Năm 2023 bắt đầu với nhiều hy vọng rằng cuộc phản công được lên kế hoạch công phu của quân đội Ukraine sẽ thay đổi cục diện cuộc chiến với Nga. Nhưng điều đó đã không thành hiện thực và cũng không có bước đột phá nào xảy ra. Năm 2024, tình hình chiến sự có thể còn khó khăn hơn nữa.
Các chuyên gia quân sự và nhà phân tích quốc phòng dự đoán giao tranh dữ dội có thể sẽ tiếp tục diễn ra trong năm mới, nhưng các lực lượng của Kiev khó có thể tiến hành thêm bất kỳ cuộc phản công nào nữa. Trong khi đó, Nga có thể sẽ tập trung vào việc củng cố những khu vực mà họ đang kiểm soát, đặc biệt là ở mặt trận miền Đông.
Không chỉ trên chiến trường, các chuyên gia quân sự cho rằng quỹ đạo của cuộc chiến Nga-Ukraine trong năm 2024 cũng sẽ được quyết định ở một nơi cách xa hàng ngàn dặm là nước Mỹ – nhà tài trợ lớn nhất của Ukraine.
Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
“Chiến tranh là một nỗ lực không chắc chắn”, Trung tướng quân đội đã nghỉ hưu Stephen Twitty, cựu Phó chỉ huy Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ, nói với Đài CNBC. “Người Nga có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến, người Ukraine cũng có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến. Chúng ta đang ở trong tình thế mà nếu không có người chiến thắng rõ ràng thì sẽ chỉ có sự bế tắc và có lẽ cuộc xung đột sẽ bị đóng băng trong tương lai”.
Theo quan điểm của ông Twitty, điều có thể làm “nghiêng cán cân” là việc người Ukraine không còn được tiếp viện cũng như không có được thiết bị và nhân lực mà họ cần. Khi đó cuộc chiến này có thể nghiêng về phía người Nga.
Theo quan điểm của các quan chức ngoại giao của Nhà Trắng, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang chơi “trò chơi chờ đợi” sau 2 năm chiến sự, đánh cược rằng sự ủng hộ của phương Tây sẽ dần dần sụp đổ, bị rạn nứt bởi sự chia rẽ chính trị, bị xói mòn bởi sự mệt mỏi vì chiến sự và bị phân tâm bởi các vấn đề khác, chẳng hạn như vấn đề xung quanh đảo Đài Loan (Trung Quốc) và cuộc chiến của Israel ở Dải Gaza.
“Đó là một năm tốt đẹp, tôi thậm chí có thể gọi đó là một năm tuyệt vời” đối với ông Putin, ông Mathieu Boulegue, chuyên gia tư vấn cho Chương trình Nga-Âu Á tại tổ chức nghiên cứu Chatham House ở London, cho biết.
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đang tác động mạnh nhưng không làm tê liệt nền kinh tế Nga. Các lực lượng Nga vẫn đang quyết định phần lớn những gì xảy ra trên chiến trường, nơi các tuyến phòng thủ của họ được yểm trợ bởi các bãi mìn dày đặc, đã cản trở phần lớn cuộc phản công kéo dài nhiều tháng của Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố các mục tiêu chính của Moscow trong cuộc chiến ở Ukraine trong 12 tháng qua đã “hoàn thành xuất sắc”. Trong một thông cáo được truyền thông Nga đăng tải hôm 26/12, ông Shoigu cho biết mục tiêu chính của Nga trong suốt năm 2023 là “ngăn chặn cuộc phản công của các lực lượng vũ trang Ukraine”. Ông nói: “Nhiệm vụ này đã hoàn thành xuất sắc”.
Cuộc phản công đã được phát động trước khi các lực lượng Ukraine hoàn toàn sẵn sàng, một nỗ lực chính trị vội vã nhằm chứng minh rằng viện trợ của phương Tây có thể thay đổi cục diện cuộc chiến, bà Marina Miron, thuộc khoa nghiên cứu quốc phòng của Đại học King’s College London, cho biết.
“Những kỳ vọng về cuộc phản công là không thực tế”, bà Miron nói. “Hóa ra cuối cùng nó lại là một thất bại”.
