Đứa trẻ khác thường
Ngày 17/6, bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) cho biết vừa điều trị thành công cho một bệnh nhân là bé gái 2 tuổi mắc bệnh hy hữu. Đó là bé Trần Thị Mỹ D. (2 tuổi, ngụ xã Chánh Phú Hòa, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương). Lúc vừa tiếp nhận bệnh nhân, người nhà cho biết tình trạng bệnh lạ của bé gái này là khác thường với những đứa trẻ khác. Cha mẹ bé phàn nàn về sự khó khăn khi chăm sóc con mình. Họ cho rằng, vùng cửa mình của bé lúc nào cũng hăm đỏ, chảy nước tiểu, làm cho công việc vệ sinh cho bé vô cùng khó khăn.
Gia đình bệnh nhân đã đưa bé D. đi khám khắp nơi, chỉ có một thắc mắc muốn được giải đáp là con mình chưa bao giờ có cảm giác đi tiểu. Mặc dù khám khắp nơi, nhưng bệnh nhân được chẩn đoán là viêm âm hộ, viêm đường tiết niệu... Việc chẩn đoán không chính xác đã làm cho tình trạng bệnh vẫn không thuyên giảm. Ngược lại, bé vẫn thường xuyên chảy nước, nếu không dùng tã thì lúc nào bé cũng phải mặc quần ướt.
Ca phẫu thuật diễn ra gần 3 giờ đồng hồ, do đội ngũ y bác sỹ nhiều kinh nghiệm tại bệnh viện Nhi Đồng 2 thực hiện.
Trước tình hình bệnh của D. không chấm dứt, gia đình đã đưa bé đến bệnh viện Nhi đồng 2 thăm khám. Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, khoa Ngoại niệu cho biết: "Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, chúng tôi tiến hành làm tất cả các xét nghiệm, siêu âm cần thiết như chụp hệ niệu, bàng quang, thận... để chẩn đoán bệnh.
Sau đó chúng tôi tiếp tục nội soi đường niệu dưới bàng quang thì thấy bệnh nhân Mỹ D. không chỉ có một niệu quản cắm ngoài bàng quang mà cả hai niệu quản đều cắm ngoài bàng quang. Như vậy chức năng niệu quản dẫn nước tiểu từ thận đổ vào bàng quang là không xảy ra, luôn đổ ra ngoài. Điều đó giải thích rằng tại sao bé luôn tiểu rỉ".
Trước tình hình đó, các bác sĩ đã hội chẩn và quyết định phẫu thuật cắm lại hai niệu quản lạc chỗ về vị trí đúng chỗ trong bàng quang. Ca phẫu thuật diễn ra gần 3h đồng hồ và sau gần một tháng điều trị tại bệnh viện, hiện bệnh nhân đã trở lại bình thường như bao đứa trẻ khác.
Cấu trúc hệ niệu khác thường của bé D.
Và con tim đã vui trở lại
Sau khi điều trị thành công cho bé, gia đình vui mừng khôn xiết. Là người mẹ phải trực tiếp nuôi con trong hai năm qua, chị N. (32 tuổi), mẹ bé D. bày tỏ cảm giác hạnh phúc: "Chúng tôi cứ nghĩ rằng con bé rồi sẽ phải mặc quần ướt cả đời. Khi nghe chính miệng con cất lên tiếng nói có cảm giác đi tiểu, là tôi mừng lắm. Chúng tôi thật không biết nói gì hơn, ngoài lời cảm ơn chân thành đến sự tận tâm, tận tình, chu đáo và nhiệt huyết của các bác sĩ".
Theo bác sĩ Thạch, sau khi phẫu thuật, thời gian để phục hồi mất ít nhất từ 3 - 6 tháng để các chức năng bài tiết của bé D. hoàn toàn như người bình thường. Gia đình cần phải theo dõi và tái khám nếu có dấu hiệu bất thường với bé. Có thể nói ca phẫu thuật đã giúp cho bé có được cảm giác buồn tiểu là một điều kỳ diệu.
Để đề phòng những trường hợp bệnh lý tương tự, các bậc phụ huynh cần đưa các bé đến thăm khám kịp thời khi phát hiện con em mình siêu âm có biểu hiện dị tật bất thường như tiểu buốt, tiểu rỉ, thường xuyên ướt quần cần đến khoa Niệu nhi để điều trị càng sớm càng tốt. Đồng thời khuyến cáo cho những bà mẹ mang thai, trong quá trình mang thai nếu siêu âm có bất thường về hệ niệu, bất thường về nước ối cần phải đến bác sĩ để được tư vấn tiền sản về niệu nhi.
Ở nước ngoài, những bà mẹ có dấu hiệu bất thường về niệu nhi thường được can thiệp kịp thời trước sinh. Còn ở Việt Nam chưa có điều kiện, nên những bà mẹ có dấu hiệu bất thường niệu nhi phải chờ can thiệp sau sinh, để tránh tình trạng tỷ lệ sinh non, sẩy thai cao.
Trường hợp bệnh lý cực kỳ hiếm gặp Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch cho biết tỷ lệ bệnh nhân dị tật hai niệu quản của cả hai thận cắm lạc chỗ ngoài bàng quang là cực kỳ hiếm gặp. "Mấy chục năm theo nghề và qua tham khảo trên y văn tôi chưa thấy trường hợp nào tương tự xảy ra tại Việt Nam. Còn trên thế giới, vào năm 2006 tôi có biết một trường hợp báo cáo trên y văn thì có một bé gái 3 tuổi ở Nhật Bản có trường hợp tương tự. Tuy nhiên, những bệnh nhân gặp phải bệnh lý này thường có bàng quang teo nhỏ vì không chứa nước tiểu. Việc phẫu thuật cắm lại hai niệu quản vào lại bàng quang là cực kỳ khó khăn. Trường hợp của bé gái Nhật Bản là một điển hình. Các bác sĩ phải cắt phần ruột non để đắp lên bàng quang mới có thể thành công. Tuy nhiên, trường hợp bé D. có phần thuận lợi hơn. Đó chính là niệu quản cắm gần cổ bàng quang giúp ít nhiều nước tiểu dội ngược lên bàng quang, cho thấy việc bàng quang bệnh nhân nhỏ, chứ chưa teo hoàn toàn. Điều đó giúp cho việc thực hiện phẫu thuật diễn ra thành công". |
ÁI MINH