Các chuyên gia cũng cho rằng "cằn nhằn" được ví như giọt nước tràn ly và ngày nay, điều này còn gây ra tác động tiêu cực hơn cả việc vợ chồng lừa dối nhau.
Khi đã về chung sống dưới một mái nhà, theo thời gian các cặp vợ chồng dần quên đi một số yếu tố tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng lại rất quan trọng, ảnh hưởng lớn đến cuộc hôn nhân. Chẳng hạn như những lời khen ngợi, cảm ơn thường mất dần theo thời gian chung sống. Thay vào đó, các câu chê bai, cằn nhằn lại xuất hiện theo chiều hướng tăng lên. Dù là cố ý hay vô tình thì những lời nói khó nghe đó luôn đem đến cảm giác buồn bực cho người đối diện.
Chị Quế Như, 30 tuổi (Giáo viên tại một trường trung học ở TP Đà Nẵng) chia sẻ: "Chồng tôi không thuộc típ người lãng mạn nhưng có thể do cảm xúc nên ngày còn là người yêu anh cũng hay dành cho tôi những lời nói rất dễ chịu. Anh hay gọi tôi bằng biệt danh "cún yêu". Mỗi lần làm sai cái gì anh liền xin lỗi. Mỗi khi tôi muốn cái gì anh liền đáp ứng. Dù công việc có căng thẳng thì lúc gặp tôi anh luôn cười, không tỏ ra khó chịu. Bây giờ mới 2 năm chung sống nhưng anh đã khô khan hơn nhiều. Mỗi lần tôi hỏi anh đang làm gì đó, đầu dây bên kia liền cáu gắt chứ không còn kiên nhẫn kể chi tiết như trước đây. Tôi muốn anh nhổ giúp tôi vài cây tóc bạc anh cũng nhăn nhó, khó chịu xong mới nhổ. Mỗi lần tay chân tôi bị hàn lạnh buốt chạm vào anh cho nó nhanh ấm lên cũng bị anh phàn nàn. Tôi liền nhắc khéo: Gớm, hồi yêu nhau thì bảo: Sao tay em lạnh thế, để anh ủ ấm cho. Nghĩ mà thất vọng. Đến giờ phút này những cái nhăn của anh đã hằn vào trong não tôi khiến tôi cảm thấy khó chịu vô cùng..."
Nhiều người vợ, người chồng chia sẻ họ không muốn bắt chuyện với đối phương vì sợ phải hứng chịu bộ mặt cằn nhằn. Tuy nhiêu, nhiều người cũng đã hiểu ra quy luật này nên đã biết cách tạo không khí thoải mái trong gia đình. Anh Thành, 40 tuổi (Từ Liêm, Hà Nội) vui vẻ cho biết bí quyết để cuộc hôn nhân hạnh phúc sau 15 năm chung sống là cố gắng không gay thêm áp lực gì khi vợ chồng ở bên nhau. Bởi ngày nay người phụ nữ cũng ra ngoài kiếm tiền cho gia đình như người chồng. Đi làm đã căng thẳng rồi nên về nhà chúng ta nên vứt bỏ mọi căng thẳng, tạo không khí thoải mái cho người bạn đời. Anh Thành cho biết, khi vợ chồng căng thẳng chuyện gì đó tôi lại suy nghĩ rộng ra, thoáng ra và coi chuyện đó chỉ là chuyện nhỏ không đáng phải xửng cồ, cằn nhằn. Theo anh, tâm trạng không tốt sẽ khiến cho chúng ta đưa ra những lời lẽ xúc phạm đối phương dù không cố ý. Bởi vậy, anh thường đợi đến khi bình tĩnh mới nói chuyện thẳng thắn với chị để cả hai cùng nhau tìm cách giải quyết.
Các chuyên gia cũng cho biết cằn nhằn là do thói quen chứ không phải là tính cách của một ai. Chính vì vậy mỗi người đều có thể điều chỉnh đề loại bỏ thói quen hay cằn nhằn. Chị Hoài (Vinh - Nghệ An) chia sẻ, từ nhỏ tôi đã ôm mộng trở thành con người hoàn hảo nên tôi sống rất nguyên tắc và dần trở nên khó tính. Chính vì vậy mỗi lần mẹ hay các em tôi làm cái gì không vừa ý là tôi lại nhăn nhó và cằn nhằn. Kết quả là lên cấp 3 tôi đã có mấy nếp nhăn trên trá, mẹ và các em tôi luôn khó chịu và chỉ trích cái tính hay cằn nhằn của tôi. Từ đó, đã giúp tôi thay đổi tâm tính. Cho đến bây giờ khi đã có gia đình với nhiều lo toan căng thẳng nhưng tôi tự nhắc mình là không nhăn nhó, không cằn nhằn. Thật tuyệt là từ khi thay đổi thói quen, những nếp nhắn trên trán tôi tự nhiên bay biến đi. Tôi cảm nhận những người sống quanh tôi cũng dễ chịu hơn. Cuộc sống trở nên tuyệt với và thoải mái hơn.
Cằn nhằn hay cáu gắt chỉ làm cho vướng mắc thêm mắc vướng chứ không tháo gỡ được điều gì. Vì vậy, lúc cãi nhau, hãy dừng lại một giây và nhắc nhở bản thân rằng người sắp phải hứng chịu những lời lẽ nặng nề chính là một nửa yêu thương của bạn. Cơn thịnh nộ sẽ được giảm bớt và bạn cũng sáng suốt hơn khi đưa ra hành động. Thận trọng lựa chọn từ ngữ đối đáp lúc nóng giận cũng là một cách để gìn giữ hạnh phúc gia đình.
N.Linh