Nhưng Ukraine lại nói rằng cuộc phản công của họ đã bắt đầu muộn hơn dự định, cho phép các lực lượng Nga đào sâu, xây dựng hệ thống phòng thủ đáng sợ và đặt nhiều mìn trên đường đi của Ukraine. Kiev cho rằng viện trợ quan trọng của phương Tây đến chậm là nguyên nhân khiến các hoạt động quân sự đầy tham vọng của họ khởi đầu chậm chạp.
Dù thế nào chăng nữa, “Thế chủ động trong cuộc chiến này rõ ràng đang được chuyển sang Nga và đó không phải là tình huống mà chúng ta mong đợi vào đầu năm 2023, nhưng đó là sự đánh giá trung thực về tình hình hiện tại của chúng ta”, Tướng Richard Barrons, cựu lãnh đạo Bộ Tư lệnh Lực lượng Liên hợp của Anh, cho biết.
Không có bước đột phá nào
Một năm trước, sự hỗ trợ quân sự quốc tế dành cho Ukraine rất vững chắc với việc NATO cam kết hỗ trợ Kiev tới “chừng nào còn cần thiết” khi quốc gia Đông Âu gồng mình chiến đấu chống lại Nga bắt đầu từ tháng 2/2022.
Tuy nhiên, trong cuộc phản công bắt đầu từ mùa hè năm 2023, thách thức mà các lực lượng Ukraine phải đối mặt là rõ ràng khi họ phải vật lộn để xuyên thủng các vị trí và tuyến phòng thủ kiên cố của Nga dọc theo chiến tuyến dài hơn 600 dặm (1.000 km) ở phía Nam và phía Đông đất nước.
Sau khi đạt một số bước tiến nhỏ, các lực lượng Ukraine và Nga đã bị cuốn vào các trận chiến tiêu hao lớn mà không bên nào đạt được lợi ích đáng kể hơn. Các quan chức quân sự Ukraine thừa nhận rằng kỳ vọng về một bước đột phá lớn trong cuộc phản công đã không được đáp ứng.
Tuy nhiên, giới lãnh đạo Ukraine nói rằng lực lượng Nga đã chịu tổn thất nặng nề và các lực lượng của họ đã đạt được tiến bộ quan trọng ở các khu vực khác như Biển Đen với các cuộc tấn công táo bạo của Ukraine vào các căn cứ và tài sản của Nga ở Crimea vào mùa hè này khiến hải quân Nga phải rút một số tàu chiến từ Sevastopol, mang lại chiến thắng cho Kiev trong trận chiến Biển Đen.
Điều kiện thời tiết đang xấu đi ở Ukraine, với bùn, mưa băng và tuyết khiến các hoạt động tấn công và trinh sát trở nên khó khăn. Tuy nhiên, giao tranh ác liệt vẫn tiếp diễn, đặc biệt là xung quanh Bakhmut và Avdiivka ở miền Đông, nơi các lực lượng Nga đang tiến hành các hoạt động tấn công và đã đạt được một số tiến bộ gần đây đã được xác nhận.
Các nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) lưu ý vào tuần trước rằng các lực lượng Nga có thể sẽ duy trì các hoạt động tấn công ở nhiều khu vực của mặt trận, trong giai đoạn thời tiết khó khăn nhất của mùa thu đông, “trong nỗ lực chiếm giữ và giữ thế chủ động” trước cuộc bầu cử Tổng thống Nga vào tháng 3/2024.
Trong khi đó, “các lực lượng Ukraine thiết lập và củng cố các vị trí phòng thủ để bảo toàn nhân lực và nguồn lực cho các nỗ lực tấn công trong tương lai”, ISW lưu ý trong một phân tích.
Các lực lượng Ukraine đã áp dụng lập trường phòng thủ hơn tùy theo hoàn cảnh yêu cầu. Một tướng quân đội cấp cao đã cảnh báo vào tuần trước rằng quân đội Ukraine ở tiền tuyến phải đối mặt với tình trạng thiếu pháo binh và đã thu hẹp một số hoạt động quân sự vì thiếu sự hỗ trợ từ nước ngoài.
Thảm họa đối với lợi ích của Mỹ
Một năm chiến tranh nữa ở châu Âu chắc chắn đã làm cạn kiệt nguồn lực quân sự của phương Tây cũng như khao khát chính trị trong việc duy trì lượng viện trợ quân sự khổng lồ cho Ukraine.
