Điệu múa hơn 700 năm tuổi ở vùng đất trâu vàng

Điệu múa hơn 700 năm tuổi ở vùng đất trâu vàng

Thứ 5, 27/12/2012 23:43

– Theo lời chỉ dạy của cha ông nhiều đời làng Phú Nhiêu (xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) thì chỉ có người trong làng mới được học và diễn hai loại hình nghệ thuật này.

Điệu múa hơn 700 năm tuổi

Ông Lương Tất Tố (SN 1942), Chủ tịch câu lạc bộ hò cửa đình và múa hát bài bông của thôn Phú Nhiêu cho hay, các cụ cao niên trong làng tự hào rằng, đây là mảnh đất hình con trâu vàng. Bốn xóm của làng tượng trưng cho bốn chân, con đường trục chính giữa làng là sống lưng, ngôi đình uy nghiêm trước mặt làng là biểu tượng đầu trâu, hai cái giếng tròn ở hai bên cạnh đình tượng trưng cho hai con mắt... Mảnh đất trâu vàng này đang bảo tồn và lưu giữ hai loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo là hò cửa đình và múa hát bài bông.

Sự kiện - Điệu múa hơn 700 năm tuổi ở vùng đất trâu vàng

Đội hình tham gia múa hát bài bông

Tương truyền múa bài bông do Trần Quang Khải tạo ra để ca múa trong dịp lễ mừng do vua Trần Nhân Tông tổ chức sau khi đánh thắng quân Nguyên Mông lần thứ ba. Cũng có thông tin cho rằng, múa bài bông do Chiêu Vương Trần Nhật Duật tạo ra. Dù chưa khẳng định được chắc chắn tác giả của điệu múa này là ai, nhưng các sổ sách ghi lại đều khẳng định rằng, điệu múa này có từ thời nhà Trần. Trong sách Việt Nam ca trù biên khảo của hai tác giả Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề xuất bản năm 1962 cũng khẳng định, hát múa bài bông là nhã nhạc của đế vương thịnh điển nhất trong nhạc giới.

Sau khi nói về nguồn gốc của loại hình diễn xướng dân gian độc đáo chỉ có ở làng mình, ông Lương Tất Tố lại tỉ mỉ giới thiệu cho chúng tôi nghe về hai điệu múa hát độc đáo này. Ông Tố kể, ngày còn nhỏ, ông thường theo anh em trong nhà đi xem hát trống quân, xem vật tháng 2, bơi trải tháng 8, đứng hò cửa đình và ngất ngây xem múa hát bài bông. Tất cả đã ngấm dần vào ông mà đi bất cứ nơi đâu ông cũng mang trong lòng. Chính vì thế, ông là người hiểu sâu sắc về hai thể loại diễn xướng này.

Theo lời ông Tố, hò cửa đình, múa hát bài bông ra đời từ rất lâu, mang tín ngưỡng thờ cúng của làng đã phát triển thành một loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc, tác động sâu sắc đến tâm tư, tình cảm của người dân Phú Nhiêu.

Theo những ghi chép còn ghi lại, hò cửa đình bao gồm 517 câu theo thể ba chữ, bốn chữ, sáu chữ, bảy chữ... Hò cửa đình chia thành ba phần: Bài giáo, bài hò, bài khóng. Trong đó, bài giáo là phần trình, mở đầu; phần hò ca ngợi cảnh đẹp quê hương, công trạng của tổ tiên cha ông; bài khóng là tập hợp những lời chúc.

Mỗi bài đều có âm điệu và hình thức biểu đạt, theo các thể thơ khác nhau, nhưng tựu trung lại một chủ đề là ca ngợi quê hương, đất nước, mong thần thánh phù hộ cho vua sáng, tôi hiền, xóm làng thanh bình, thịnh vượng, ca ngợi những người có công với dân làng và cầu mong cho mưa thuận gió hòa, cuộc sống bình yên, non sông vững bền.

Thời gian để hò hết 517 câu hò cửa đình là khoảng 45 - 50 phút. Hò cửa đình là thể loại dành riêng cho nam giới và số người trong đội hình thể hiện tuân theo bát giật (8-16-24-32). Dụng cụ được sử dụng khi các thành viên hò một cặp sênh bằng tre gỗ dài khoảng 20cm.

Cũng như hò cửa đình, múa hát bài bông vừa mang tính nghi lễ vừa mang tính diễn xướng, phục vụ đi rước trải, các chầu tế lễ và múa hát thờ thánh. Lời ca chủ yếu là những vần thơ lục bát biến thể cho phù hợp với âm điệu lời ca. Nội dung các bài hát thường ca ngợi người có công với đất nước và phản ánh cuộc sống lao động của người dân nơi thôn dã. Vũ điệu là các điệu múa dân gian cung đình.

Mặc dù không dùng bất cứ nhạc cụ nào, chỉ áp dụng lối diễn xướng dân gian, từ đầu đến cuối bài chỉ có miệng hát tay múa, không nhạc đệm, nhạc nền nhưng mọi động tác vẫn đều răm rắp. Đạo cụ để múa quạt là lụa hoa, khăn lụa màu, nếu múa đêm thì có thêm một đèn hoa.

