Điều kỳ diệu tại ngôi chùa cất giữ 'kho báu'

Điều kỳ diệu tại ngôi chùa cất giữ 'kho báu'

Thứ 7, 15/06/2013 11:34

Bỏ lại cái nắng gay gắt của Hà Nội những ngày giữa mùa hè, tôi về Hưng Yên trên một chuyến xe buýt tuy lọc cọc nhưng vẫn có điều hòa. Đích đến của tôi là chùa Hoàng Xá, một ngôi chùa cổ, nghèo, nằm cách dốc Lã khoảng 3km đường làng. Với tư cách là thành viên của một đoàn tiền trạm, tôi có cơ hội được tiếp xúc với đại đức và nghe được từ thầy những câu chuyện lý thú.

Bí mật ngôi chùa nghèo cất giữ kho báu

Bước chân qua chiếc cổng đã bạc màu sơn, đi theo một lối nhỏ, tôi vào sân chùa, phía trước thờ Phật, phía trên lợp mái tôn. Một căn nhà ba gian cũ được bố trí hai gian làm điện thờ, một gian ngăn đôi làm nơi tiếp khách và phòng ngủ của sư thầy.

Khi chúng tôi đến, sư thầy còn đang tất bật ở sân sau, nơi một ngôi nhà khang trang đang định hình, nhìn thấy chúng tôi, thầy khoe luôn: "Nhà này tháng sau sẽ hoàn thiện để đón các con". "Các con" ở đây không phải là chúng tôi, thầy muốn nói đến những học viên của khóa tu học hè của thầy. Một khóa học thầy mở miễn phí cho các thanh thiếu niên từ 14 đến 25 tuổi. Nhìn sang góc trái, tôi thấy khu vệ sinh sạch sẽ cũng mới xây xong, chỉ vào khoảng sân đầy cát, thầy nói mấy ngày nữa sẽ đổ xi măng để cho "các con" có chỗ sinh hoạt, vui chơi.

Miền bắc - Điều kỳ diệu tại ngôi chùa cất giữ 'kho báu'

Hình ảnh các em trong khóa tu học hè năm 2012

Tôi đang nhắc đến đại đức Thích Minh Thông, người địa phương quen gọi là sư thầy trụ trì chùa Hoàng Xá (xã Hùng Cường, Kim Động, Hưng Yên). Còn thầy thì đang say sưa nói về khóa tu mùa hè, một chương trình mà đại đức đã dày công chuẩn bị và năm nay là năm thứ 3. Mỗi năm, quy mô lại được mở rộng và danh sách đăng kí lại ngày một dài thêm.

Nhớ về những ngày đầu ấp ủ ý tưởng, thầy chia sẻ: "Ngày trước, khi kinh tế chưa có, tôi thấy trẻ em ngoan và lễ phép. Những năm gần đây, xã hội phát triển, kéo theo đó là sự xuống cấp về đạo đức. Trẻ em ích kỷ hơn, chơi game nhiều hơn, có em còn cờ bạc, nghiện hút, chửi cha mắng mẹ. Tôi nhìn mà xót xa. Nghĩ mình là người con Phật, tôi thấy phải có trách nhiệm đóng góp cho xã hội. Nhìn vào mô hình của chùa Hoàng Pháp tại TP.HCM, tôi quyết tâm xây dựng một chương trình tại địa phương". Và, đây chính là bí mật của ngôi chùa nghèo, nơi hàng năm có hàng trăm bạn trẻ đến tìm “kho báu”.

Nhiều người nghe ý tưởng của sư thầy và dẫn chứng "trẻ vui nhà, già vui chùa" và cho rằng chương trình không thể thành công. Nhưng, họ đã nhầm. Năm đầu tiên, hơn 200 em đã đăng kí theo học thầy vào các buổi sáng chủ nhật. Đến năm thứ hai, thầy áp dụng hình thức học khép kín, nghĩa là các em ở tại chùa trong cả khóa học, ăn, ngủ, sinh hoạt dưới sự điều phối của nhà chùa. Nhiều phụ huynh đưa con em đến đây còn tỏ ra e dè vì cơ sở vật chất của chùa quá "xập xệ", không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của con em mình. Nhưng có điều lạ là em nào về cũng khỏe ra và tươi tắn hơn. Bí quyết của thầy chỉ dừng lại hai từ: "Cơm chay".