Nguồn tài trợ liên tục cho Ukraine không còn được đảm bảo vào năm 2024 do thực tế là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ có thể báo trước một sự thay đổi địa chấn trong thái độ và sự ủng hộ đối với Kiev.
Cụ thể, mọi con mắt đều đổ dồn vào cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, ứng cử viên hàng đầu của Đảng Cộng hòa, người đã xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với người đồng cấp Nga Vladimir Putin trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông (2016-2020).
Có những lo ngại rằng, do mối quan hệ tốt đẹp trước đây của ông Trump với Moscow và chính sách “Nước Mỹ trên hết”, viện trợ cho Ukraine có thể nhanh chóng bị gác lại. Các nhà phân tích quốc phòng đồng ý rằng phần lớn triển vọng viện trợ cho Ukraine phụ thuộc vào kết quả cuộc bỏ phiếu vào tháng 11/2024 ở Mỹ.
“Tôi nghĩ điều quan trọng là phải hiểu mức độ mà Ukraine phụ thuộc vào Mỹ vào lúc này, bởi vì Ukraine phụ thuộc vào Mỹ nhiều hơn đáng kể so với vào EU”, ông Sam Cranny-Evans, nhà phân tích quốc phòng tại Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI), nói với CNBC.
“Nếu cuộc bầu cử ở Mỹ diễn ra theo chiều hướng không có lợi cho Ukraine, cùng với thực tế là EU không thực sự vào cuộc – trong bối cảnh việc sản xuất đạn dược của khối này còn cách quá xa so với mức đáng lẽ phải có để mang lại cho Ukraine một hy vọng sống sót và hy vọng chiến thắng, thì đó không phải là một dự đoán lạc quan cho năm 2024”, ông Cranny-Evans nhận định.
Những lời phàn nàn bất mãn về việc tiếp tục viện trợ cho Ukraine đã được nghe thấy ở một số thành trì của Đảng Cộng hòa ở Mỹ trong nhiều tháng nay, cũng như ở các nước láng giềng của Ukraine ở Đông Âu.
Cựu Đại sứ Mỹ tại NATO Kurt Volker nói với CNBC rằng ông tin rằng các gói viện trợ của Mỹ và EU dành cho Ukraine sẽ được phê duyệt vào tháng 1, đồng thời cho biết ông tin rằng khoản tài trợ này sẽ giúp Ukraine vượt qua thêm một năm nữa về mặt quân sự. Tuy nhiên, ông Volker cũng cho rằng các gói viện trợ phải bao gồm các loại vũ khí tiên tiến hơn cho Ukraine, như máy bay chiến đấu F-16 đã được Na Uy, Đan Mạch và Hà Lan cam kết.
Các phi công Ukraine hiện đang bắt đầu huấn luyện về máy bay phản lực nhưng có thể phải mất vài tháng nữa chúng mới được triển khai ở Ukraine. Mỹ không cung cấp F-16 cho Ukraine nhưng đã ủy quyền cho các đồng minh chuyển giao những chiến đấu cơ này.
“Một vài điều cần phải thay đổi”, ông Volker nói với CNBC. “Chúng ta nên dỡ bỏ các hạn chế đối với vũ khí mà chúng ta đang cung cấp. Chúng ta vẫn chưa cung cấp tên lửa tầm xa nhất và chúng ta vẫn chưa chuyển giao bất kỳ máy bay phương Tây nào tới Ukraine. Những điều đó phải xảy ra. Và tôi nghĩ chúng ta phải cố gắng mang lại cho Ukraine nhiều lợi thế về công nghệ hơn”, vị cựu Đại sứ lưu ý.
Ông Volker tin rằng nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump có thể không phải là thảm họa như người ta lo ngại đối với Ukraine, nhưng cho biết điều đó sẽ khiến nguồn tài trợ trong tương lai trở nên không chắc chắn.
“Tôi không cho rằng ngay cả khi ông Trump đắc cử, ông ấy sẽ từ bỏ sự ủng hộ dành cho Ukraine nói chung, bởi vì đó sẽ là một thảm họa đối với lợi ích của Mỹ và có vẻ như là một thất bại… Nhưng không rõ chính xác ông ấy sẽ làm gì để cố gắng chấm dứt cuộc chiến”.
