Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg (SPIEF) lần thứ 27 vừa khai mạc ở thành phố lớn thứ hai của Nga, cố đô Saint Petersburg. Theo hãng thông tấn nhà nước Nga TASS, diễn đàn dự kiến thu hút sự tham gia của hơn 17.000 người. 136 quốc gia sẽ cử phái đoàn của họ tới SPIEF năm nay, trong đó có 45 quốc gia sẽ có đại diện ở cấp cao.
Là sự kiện quan trọng và nổi tiếng trong đời sống kinh doanh của “xứ sở Bạch dương”, SPIEF năm 2024 có vẻ đã phục hồi trở lại mức trước khi đại dịch Covid-19 và xung đột Nga-Ukraine bùng phát, nhưng với một điều rất khác.
Thường được biết đến là “Davos của Nga”, trước năm 2022, SPIEF là sự kiện không thể bỏ qua đối với tất cả các nhà đầu tư quốc tế ở Nga và thường xuyên đón tiếp các nhà lãnh đạo nổi tiếng thế giới, bao gồm Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Italy lúc bấy giờ là ông Matteo Renzi cũng như cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel và cựu Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö.
Diễn đàn cũng có sự tham gia của các giám đốc điều hành quốc tế quan trọng, chẳng hạn như người đứng đầu các công ty dầu khí đa quốc gia, và các nhà báo từ khắp nơi trên thế giới. Trong khi SPIEF năm ngoái không mở cửa cho báo giới từ “các quốc gia không thân thiện”, sự kiện năm nay đã bắt đầu với một cuộc họp báo bên lề của Tổng thống Nga Vladimir Putin và lãnh đạo của gần chục hãng thông tấn quốc tế, bao gồm hãng tin Associated Press (AP) của Mỹ.
Tại cuộc họp báo hôm 5/6, nhà lãnh đạo Nga cho biết, không có trật tự thế giới đơn cực nào tồn tại vào thời điểm này, và thế giới chỉ có thể tồn tại khi nó đa cực và nó nên là như thế. Ông nói: “Thế giới luôn đa dạng, dù là về mặt tự nhiên hay chính trị”.
Điều này cũng thể hiện ngay trong chủ đề chính của SPIEF lần thứ 27: “Nền tảng của một thế giới đa cực – Sự hình thành các lĩnh vực tăng trưởng mới”.
Giữa các lệnh trừng phạt và cuộc khủng hoảng toàn cầu hóa, Nga đã bắt đầu chuyển trọng tâm kinh tế sang những chân trời địa lý mới. Quỹ Roscongress (Roscongress Foundation) – đơn vị tổ chức SPIEF, đã tập trung vào việc nâng cao mức đầu tư hiện tại và mở rộng quan hệ đối tác kinh doanh, lần này là giữa các giám đốc điều hành doanh nghiệp nước ngoài tiềm năng và các tổ chức nhà nước, chủ yếu ở Nam Bán cầu.
“Sự quan tâm chưa từng có từ các đối tác nước ngoài và giới truyền thông cho thấy thị trường Nga và nói chung, mô hình phát triển và củng cố kinh tế của Nga, trong bối cảnh bị hạn chế, áp lực nghiêm trọng từ tập thể phương Tây, đã thể hiện khả năng cạnh tranh của mình. Nước Nga hướng về giá trị đang trở thành một trong những trung tâm tăng trưởng của thế giới đa cực mới nổi”, ông Anton Kobykov, Cố vấn Tổng thống Liên bang Nga kiêm Trưởng ban tổ chức SPIEF 2024, cho biết.
Vắng bóng các nhà lãnh đạo phương Tây, “Davos của Nga” năm nay không hề kém sôi động khi có sự tham dự của các nhà lãnh đạo từ Nam Bán cầu, như Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa, Tổng thống Bolivia Luis Arce, Thủ tướng Cộng hòa Trung Phi Felix Moloua…
Một số quốc gia khác được đại diện bởi các Bộ trưởng cấp cao, như Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê-út Abdulaziz bin Salman Al-Saud, và Bộ trưởng Kinh tế Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) Sheikh Abdullah bin Touq Al Marri.
Nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) duy nhất có đại diện tham gia là Hungary, với Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Peter Szijjarto. Ông Szijjarto dự kiến sẽ gặp lãnh đạo lãnh đạo cao nhất của gã khổng lồ năng lượng hạt nhân Rosatom của Nga.
Tại sự kiện năm nay, Nga cũng đặc biệt tập trung vào quan hệ hợp tác với các đồng minh trong Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (CIS), Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS… Các chủ đề sẽ bao gồm từ phi USD hóa và các tuyến thương mại mới, đến chủ quyền công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI).
SPIEF 2024 sẽ bao gồm hơn 10 cuộc đối thoại kinh doanh cũng như vô số các cuộc họp song phương, hơn 150 phiên chuyên đề, với sự tham gia của hơn 1.000 người điều hành và diễn giả. Các cuộc thảo luận đưa ra những hiểu biết sâu sắc về vị trí và vai trò của Nga trong trật tự thế giới đa cực đang nổi lên cũng như các điều kiện cần thiết để phát triển quan hệ quốc tế và các điểm tăng trưởng mới, cụ thể là các nhà lãnh đạo kinh tế mới có thể đưa ra giải pháp thay thế cho các trung tâm ảnh hưởng truyền thống.
Như thường lệ, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ dự và có bài phát biểu quan trọng tại phiên họp toàn thể của SPIEF vào ngày 7/6.
Minh Đức (Theo bne IntelliNews, Eurasia Review, TASS)