Đi tìm kho tàng giá trị

Ngày khai giảng, em nào cũng mang trong mình sự e ngại và một chút dè chừng nhưng chỉ mấy ngày sau, các em đã coi đây như gia đình của mình. Sư thầy mang cho tôi xem cuốn sổ lưu niệm, tôi thấy những dòng chữ nắn nót: "Nhớ những giây phút vui vẻ của buổi sinh hoạt chung hay những giây phút phải xếp hàng chờ tới lượt vào tắm, giờ nghĩ lại, con thấy thật hạnh phúc! Nhớ những buổi giảng pháp mà qua đó, các thầy đã cho con thấy cuộc sống thật tươi đẹp. Và, nhớ những bữa cơm chay ngon thanh khiết để con biết yêu thương chúng sinh. Con cảm ơn các thầy đã tổ chức những buổi học tập và sinh hoạt thật vui vẻ và bổ ích. Con chúc các thầy luôn mạnh khỏe để tổ chức thêm nhiều lớp học như thế này nữa, thầy nhé", ký tên Phan Thị Thắm, đội 8, thôn Lương Xá, xã Hiệp Cường.

Hay những tâm sự rất chân thành của em Minh Tuệ (tên thường gọi Nguyễn Thị Hằng): "Tại nơi đây, con đã được học rất nhiều từ quý thầy. Những điều vô cùng quý giá mà không gì có thể mua được. Đấy sẽ là hành trang cho con trên con đường tu tập. Thầy đã dạy chúng con luôn mỉm cười, có hiếu với ông bà cha mẹ, độ lượng, từ bi và yêu thương tất thảy chúng sinh. Con đã học được nhiều điều và con trân trọng những bài học đó. Con biết, để trở nên người đứng đắn, con phải loại bỏ những tính xấu, tham sân si... con xin hứa sẽ cố gắng để không phụ công dạy bảo của các thầy".

Sau khóa học năm ngoái, các phụ huynh xếp hàng gặp thầy để cảm ơn. Những lời dạy của thầy đã làm cho con cái họ hồi tâm chuyển tính, biết nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, hỏi thăm ông bà cha mẹ. Cô Trần Thị Dung, phật tử chùa Tương Mai, Trương Định (Hà Nội) chia sẻ : "Khi biết được chương trình này tại các chùa ở miền Nam, tôi đã mong ước có một mô hình như thế tại miền Bắc. Và, tôi đã không hoài công mong đợi. Khóa học này giúp tôi thay đổi tư duy và nhận thức của con trẻ, hướng con vào điều thiện, điều tốt, làm một người có ích cho gia đình và xã hội".

Nhiều giáo viên trong khu vực cũng tán dương lớp học trong chùa của các thầy. Nhờ thầy mà các em học sinh ngoan hơn, lễ phép hơn và chăm chỉ hơn. Chính sư thầy cũng nhận thấy những biến chuyển tốt đẹp mà lớp học đem lại. Đại đức Thích Minh Thông kể về buổi học có chủ đề "Người con hiếu thảo". Sau khi thầy giảng khoảng 15 phút thì cả hội trường 200 em đều khóc. Các em đến gặp ban tổ chức đề nghị gọi bố mẹ đến để các em tạ tội vì đã gây lỗi trong suốt thời gian qua. Có em đã thú tội rằng em là đứa đua đòi, phá gia chi tử, những lúc thiếu tiền em về lấy của gia đình, đến lúc không còn để lấy thì đi vay xã hội đen,... em nhận ra mình đã làm bố mẹ đau buồn suốt 5, 6 năm nay, bây giờ em chỉ muốn gặp bố mẹ để được nói lời xin lỗi.                                                    

"Miễn phí hết con ơi!"

Tôi thắc mắc về học phí của mỗi học viên cho khóa học kéo dài 14 ngày diễn ra vào tháng 7 tới, thầy cười nói: "Miễn phí hết con ơi!". Tôi lại tiếp tục thắc mắc về nguồn kinh phí để chi trả cho mọi sinh hoạt, thầy cười tươi hơn: "Các thầy từ miền Nam ra đây giảng pháp toàn bỏ tiền túi, không ai lấy một đồng, các thầy tự nguyện ra làm việc phúc đức. Còn các sinh hoạt khác, nhiều gia đình phật tử và doanh nghiệp đã nhận lo cho các em. Người nhận gạo, người nhận đường, người nhận mỳ chính, dầu ăn... Có người xin cúng hộp cơm cá nhân để các em ăn xong là tự mang đi rửa. Nói chung là người ta đã công đức hết rồi, ban tổ chức không thu một đồng nào của các em cả. Từ trước đến giờ vẫn thế".

Thanh Xuân

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.