Về phần mình, ông Trump nhiều lần tuyên bố rằng ông có thể giải quyết cuộc chiến Ukraine “trong một ngày” nếu tái đắc cử, đồng thời cho biết ông sẽ thuyết phục các nhà lãnh đạo Ukraine và Nga thực hiện một thỏa thuận.
Chiều hướng nào cho cuộc xung đột?
Nga đã chứng tỏ rằng họ sẵn sàng cho một cuộc xung đột lâu dài ở Ukraine và có khả năng cử thêm hàng trăm nghìn quân tham chiến. Tổng thống Putin tuyên bố trong cuộc họp báo cuối năm rằng 617.000 quân hiện đang hoạt động ở Ukraine.
Nhà lãnh đạo Nga cũng cho biết chưa cần thiết phải huy động quân lần thứ hai vào lúc này, nhưng trước đó, hồi đầu tháng 12, ông đã ký sắc lệnh ra lệnh cho quân đội tăng số lượng thành viên của các lực lượng vũ trang Nga thêm 170.000 người, nâng tổng số quân lên 1,32 triệu.
Nga cũng đang tăng cường chi tiêu quân sự ồ ạt vào năm 2024, với gần 30% chi tiêu tài chính sẽ dành cho các lực lượng vũ trang. Tổ hợp công nghiệp-quân sự của nước này cũng đã tăng cường sản xuất phần cứng từ máy bay không người lái cho đến máy bay chiến đấu.
Bộ Quốc phòng Ukraine tuần trước cho biết mục tiêu chính của nước này vào năm 2024 là thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng trong nước trong bối cảnh nguồn cung trong tương lai không chắc chắn từ các đồng minh phương Tây.
Họ cũng đã thay đổi luật nhập ngũ, thấy trước sự cần thiết phải tăng cường lực lượng của mình, vốn có quy mô nhỏ hơn Nga nhưng được huấn luyện và trang bị cao cấp hơn. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuần trước cho biết quân đội đã yêu cầu bổ sung tới 500.000 lính nghĩa vụ nhưng cho biết ông cần nghe “thêm lập luận” để ủng hộ đề xuất nhạy cảm và tốn kém này.
Video cho thấy cuộc tấn công đang diễn ra trên hướng Maryinka, vùng Donetsk, cuối tháng 12/2023. Nguồn: Ukraine Watch
Với việc cả Ukraine và Nga đều đầu tư mạnh vào cuộc chiến, khó có khả năng sẽ có bất kỳ cuộc đàm phán nào để chấm dứt xung đột hoặc đồng ý ngừng bắn. Các nhà phân tích quốc phòng cho rằng không bên nào muốn tham gia đàm phán trừ khi họ có được vị thế mạnh hơn và có thể đưa ra các điều khoản.
“Trong trường hợp Đảng Cộng hòa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024, đặc biệt nếu đó là ông Donald Trump, và nếu nguồn tài trợ giảm đáng kể, thì áp lực đàm phán đối với Ukraine sẽ gia tăng”, ông Mario Bikarski, nhà phân tích về Châu Âu và Nga tại Cơ quan Tình báo Kinh tế (EIU) – một tổ chức nghiên cứu độc lập thuộc Tập đoàn The Economist, nói với CNBC.
“Tất nhiên, Ukraine hiện không muốn đàm phán... nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, họ sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tuân thủ điều đó. Và câu hỏi còn lại là liệu Nga có sẵn sàng đàm phán hay không vì nếu có dấu hiệu cho thấy phương Tây sẽ ngừng ủng hộ Ukraine và Ukraine sẽ bị ép buộc tham gia các cuộc đàm phán này, Nga có thể coi đây là một cơ hội khác để củng cố thêm nhiều lợi ích”, vị chuyên gia nói.
Các chuyên gia quốc phòng cũng nói với CNBC rằng kịch bản cơ bản của họ cho năm 2024 là tiếp tục cường độ giao tranh hiện tại, đồng thời kèm theo cảm giác bế tắc tương tự khi không bên nào có thể tiến nhiều trên thực địa và chiếm hoặc giành lại lãnh thổ.
Minh Đức (Theo CNBC, Al Jazeera, Newsweek, The National News)