Điệu Sình ca vang vọng lòng hồ Thác Bà

Điệu Sình ca vang vọng lòng hồ Thác Bà

Lương Quốc Tiệp

Lương Quốc Tiệp

Thứ 7, 18/08/2018 07:30

Đối với người Cao Lan ở Yên Bình Sình ca được ví như linh hồn của người Cao Lan nơi đây nó ngọt ngào, tha thiết làm say đắm lòng người.

Không biết từ khi nào, hát Sình ca (còn gọi là Xứng cọ) xuất hiện trong kho tàng văn hóa của người Cao Lan. Một thể loại dân ca trữ tình với lời hát đối đáp giao duyên, lời hát có từng chương, trai gái hát đối đáp giao duyên hết chương này sang chương khác, có thể hát thâu đêm mà chưa hết.

Người Cao Lan thường hát Sình ca vào dịp năm mới, hát trong đám cưới, lễ hội, hát mừng nhà mới và họ cũng có thể hát ở bất cứ nơi đâu như trên nương, dưới ruộng hay ở ngoài đường. Hát Sình ca có chủ đề hát như hát mở đầu, hát vào bản, hát trên đường, hát mời thần linh. Phổ biến nhất vẫn là hát đối, còn gọi là hát giao duyên giữa hai bên nam nữ để thổ lộ tâm tình.

Văn hoá - Điệu Sình ca vang vọng lòng hồ Thác Bà

Người Cao Lan

Trong chuyến công tác về huyện Yên Bình chúng tôi may mắn được trò chuyện với ông Lạc Tiên Sinh người giữ lửa cho điệu hát Sình ca và các phong tục tập quán đặc sắc của người dân tộc Cao Lan nơi đây. Ông chia sẻ: “Nói đến nguồn gốc của hát Sình ca thì từ xa xưa khi chúng tôi sinh ra đã được nghe các cụ của mình hát Sình ca. Truyền thuyết kể rằng, nàng Lưu Tam sinh ra là một con nhà nghèo, một phụ nữ rất xinh đẹp và hát rất hay. Năm lên 7 tuổi nàng đã biết sáng tác ra những bài đồng dao cho lũ trẻ trâu và đến năm 16, 17 tuổi đã nghĩ ra những câu hát cho đám trẻ thanh niên trong làng hát giao duyên với nhau tình tứ, câu hát Sình ca rất bình dị, đằm thắm. Từ câu hát giao duyên đó mà nhiều đôi trai gái trở thành vợ chồng”.

Văn hoá - Điệu Sình ca vang vọng lòng hồ Thác Bà (Hình 2).

Khu du lịch hồ Thác Bà - Yên Bình - Yên Bái

Ngồi trên thuyền dạo quanh lòng hồ Thác Bà thơ mộng, chúng tôi được nghe ông Sinh kể về câu chuyện tình yêu đẹp giữa nàng Lưu Tam và chàng trai nghèo tên Dưn. Nhưng mối tình không thành, nàng Lưu Tam bị ép gả cho nhà giàu, nàng phải giả câm điếc suốt 3 năm và  không nguôi nhớ người tình cũ, nàng đã ấp ủ trong lòng hàng nghìn lời ca nhớ nhung da diết.

Khi biết chàng Dưn chết, nàng Lưu Tam đã tựa vào gốc cây thông và hát lên những lời thương tiếc rồi trút hơi  thở cuối cùng tại đó. Hồn nàng nhập vào gốc cây thông, quanh năm bốn mùa vi vu gió hát những câu nhớ thương da diết. Như vậy có thể thấy, hát Sình ca tượng trưng cho tình yêu vĩnh cửu của những chàng trai, cô gái người Cao Lan, thể hiện khát vọng trong tình yêu đôi lứa.

Trong kho tàng văn hóa nghệ thuật dân gian của người Cao Lan, làn điệu hát Sình ca được coi là đặc sắc và có giá trị nhất. Ngoài là câu hát để nam thanh nữ tú giao duyên, hò hẹn, hát Sình ca còn truyền tải ý nghĩa nhân văn sâu sắc, người Cao Lan hát để chúc nhau mạnh khỏe, con cháu đầy nhà, chăm ngoan học giỏi, chúc năm mới ăn nên làm ra, chúc cho mùa màng tốt tươi, chúc cho nước nhà phồn thịnh… Người Cao Lan cũng quan niệm rằng, mỗi dịp Tết đến xuân về, nhà nào có nhiều người vào nhà ca hát thì năm đó sẽ được mùa, mọi vận đen sẽ được xua tan đi.

Là người giữ lửa cho làn điệu Sình ca, ông Sinh đã lập nên câu lạc bộ hát Sình ca tại thôn Khe Gầy với mục đích lưu giữ điệu hát, bản sắc văn hóa của dân tộc mình và truyền lại cho thế hệ sau. Dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn ngày đêm tìm hiểu những tài liệu sách cổ của người Cao Lan để lưu giữ nét nghệ thuật độc đáo này. Hiện câu lạc bộ hát Sình ca thu hút được đông đảo người tham gia.

Văn hoá - Điệu Sình ca vang vọng lòng hồ Thác Bà (Hình 3).

Ảnh minh họa

Cô Lạc Thị Bình, thành viên câu lạc bộ chia sẻ “Hiện nay thì chúng tôi tham gia câu lạc bộ này để học những điệu hát giao duyên, câu hò, điệu hát của dân tộc chúng tôi. Thông qua đây chúng tôi biết hát và truyền lại cho con cháu thế hệ sau, để Sình ca không bị mất đi và tất cả những giá trị, nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình”.

Theo thời gian, những làn điệu dân ca và bản sắc của các dân tộc dần bị mai một. Vì vậy để mọi người cũng  như khách thập phương biết đến nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Cao Lan ở Yên Bình, công tác quy hoạch, quản lý, sưu tầm và truyền dạy hát Sình ca cho thế hệ trẻ  để giáo dục ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cho thế hệ con cháu là trách nhiệm và là việc làm cần thiết, về vấn đề này. 
Ông Nguyễn Văn Huê - Bí thư Đảng ủy xã Tân Hương cho biết: “Thực hiện nghị quyết 13 của huyện Yên Bình, tiếp tục phát huy du lịch về cội nguồn, về tâm linh thì xã Tân Hương cũng đặt niềm tin vào thôn Khe Gầy vận động bà con phát huy truyền thống của mình. Đặc biệt trong thời gian vừa qua một số bác có tuổi nhưng rất tâm huyết vận động các nghệ nhân để tiếp tục tập luyện các bản sắc của dân tộc. Chính quyền địa phương chúng tôi luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện cho bà con dân tộc Cao Lan được sinh hoạt và gìn giữ, phát huy bản sắc của dân tộc”.

Trải qua bao đời, người Cao Lan vẫn đang tìm cách để gìn giữ Sình ca, gìn giữ một phần đẹp nhất của văn hóa Cao Lan. Sình ca xưa say trong những làn điệu của tình yêu đôi lứa, còn Sình ca nay được rộn ràng trong những câu chúc nhau mạnh khỏe, chúc Đảng và đất nước ngày càng phồn vinh. Chính vì thế công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc cần được sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp, các ngành, để thế hệ người Cao Lan hôm nay thêm yêu, quý trọng và cùng nhau giữ gìn nét đặc sắc của dân tộc mình. Dù là người ở lại hay người xa quê, thì mỗi khi cất lên tiếng hát Sình ca lòng lại luôn nhớ về quê hương, thấm đượm tình người.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.