Điều luật "khắc chế" tội phạm ngân hàng

Điều luật "khắc chế" tội phạm ngân hàng

Thứ 5, 27/12/2012 23:58

Bộ luật Hình sự 1999 có Điều 179 quy định về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Cùng luật sư Hà Huy Phong, giám đốc Cty tư vấn Ka Long và giới làm công tác tín dụng ở ngân hàng phân tích về dấu hiệu cấu thành của tội phạm này.

PV: Ông có nhận xét gì về việc cơ quan điều tra quyết định khởi tổ các bị can liên quan đến tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng vừa qua ?

Pháp luật - Điều luật 'khắc chế' tội phạm ngân hàngGiám đốc chi nhánh Sài Gòn của Maritimebank vừa bị cảnh sát khởi tố. Ảnh minh họa

Theo tôi biết, thì cơ quan trực tiếp thực hiện việc khởi tố, bắt giam các bị can trong vụ án hình sự này là Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Bộ Công an, mà không phải là cơ quan cảnh sát kinh tế thuộc địa phương.

Bản thân việc đó cũng đã phản ánh tính chất nghiêm trọng của sự việc và mức độ quan tâm của lực lượng cảnh sát tới loại tội phạm này. Trong bối cảnh hiện nay, các hoạt động của các tổ chức tín dụng có tác động không nhỏ tới an ninh kinh tế và chính trị - xã hội của nước ta.

Mặt khác, xét về tội danh này, mặc dù đã được đưa vào Bộ Luật hình sự từ năm 1999, việc khởi tố, xét xử vẫn để lại nhiều ý kiến khác nhau, nên đòi hỏi cơ quan điều tra phải am hiểu tinh tường về chuyên môn và nắm bắt chắc các hoạt động thực tế.

PV: Vì sao vậy thưa ông ?

Như chúng ta đã biết, thì các hành vi cấu thành tội này bao gồm: hành vi cho vay không có bảo đảm trái quy định của pháp luật; hành vi cho vay quá giới hạn quy định; và hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật về cho vay trong hoạt động tín dụng.

Thứ nhất: Đối với hành vi cho vay không có tài sản bảo đảm trái quy định pháp luật.

Hiện nay, văn bản có giá trị cao nhất về giao dịch bảo đảm là Nghị định 163/2006/NĐ-CP. Tuy nhiên, nghị định này lại không có quy định cụ thể về việc cho vay không có bảo đảm bằng tài sản. Một số văn bản về nghiệp vụ cho phép các tổ chức tín dụng thực hiện cho vay có bảo đảm hoặc không cần có bảo đảm, tuy nhiên, cũng chỉ dừng lại ở mức chung chung, không cụ thể mà giành đất để quy chế riêng của mỗi từng tổ chức tín dụng quy định. Do đó, quy định của mỗi tổ chức tín dụng là rất khác nhau. Về mặt lý thuyết, quy chế riêng của mỗi tổ chức tín dụng không phải là pháp luật và không thể là căn cứ để buộc tội về mặt hình sự. Tuy nhiên, trên thực tế lại có nhiều vụ án hình sự sử dụng quy chế nội bộ của tổ chức tín dụng để truy tố và kết án gây ra nhiều tranh cãi về sự oan sai.

Thứ hai: Đối với hành vi cho vay quá giới hạn quy định.

Bản thân thuật ngữ “quá giới hạn quy định” cũng đang gây ra nhiều ý kiến tranh cãi. Hiện nay, có ba trường hợp quy định về giới hạn gồm:

Giới hạn thứ nhất là tổng dư nợ cho vay đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của tổ chức tín dụng. Theo quy định tại Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31 tháng 12 năm 2001 của

Ngân hàng Nhà nước về việc ban hành quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng, thì tổng dư nợ cho vay đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của tổ chức tín dụng.

Giới hạn thứ hai là hạn mức mà phòng giao dịch thuộc ngân hàng thương mại được thực hiện. Theo quy định tại Quyết định số 13/2008/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về việc ban hành Quy định về mạng lưới hoạt động của Ngân hàng thương mại, theo đó, Phòng giao dịch không được cấp tín dụng cho một khách hàng vượt quá hai tỷ Đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ quy đổi tương đương.

Giới hạn thứ ba là giới hạn cho vay trên giá trị tài sản bảo đảm. Về mức giới hạn này, lại tùy thuộc vào quy chế riêng của mỗi ngân hàng.

Trong hai loại giới hạn ở trên, hầu như rất ít gặp trong các vụ án hình sự, vì chủ thể thực hiện thường là tổ chức nên không thể truy cứu hình sự được, và họ cũng thực hiện bằng nhiều cách lách khác nhau nên hầu như không có án hình sự về hành vi này. Đối với loại giới hạn thứ ba, được ấn định bởi quy chế riêng của tổ chức tín dụng nên cũng gây ra tranh cãi như hành vi thứ nhất mà tôi đề cập trên đây.

