Thanh xà kỳ lân tên khoa học là Gonyosoma bourlengeri và còn có tên gọi khác là rắn vòi voi hay rắn vòi, rắn voi. Đây là một loài rắn mọc sừng ở mũi có hình thù hết sức kỳ dị.
Thanh xà kỳ lân sở hữu kích thước khá nhỏ bé, chiều dài khoảng từ 1m – 1,5m. Khi còn nhỏ toàn thân chúng màu xám, lớn lên chuyển sang màu xanh lục hoặc xanh nõn chuối, hầu hết không có hoa văn. Đặc điểm dễ nhận biết nhất của rắn thanh xà kỳ lân là chiếc sừng nhọn hoắt ở đầu mũi.
Tuy nhiên không giống sừng của các loài động vật khác cấu tạo chủ yếu từ chất keratin (gồm nhiều loại protein) “sừng” của rắn voi được tạo nên từ những chiếc vảy kéo dài. Đây chính xác là một khối thịt nhỏ nhô ra ở đầu mũi của nó.
Thanh xà kỳ lân có "sừng" ngay từ lúc mới nở nhưng chiếc “sừng” khá mềm, khi còn nhỏ vẫn chưa phát triển dài ra. Bộ phận này được dùng chủ yếu trong việc săn mồi. Khi vắt vẻo trên cây cao, chiếc ”sừng” trông giống như một con sâu màu xanh thu hút các loài chim nhỏ sập bẫy rồi trở thành bữa ăn của thanh xà.
Mặc dù sống trên cây và có màu xanh khiến nhiều người nhầm lẫn với rắn lục đuôi đỏ nhưng rắn vòi voi không có nọc độc và rất hiền lành. Chúng thậm chí còn được nuôi làm cảnh vì vẻ đẹp độc đáo.
Thức ăn ưa thích của thanh xà kỳ lân là các loài động vật có xương nhỏ như chim, chuột, ếch… Một số loài gặm nhấm khác cũng được xem là đồ ăn khoái khẩu của chúng.
Thanh xà kỳ lân phân bố chủ yếu ở miền Bắc Việt Nam, tuy nhiên một nghiên cứu về sự phân bố về phía Nam của loài rắn này cho thấy vùng xa nhất tìm thấy rắn vòi voi là vùng rừng thuộc dãy Đèo Cả (Phú Yên).
Phát hiện này khiến các nhà khoa học bất ngờ vì vùng phân bố của loài rắn này cách xa 600km so với những ghi nhận tại miền Trung Việt Nam trước đây như tỉnh Quảng Bình.
Ở Việt Nam, thanh xà kỳ lân còn gắn liền với một câu chuyện nhuốm màu kỳ ảo về một loài rắn có mào.
Loài rắn có mào này không bao giờ cắn người nhưng ai cũng khiếp sợ vì chúng được cho là rắn thần, thường canh giữ các đền miếu… Rất có thể hình tượng của loài rắn mào này được lấy cảm hứng từ thanh xà kỳ lân.
M.H (t/h)