Bí kíp làng truyền

Cũng giống như các môn nghệ thuật khác, hò cửa đình và múa hát bài bông cũng trải qua những giai đoạn thăng trầm. Năm 1947 do ảnh hưởng của chiến tranh, múa hát bài bông và hò cửa đình hầu như bị gián đoạn. Cho đến những năm sau đó, khi lễ hội không còn được tổ chức, hai loại hình diễn xướng trên hầu như không còn dấu ấn trong sinh hoạt cộng đồng của nơi đây. Chỉ còn một số ít những những người cao tuổi trong làng còn lưu giữ lại.

Trong câu chuyện nói về những người có công lưu giữ lại hò cửa đình và múa hát bài bông, ông Lương Tất Tố nhiều lần nhắc tới cụ Lương Văn Nghi (nay đã mất - PV) người tuy không được phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhưng lại có vai trò vô cùng quan trọng trong việc sưu tầm lưu giữ và phục dựng các câu hát dân gian của làng.

Dân làng thường gọi cụ là người thư ký tự nguyện làm không công. Ông được biết đến với tư cách là một người chép sử của địa phương, một nhà sưu tầm văn hóa dân gian từ ca dao, hò, vè đến những loại hình nghệ thuật còn lưu giữ trong làng xã quê hương và các vùng phụ cận. Ý thức được đây là hai loại hình nghệ thuật vốn quý của quê hương nên từ năm 1954, cụ Nghi bắt đầu sưu tầm lại các tư liệu liên quan.

Cụ cần mẫn mang giấy bút đi đến từng nhà trong làng để ghi chép lại các câu hát, câu hò. Có những câu phải ghi chép, bổ sung nhiều lần vì những người cung cấp đa phần là các cụ già đã có tuổi trong làng nên việc nhầm lẫn là điều khó tránh khỏi.

Đến năm 1997, trải qua một thời gian dài cần mẫn sưu tầm, không ngừng tìm tòi, cóp nhặt, công trình sưu tập lưu giữ cơ bản được hoàn thành. Tổng kết lại, đối với hát múa bài bông, cụ Nghi đã sưu tập được 207 câu thơ cả bằng chữ Hán và chữ Nôm với nhiều thể thơ dân tộc. Thời điểm này, đình làng Phú Nhiêu được khôi phục lại.

Đây cũng là cơ sở để hai điệu múa - hò được khôi phục trở lại. Năm 2003, Câu lạc bộ múa hát bài bông và hò cửa đình chính thức được thành lập. Thời gian đầu, tham gia phục dựng lại hai loại hình diễn xướng này chỉ có những người già trong làng. Tuy nhiên qua thời gian, niềm say mê được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, lớp thanh thiếu niên trong làng ngày được tiếp cận càng nhiều và hào hứng hưởng ứng.

Có những gia đình, cả ba thế hệ đều tích cực tham gia câu lạc bộ và cùng biểu diễn mỗi khi làng có hoạt động văn nghệ. Trong làng, hiện tại còn hai người được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân là bà Vũ Thị Khiên - Nghệ nhân múa hát bài bông và ông Lương Tất Tố - Nghệ nhân hò cửa đình.

Đến nay, trải qua bao thăng trầm, hò cửa đình và múa hát bài bông ở Phú Nhiêu đã lan tỏa đến từng gia đình. Các bé gái, bé trai từ 7 - 10 tuổi ngoài giờ học tự nguyện ra sân đình tập múa hát cùng các cụ bà đã vào cái tuổi xưa nay hiếm. Gần đây nhất, ông Tố và các cụ bà trong làng đã truyền dạy cho 12 cháu trai và 16 cháu gái học lớp 1 - 3. Các cháu trong đội say mê học tập và tuyệt đối không có trường hợp nào nghỉ giữa chừng. Câu lạc bộ hò cửa đình và múa hát bài bông hiện có gần 200 hội viên.

Câu lạc bộ sinh hoạt quanh năm nhưng đông nhất là dịp hè, vì đó là lúc các bạn trẻ có nhiều thời gian để tập luyện nhất. Các thành viên trong câu lạc bộ còn thường xuyên tham gia các hội diễn như Liên hoan múa cổ của Thăng Long, Liên hoan truyền hình toàn quốc... và đoạt được nhiều thứ hạng cao. Ngoài ra, câu lạc bộ còn thường xuyên tham dự các buổi giao lưu văn nghệ ở Bắc Ninh để giới thiệu về hai loại hình diễn xướng của làng.

Chỉ người làng mới được phép học

Một điều đặc biệt nữa trong bí quyết giữ lửa nghệ thuật truyền thống của ngôi làng này là họ tuyệt đối không được truyền dạy điệu hò, điệu múa này ra phạm vi ngoài làng. Mới đây, Trung tâm phát triển âm nhạc Việt Nam đã ngỏ ý muốn được học lại điệu múa hát bài bông và hò cửa đình từ các nghệ nhân. Tuy nhiên, theo ý nguyện của cha ông, người làng này đã từ chối và kiên quyết chỉ dạy cho con cháu trong làng. Người làng Phú Nhiêu tự tin rằng, với niềm yêu thích, say mê của mọi tầng lớp, lứa tuổi trong làng như hiện nay, hai loại hình nghệ thuật dân gian chắc chắn sẽ lưu truyền và phát triển đến con cháu muôn đời sau.

Phạm Hạnh - Dương Thu


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.