Thứ ba: Hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật về cho vay trong hoạt động tín dụng.

Đây có thể nói là cái túi càn khôn vạn năng của cơ quan điều tra khi thực hiện việc khởi tố và định tội danh đối với những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng. Một quy định chung chung nhưng chứa đựng nhiều hậu họa khôn lường cho các cán bộ ngân hàng.

Thông thường hành vi này sẽ có biểu hiện ở một số tình huống thực tế như: thẩm định hồ sơ cho vay không chính xác hoặc trái thẩm quyền; thẩm tra và định giá tài sản bảo đảm không đúng, không chính xác; thực hiện việc thẩm định hồ sơ chay vay, đánh giá, định giá tài sản bảo đảm không tuân thủ theo quy trình mà tổ chức tín dụng đưa ra…..

Từ thực tiễn hành nghề và trải nghiệm của mình trong quá trình tiếp xúc với khách hàng là doanh nghiệp, cá nhân hoặc bản thân lãnh đạo các tổ chức tín dụng, tôi nhận thấy có một ý kiến chung là hoạt động của các cán bộ tín dụng còn mắc rất nhiều sai sót. Sai sót về quy trình xử lý công việc, sai sót về nhận thức và đánh giá chủ quan. Những sai sót này có thể do vô ý do thiếu hiểu biết, nhưng cũng có những trường hợp là cố ý để tư lợi cá nhân.

PV: Trong vụ án mà tôi đề cập, có bị can là giám đốc chi nhánh, các bị can khác cũng là những người đã có nhiều năm làm việc và kinh nghiệm trong nghề. Ông có nhận xét gì về vị trí của những người này và yếu tố lỗi của họ trong vụ án này?

Dĩ nhiên là khi cơ quan điều tra đã vào cuộc và khởi tố vụ án thì người ta phải có cơ sở và có cái lý của người ta. Tôi cho rằng, những người này đều là các cán bộ trong ngân hàng, ở vị trí nhất định và họ đều có lỗi và là lỗi cố ý khi thực hiện hành vi phạm tội. Tức là họ hoàn toàn có khả năng nhận được và họ biết rõ về việc thực hiện hành vi đó là trái với quy định của pháp luật, trái với quy chế của ngân hàng nơi họ đang làm việc nhưng vẫn cố tình thực hiện cho đến cùng.

PV: Vậy còn động cơ thực hiện ra sao, thưa ông?

Cái này thì tôi chỉ có thể phỏng đoán thôi, vì chưa có thông tin cụ thể.

Tuy nhiên, với những bộ hồ sơ mua nhà ở River Garden mà khách hàng cung cấp để thế chấp vay vốn. Tôi thấy là không khó để kiểm tra tính xác thực và chính xác. Rất có thể các cán bộ này có thể vị tư lợi mà thông đồng với người ngoài ngành để chiếm đoạt tài sản của ngân hàng.

PV: Tài sản thế chấp trong vụ án này là nhà chung cư, mà cũng chỉ mới ở tình trạng có hồ sơ mua bán, chưa có sổ hồng?

Đúng vậy. Theo tôi biết thì những người bên ngoài đã cung cấp cho các cán bộ tín dụng các bộ hồ sơ mua nhà ký với chủ đầu tư mà không phải là giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.

Theo quy định tại Nghị định 63/2006/NĐ-CP thì tài sản bảo đảm có thể là tài sản hiện có, tài sản hình thành trong tương lai và được phép giao dịch. Tài sản hình thành trong tương lai là tài sản thuộc sở hữu của bên bảo đảm sau thời điểm nghĩa vụ được xác lập hoặc giao dịch bảo đảm được giao kết. Tài sản hình thành trong tương lai bao gồm cả tài sản đã được hình thành tại thời điểm giao kết giao dịch bảo đảm, nhưng sau thời điểm giao kết giao dịch bảo đảm mới thuộc sở hữu của bên bảo đảm.

PV: Vậy, những người này bị truy tố không phải vì họ đã nhận tài sản thế chấp là tài sản trong tương lai ?

Đúng vậy, pháp luật cho phép sử dụng tài sản hình thành trong tương lai, mà cụ thể ở đây là căn hộ chung cư ở River Garden.

PV: Vậy ông nghĩ là hành vi cụ thể nào?

Tôi phỏng đoán là hành vi thẩm định hồ sơ cho vay, đánh giá tài sản bảo đảm và năng lực tài chính của khách hàng bị sai với thực tế. Kết luận cụ thể thì nên chờ thông tin chính thức từ cơ quan điều tra.

PV: Vậy hình phạt sẽ như thế nào ?

Theo quy định tại Điều 179 Bộ Luật Hình sự thì người nào trong hoạt động tín dụng mà có một trong các hành vi như nêu đã nêu ở trên thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến bảy năm. Nếu phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm, phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.

Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc liên quan đến hoạt động tín dụng từ một năm đến năm năm.

PV: Xin cám ơn ông.

T.Nguyên (thực hiện)


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.