Thầy giáo, ca sĩ, “trùm đa cấp” thành đạt
Chỉ cần gõ từ khóa “Diệp Khắc Cường”, sau một giây Google sẽ trả lại gần 1,7 triệu kết quả. Điều đó cho thấy ông trùm đa cấp này có một sức ảnh hưởng lớn như thế nào đối với xã hội trong thời gian qua.
Thông tin về Diệp Khắc Cường trên mạng internet hiện nay chủ yếu là những bài báo hay các clip trên Youtube về chủ đề doanh nghiệp doanh nhân, những chia sẻ về khởi nghiệp, về kinh doanh đa cấp, những bài thuyết trình và cả những clip ca hát…
Hình ảnh cùng những phát ngôn của Diệp Khắc Cường cũng tràn ngập trên các trang web của giới kinh doanh đa cấp như một biểu tượng về người truyền lửa và làm thay đổi nhận thức của cộng đồng đối với loại hình kinh doanh nhiều điều tiếng này.
Theo chia sẻ của một số người quen ông Cường và thông tin trên các trang web về đa cấp thì ông Diệp Khắc Cường sinh năm 1972, tốt nghiệp năm 1996 tại trường đại học Tổng hợp TP.HCM, ngành Công nghệ thông tin.
Ông bắt đầu với công việc dạy Anh văn và Vi tính trước khi dấn thân vào showbiz Việt với vai trò ca sĩ.
Báo điện tử Diễn đàn Doanh nghiệp năm 2013 đưa tin, Diệp Khắc Cường theo học và tốt nghiệp khoa Thanh nhạc ở nhạc viện TP.HCM, sau đó có 12 năm làm ca sĩ. Tuy nhiên, do giọng hát được nhiều người đánh giá là “chưa tới”, còn nặng phong cách phòng trà nên trong vòng hơn 10 năm hành nghề, ông này chủ yếu hát ở các tụ điểm ca nhạc tại TPHCM và trên cả nước.
Không thành danh ở lĩnh vực giải trí, cộng với đam mê kinh doanh từ lâu nên sau đó ông Cường đã bỏ nghiệp ca hát để chuyển sang làm doanh nhân.
Ông Cường từng giữ chức vụ Giám đốc FPT Network - thành viên của tập đoàn FPT, sau đó từ bỏ để tự tìm một hướng đi cho riêng mình.
Một vài bạn bè trong giới kinh doanh đa cấp của Diệp Khắc Cường cho biết, khoảng năm 2002, Diệp Khắc Cường bắt đầu tham gia vào mạng lưới kinh doanh đa cấp tại công ty Lô Hội, một chi nhánh của tập đoàn Forever Living Product đặt tại Mỹ và nhanh chóng vươn lên với vai trò thủ lĩnh của công ty này.
Diệp Khắc Cường từng chia sẻ trên một trang web về đa cấp rằng số tiền dành dụm từ những năm tháng dạy học và ca hát không thể đảm bảo cuộc sống ổn định lâu dài cho ông và gia đình.
Ông Cường đã ở nhà thuê suốt 3 năm với giá 1,5 triệu đồng/tháng ở đường Yên Thế, quận Tân Bình. Nhưng chỉ sau hai năm làm việc trong môi trường đa cấp, ông đã kiếm được số tiền hoa hồng đủ để mua một chiếc xe Dylan và một căn hộ khang trang diện tích 68m2, đầy đủ tiện nghi với thiết kế sang trọng và được đăng trên tạp chí Nhà Đẹp.
Vào năm thứ ba, ông tiếp tục có thêm căn nhà thứ hai trên đường Chu Văn An diện tích 140m2 trị giá trên 1,7 tỷ đồng cũng từ số tiền hoa hồng đa cấp.
Đến năm thứ 4, ông đã mua cho mình chiếc xe BMW trị giá gần một tỷ đồng, sau đó mua thêm mảnh đất 182m2 trị giá trên 2 tỷ đồng trên đường Tân Kỳ…
Ông Diệp Khắc Cường cũng được cho là đã giúp đỡ và đào tạo hàng trăm nhà phân phối đa cấp và giúp họ có được thu nhập cá nhân từ 17 triệu đồng đến gần 200 triệu đồng/tháng, nhiều người làm việc trong hệ thống của ông này cũng đã mua được xe hơi và nhà.
Không rõ những thông tin này có phải do chính ông Nguyễn Khắc Cường chia sẻ hay không, tuy nhiên vào thời điểm đó ông Cường cũng đã thường xuyên xuất hiện trên báo chí để chia sẻ kinh nghiệm về khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực đa cấp.
Ngày 21/5/2010, Diệp Khắc Cường xuất hiện trong bài phỏng vấn của một tờ báo về Pháp luật với lời giới thiệu của tờ báo này là “người truyền lửa cho hàng nghìn bạn trẻ và phá tan những định kiến xung quanh ngành kinh doanh đa cấp tại Việt Nam”.
Trong bài phỏng vấn này, ông Cường đã nhiều lần nói đến mối liên hệ với tập đoàn FPT cùng những phát ngôn gây sốc như: “Tôi là người lái “con tàu” đa cấp, chịu trách nhiệm về thương hiệu của FPT, chịu trách nhiệm về cuộc sống của hàng nghìn con người nên tôi không được phép làm sai”.
