Ngày 6/7, chiếc Boeing 777 của hãng hàng không Asiana Airlines chở hơn 300 người trong quá trình hạ cánh xuống sân bay San Francisco, Mỹ đã va vào tường chắn và tiếp đất bằng đuôi rồi bốc cháy dữ dội ngay trên đường băng.
Chiếc máy bay bốc cháy dữ dội sau khi va chạm trên đường băng
Điều kỳ diệu là trong số 300 hành khách và phi hành đoàn trên chiếc máy bay gặp nạn này chỉ có 2 nạn nhân tử vong, số còn lại đều thoát được khỏi máy bay và được đưa đến bệnh viện.
Khi nhìn vào video đám cháy bùng lên dữ dội thiêu rụi chiếc máy bay ngay sau khi xảy ra tai nạn, nhiều người tự hỏi điều kỳ diệu nào đã giúp hạn chế được tối đa thương vong trên chiếc máy bay chở theo hàng trăm hành khách như vậy?
Vụ tai nạn này rất giống những gì đã xảy ra ở Toronto vào tháng 8/2005 khi một chiếc máy bay của hãng Air France gặp nạn và bốc cháy, tuy nhiên toàn bộ 309 hành khách và phi hành đoàn trên chiếc Airbus A340 này đều thoát được khỏi máy bay. Vậy điều giống nhau ở hai vụ tai nạn này là gì?
Hành khách kịp thời thoát ra trước khi máy bay bị thiêu rụi
Video mà hành khách trên chiếc máy bay của hãng Asiana Airlines quay được sau vụ va chạm cho thấy cầu trượt từ cửa máy bay đã được triển khai và hành khách đã kịp thời thoát khỏi máy bay ngay trước khi ngọn lửa bùng lên và thiêu rụi nó.
Như vậy những hành khách trên máy bay đã rất may mắn khi máy bay không phát nổ ngay lập tức sau khi va chạm, và họ có một khoảng thời gian ít ỏi để sơ tán ra khỏi “quả bom” sắp nổ đó. Nhưng đó không phải là yếu tố duy nhất giúp hành khách thoát chết.
Một nguyên nhân quan trọng khác giúp hạn chế thương vong trong vụ tai nạn này đó là: Hành khách trên máy bay biết lối thoát hiểm ở đâu, biết bỏ lại hành lý, tuân thủ hướng dẫn chuyên nghiệp của phi hành đoàn, và nhất là không chen lấn giẫm đạp lên nhau để thoát thân.
Chiếc B777 này được thiết kế để mọi người có thể thoát khỏi máy bay trong vòng 90 giây ngay cả khi một nửa số cửa thoát hiểm không hoạt động được. Và đó là những gì đã diễn ra trong vụ tai nạn này, khi các cánh cửa ở một bên máy bay bị hư hỏng nặng hơn bên kia.
Cảnh tượng hỗn độn bên trong chiếc máy bay
Giả sử trong số hành khách này có vài người vẫn cố mang theo hành lý hay một người mang theo chiếc vali kéo, chắc chắn tốc độ di tản sẽ bị chậm hơn rất nhiều và có thể gây ra hậu quả khủng khiếp về nhân mạng.
Chỉ huy sở cứu hỏa San Francisco Joanne Hayes-White cho biết các thành viên phi hành đoàn trên máy bay cũng đã thể hiện được sự chuyên nghiệp và tinh thần quả cảm rất lớn.
Bà cho hay: “Theo tôi biết thì phi hành đoàn của máy bay đã làm được một việc phi thường trong việc đặt sự an toàn của hành khách lên hàng đầu và họ vẫn tiếp tục ở lại trên máy bay để hướng dẫn hành khách thoát ra an toàn cho đến người cuối cùng.”
Vụ việc một lần nữa nhấn mạnh giá trị của việc nhận thức về an toàn và các quy trình khẩn cấp trên máy bay, những thứ đã làm nên điều kỳ diệu cứu thoát rất nhiều nhân mạng trong vụ tai nạn máy bay khủng khiếp này.
Theo Bảo Thành (Khampha.vn)