 tuổi đã sở hữu khối tài sản 50.000 tỷ đồng. Tuy nhiên sau đó ông đã lên tiếng đính chính rằng cậu con trai 1 tuổi của ông chỉ giữ chức danh chủ tịch HĐQT giám sát quỹ thiện nguyện chứ không phải chủ tịch HĐQT công ty Cổ phần Đại Nam.
Xung quanh mối tình với người vợ thứ hai này, ông Dũng từng dính tin đồn vợ chồng ông nợ nần bết bát. Ngày 17/1/2013, ông Dũng rao trên báo, treo thưởng 100 tỷ đồng cho bất kỳ ai có chứng cứ vợ ông vay nợ 2.000 tỷ đồng từ các ngân hàng và đối tượng bên ngoài.