Trong quá trình trùng tu, tôn tạo, người dân nơi đây đã phát hiện thêm nhiều dấu tích lịch sử về sự hình thành và ý nghĩa tâm linh của ngôi đền Bắc Hà trên cao nguyên trắng. Biến cố này được coi như ý trời đã càng làm lộ thiên nhiều minh chứng...
Lịch sử hào hùng
Bắc Hà được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng nhiều sản vật với nền khí hậu trong lành, mát mẻ. Cùng với lịch sử ngàn năm đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc ta thì Bắc Hà cũng là một vùng đất địa linh nhân kiệt. Nơi đây đã in dấu nhiều chiến công hiển hách của cha ông ta. Truyền thống đó đã được lưu danh sử sách, đậm nét nhất chính là yếu tố lịch sử hình thành nên ngôi đền Bắc Hà...
Mái đền đang được tu sửa sau ảnh hưởng của trận mưa đá (ảnh H.S)
Đền Bắc Hà được đồng bào địa phương và du khách thập phương góp công sức xây dựng từ thế kỷ XIX. Đền thờ Gia quốc công Vũ Văn Mật, người có công đánh giặc dẹp loạn, hùng cứ cả một vùng rộng lớn, huy động được các dân tộc thiểu số địa phương trấn giữ vùng núi phía Bắc, ngăn giặc xâm lấn biên ải từ thời vua Lê Chiêu Tông (1516) sang thời nhà Mạc (1592) và những năm tiếp theo.
Ông Trần Quang Phượng (70 tuổi) là người giữ đền, thành viên của BQL di tích, Trưởng BQL đền Bắc Hà, tiếp chúng tôi. 10 năm trước, khi mới nghỉ hưu, ông Phượng xin được toàn tâm cho việc chăm lo nhang khói, quét dọn đền những mong tích được nhiều công đức cho gia đình, cầu được bình an cho đồng bào nơi đây. Đó cũng là một sự thanh thản, nhàn cư đối với ông khi tuổi già.
Lịch sử và nhiều ý nghĩa về giá trị tâm linh của ngôi đền ông đều nắm rõ: Theo sử sách ghi lại, vào thời vua Lê Chiêu Tông (1516 - 1522) tại làng Ba Động, huyện Gia Phúc (nay là huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) có hai anh em dòng họ Vũ là Vũ Văn Uyên và Vũ Văn Mật đã lên xóm Khau Bầu, Đại Đồng, trấn Tuyên Quang sinh sống. Vì thấy tù trưởng Đại Đồng tàn ác, ngược đãi dân lành, giặc dã cướp bóc triền miên nên anh em họ Vũ đã tập hợp người dân địa phương, thu phục được nhiều tù trưởng người dân tộc thiểu số, trấn an tình hình địa phương rồi lập nghiệp trên vùng quê mới.
Những việc làm của hai ông đã thu phục được dân chúng trong vùng về tụ hội, sinh cơ lập nghiệp. Họ Vũ đã chọn vùng đất Phúc Khánh (Phố Ràng, Bảo Yên ngày nay) xây dựng căn cứ, đặt doanh Yên Bắc. Từ đó, vùng này đã trở thành nơi có dân cư đông đúc, về sau dân ở nhiều miền khác nhau do chiến tranh ly tán cũng kéo nhau đến lập nghiệp. Người Kinh từ xuôi lên sát cánh cùng người Tày, người Nùng An, người Dao và nhiều đồng bào dân tộc thiểu số khác làm cho vùng đất dọc theo dòng sông Chảy lên tận tổng Ngọc Uyển (Bảo Nhai ngày nay) phồn thịnh.
Anh em họ Vũ chiêu binh sỹ, quân số lên tới hàng vạn người, liên kết với các tù trưởng tiến hành xây dựng vùng căn cứ ngược theo triền sông Hồng và sông Chảy, dẹp loạn cho dân, giúp nhà Lê chống giặc ngoại xâm xâm lấn biên ải. Tương truyền: "Gia quốc công đã cho đắp thành Nghị Lang vững chãi, xây lũy cứ ở Trung Đô tổng Ngọc Uyển giữ yên bờ cõi, không cho giặc ngoài xâm lấn.... Vũ Văn Uyên đã được triều đình phong cho chức Đô tổng binh trấn Tuyên Quang và tước Khánh Dương Hầu.