Cùng thời điểm này, trên một số diễn đàn trên mạng đã bắt đầu có người phản ánh, cảnh báo về việc ông Cường và công ty Lô Hội lừa đảo. Năm 2006, báo Tuổi Trẻ có bài “Trong vòng xoáy đa cấp: Lô Hội: giấc mơ Mỹ” phản ánh về những thủ đoạn lừa đảo của công ty này. Cuối năm 2006, báo Tiền Phong cũng đưa tin về việc công ty Lô Hội bị thanh tra và xử phạt hàng loạt sai phạm, trong đó có chi tiết là bán hàng với giá cao gấp 100 lần giá gốc.
Diệp Khắc Cường sau đó rời Lô Hội và năm 2010 thành lập công ty kinh doanh đa cấp khác là công ty Cổ phần Mạng Lưới Hữu Nghị (FNC), đóng vai trò Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị. FNC kinh doanh sản phẩm công nghệ tế bào gốc, dùng trong tái tạo tế bào, phục hồi da, trong các ngành mỹ phẩm làm đẹp.
Diệp Khắc Cường nói gì về iFan?
Mới đây nhất, ngày 8/4 hàng chục người kéo đến trụ sở công ty Cổ phần Modern Tech (đường Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM) giăng băng-rôn tố cáo một số cá nhân lừa đảo tiền của họ, trong đó có hình ảnh cá nhân của ông Diệp Khắc Cường.
Ngoài ra, các nạn nhân còn đăng thông tin trên mạng xã hội, phát tán các clip tố cáo có tên, hình ảnh ông Cường.
Theo các nạn nhân, nhóm iFan đại diện cho công ty Modern Tech đã kêu gọi những người tham dự đầu tư vào đồng tiền ảo iFan, với hứa hẹn lãi suất 48%/tháng, nếu gọi người khác vào hệ thống theo mô hình đa cấp thì được hưởng hoa hồng 1 – 8%, rồi lừa đảo chiếm đoạt.
Báo VietnamNet đưa tin, đến nay có hàng trăm nạn nhân của Modern Tech ở nhiều tỉnh thành trên cả nước gửi đơn tố cáo người đại diện pháp luật là ông Hồ Xuân Văn (SN 1988, quê Thừa Thiên – Huế, tạm trú Q.2) cùng 7 cổ đông đồng sáng lập công ty Modern Tech đến bộ Công an, Công an TP.HCM…
Và từ đầu năm đến nay, một cục nghiệp vụ của bộ Công an đã vào cuộc điều tra về đường dây huy động vốn dạng phát hành tiền ảo có tên là iFan gây xôn xao khi có 32.000 nạn nhân “sập bẫy”, số tiền chiếm đoạt lên đến 15.000 tỷ đồng (theo nhận định ban đầu của các nạn nhân).
Theo tìm hiểu của báo VietnamNet, công ty Modern Tech được cấp phép hoạt động từ 31/10/2017 do ông Hồ Xuân Văn làm đại diện. Công ty này có vốn điều lệ 100 tỷ đồng.
Ông Văn chiếm 12% cổ phần, lớn nhất là ông Vũ Hữu Lợi với 15%. 6 cổ đông khác gồm: Lương Huỳnh Quốc Huy, Lưu Trọng Tuấn, Nguyễn Quốc Trọng, Nguyễn Trung Hiếu, Hồ Phú Ty và Bùi Thị Ngọc Mỹ, mỗi người đóng góp 12% cổ phần vào công ty.
Đa phần những nhà đồng sáng lập Modern Tech đều xuất phát từ các tập đoàn đa cấp tại Việt Nam.
Là người bị tố cáo là tham gia sáng lập iFan, nhưng ông Diệp Khắc Cường đã chủ động tổ chức họp báo hôm 11/4 để lên tiếng khẳng định “không liên quan” đến nhóm iFan, ông chỉ là “nạn nhân”… nặng nhất trong vụ lừa đảo này.
Trên báo chí và Facebook cá nhân của mình, ông Cường chia sẻ rằng ông chỉ 2 lần tham gia sự kiện của iFan vì được mời hợp tác, tuy nhiên sau đó nhận thấy mình bị lợi dụng hình ảnh nên ông đã rút lui.
Doanh nhân này cũng cho biết, từ thời điểm tháng 10/2017 ông Cường đã nhiều lần livestream trên Facebook cá nhân khẳng định việc bị lợi dụng uy tín cá nhân ông và một số nghệ sĩ để phát hành tiền ảo khi không được sự cho phép.
Ông Cường cũng đang mời luật sư và yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra để bảo đảm quyền lợi cho ông và công ty cùng các nhà đầu tư.
Câu chuyện này sẽ phải đợi cơ quan điều tra làm sáng tỏ. Tuy nhiên có một điều khá khó hiểu là hiện nay vẫn còn đầy rẫy những thông tin trên mạng nói về mối quan hệ của ông Cường và một số người nổi tiếng trong giới showbiz có liên quan đến iFan nhưng doanh nhân này không phản ứng mạnh mẽ hay khởi kiện mà phải đến khi xử việc lừa đảo nói trên vỡ lở mới quyết định làm việc này.
Hoàng Yến (tổng hợp)