Khi nhà Mạc tiếm ngôi vua Lê (1527 - 1592), dân tình ly tán, triều chính bất ổn, giặc dã nổi lên khắp nơi, giặc phương Bắc thừa cơ nhòm ngó vùng biên ải, anh em nhà họ Vũ lại liên kết với các tù trưởng người dân tộc thiểu số, trấn giữ không cho quân Mạc lên phá thành và giặc ngoài tràn đến.
Sau khi Vũ Văn Uyên chết, kế tục sự nghiệp, Vũ Văn Mật tiếp tục trấn giữ nơi biên giới phía Tây và được vua Lê Trang Tông (1533 - 1548) sắc phong Tổng binh trấn Tuyên Quang, tước gia quốc công Vũ Văn Mật tiến hành thiết lập lại vùng Đại Đồng trở lên đến vùng Ngọc Uyển châu Thủy Vĩ thành 11 dinh, cử các tướng dưới quyền trông coi. Sau khi Vũ Quốc Công qua đời, con trai là Vũ Công Kỷ tiếp tục trấn thủ, được vua Lê Thế Tôn, năm 1573, niên hiệu Gia Thái cho giữ chức Hữu Tướng Quốc. Họ Vũ sau hơn một trăm năm đã kết thúc vai trò lịch sử ở trấn Tuyên Quang kéo dài lên tận vùng phía Bắc châu Thủy Vĩ, nơi triều đình nhà Lê gọi là dinh An Tây. Đền thờ Bắc Hà cũng được hình thành để tỏ sự thành kính, tưởng nhớ công lao của nhân dân, tướng lĩnh, tù trưởng thời đó đối với ông...
Theo ông Phượng, sự linh thiêng của ngôi đền đã phù hộ cho tinh thần đoàn kết của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây.
Sự linh thiêng
Dẫn chúng tôi đi hết một vòng khuôn viên rộng 0,5 ha, đứng bao quát, phóng tầm mắt hướng về phía trung tâm thị trấn Bắc Hà, ông Phượng cho biết thêm: Kiến trúc của ngôi đền được thiết kế quay lưng vào sườn núi, mặt đền hướng về phía dãy núi Ba mẹ con ở phía xa. Ở giữa là đền chính, hai bên là tả vu và hữu vu (tả vu thờ Bác, hữu vu thờ bài vị của Gia quốc công).
Năm 2003, do thiên tai, ngôi đền sập đổ hoàn toàn. Tất cả gần như hư hỏng hết, chỉ may mắn giữ được một số hiện vật cổ như: Văn bia, đại tự, bình hương,... Tuy nhiên, cũng từ biến cố thiên nhiên đó, chúng ta đã phát hiện ra thêm nhiều hiện vật có giá trị như: Văn bia chứa đựng nhiều thông tin về Gia quốc công, súng thần công (hiện được lưu giữ tại bảo tàng tỉnh Lào Cai). Điều này có vẻ như... ý trời. Hiện trạng ngôi đền hiện nay được trùng tu, sửa chữa lại trên nền của ngôi đền cổ năm xưa. Vì đặc thù của huyện Bắc Hà là không có chùa nên phía sau ngôi đền còn có thêm phủ chúa Thiên Trang và am thờ Phật để đáp ứng nhu cầu tự do tín ngưỡng của nhân dân nơi đây...
Lễ hội chính đền Bắc Hà được tổ chức hàng năm vào ngày 7/7 (âm lịch) tại đền ngay thị trấn Bắc Hà, để tưởng nhớ ngày mất Gia quốc công Vũ Văn Uyên, người đã có công dẹp loạn an dân, hùng cứ vùng Tây Bắc thế kỷ 16-17. Từ đó đến nay, ngôi đền là nơi để nhân dân trong vùng và du khách thập phương ngưỡng vọng người có công với dân với nước. Tuy nhiên, vì ngày 7/7 (âm lịch) lại là ngày mất của ông Mật và được coi là ngày kỵ của ông nên hiện nay lễ hội được tổ chức vào ngày 7/2 (âm lịch) hằng năm.
Nhiều hoạt động mang đậm bản sắc dân tộc Trong thời gian diễn ra lễ hội, ngoài các phần nghi lễ như: Lễ dâng hương, khóa tế nam, khóa tế nữ,... còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa - thể thao phong phú mang, đậm bản sắc dân tộc địa phương như: Múa xòe, chọi gà, kéo co, cờ tướng... |
Hoàng Sa