Điều tạo khác biệt cho báo chí trong hàng tỷ thông tin thật giả

Hoàng Thị Bích

Hoàng Thị Bích

Thứ 4, 21/06/2023 10:05

Chính phủ đã ban hành Chiến lược chuyển đổi số báo chí như một kim chỉ nam định hướng cho các cơ quan báo chí trong quá trình chuyển đổi số.

Thách thức của báo chí trong thời kỳ 4.0

Nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 -21/6/2023), ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Người Đưa Tin (NĐT) xoay quanh thách thức của người làm báo hiện nay và chiến lược chuyển đổi số báo chí.

NĐT: Thưa ông, là người gắn bó lâu năm với hoạt động báo chí xin ông chia sẻ về những thách thức của báo chí trong dòng chảy của xã hội hiện nay, đặc biệt mạng xã hội đang ngày càng phát triển và bùng nổ mạnh mẽ?

Chủ tịch Lê Quốc Minh: Báo chí có rất nhiều cơ hội, nhưng cũng có nhiều khó khăn trước mắt. Nếu như trước đây báo chí gần như là kênh thông tin duy nhất để mọi người truy cập, nắm thông tin thì nay thông tin có ở khắp mọi nơi, không chỉ thông tin trên mạng xã hội mà các bộ, ban, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp… cũng đều có website, cổng thông tin điện tử. Đây là sự thay đổi tự nhiên của xã hội và của xu hướng truyền thông, của công nghệ truyền thông.

Với sự phát triển nhanh chóng của internet, công nghệ và mạng xã hội, ai cũng có thể lập trang web, mở tài khoản trên mạng xã hội và đăng tải những nội dung mà họ yêu thích. Người dùng “ngập” trong biển thông tin, nên báo chí không còn là kênh duy nhất để tìm kiếm thông tin. Do đó, báo chí sẽ phải cạnh tranh với rất nhiều nguồn thông tin khác. Và cần lưu ý rằng trong biển thông tin đó, lượng thông tin xấu độc càng ngày càng nhiều hơn.  

Ngoài ra, do sự phát triển của công nghệ mới và mạng xã hội nên hành vi tiếp nhận thông tin của người dùng thay đổi rất nhiều, họ không kiên nhẫn đọc những bài dài như trước kia nữa; cộng với việc xem video ngắn trên TikTok, Facebook Reels… dần dần khiến hành vi của người dùng thay đổi, một cách vô thức, sự chú ý bị giảm đi.

Đối thoại - Điều tạo khác biệt cho báo chí trong hàng tỷ thông tin thật giả

Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.

Sự cạnh tranh của báo chí còn đến từ nguồn thu khi doanh thu quảng cáo trên báo in, phát thanh và truyền hình đều suy giảm, còn tổng chi phí quảng cáo digital thì tăng lên nhưng phần dành cho báo chí chỉ chiếm phần nhỏ và thậm chí đang có chiều hướng thu hẹp.

Bên cạnh đó, đội ngũ nhân lực được đào tạo, trải nghiệm trong môi trường báo chí có kinh nghiệm nhiều thì được mời chào sang các lĩnh vực khác… nên thiếu người làm báo.

Chưa kể một thực tế là có xu hướng người dùng né tránh tin tức. Do phải đọc quá nhiều những thông tin tiêu cực, họ “ngắt kết nối” với báo chí, không đọc báo, nghe đài, không xem tivi… yếu tố này cũng khiến báo chí trở nên khó khăn hơn.

NĐT: Như ông vừa chia sẻ những thách thức báo chí sẽ gặp phải trong thời đại công nghệ 4.0 và các nền tảng mạng xã hội khác ngày càng phát triển. Vậy, theo ông, bên cạnh những thức nêu trên, báo chí có những cơ hội nào để hòa chung với sự thay đổi tự nhiên của xã hội?

Chủ tịch Lê Quốc Minh: Bên cạnh những thách thức như đã nêu, báo chí cũng đang đứng trước rất nhiều cơ hội. Chưa bao giờ hoạt động báo chí lại có nhiều điều kiện thuận lợi như bây giờ, ví như công cụ tác nghiệp hiện đại – từ thiết bị phần cứng cho đến phần mềm. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, người làm báo đã có thể tác nghiệp dễ dàng từ viết bài đến chụp hình, dựng video chất lượng cao; ngoài ra còn có thể có sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo trong việc khảo cứu tài liệu, tra soát dữ liệu, theo dõi hành vi người dùng, cá nhân hóa nội dung…

Bên cạnh đó, cách thức tạo nguồn thu cho báo chí hiện cũng đa dạng hơn chứ không như báo chí truyền thống chỉ dựa vào nguồn thu quảng cáo. Báo chí hiện đại đang áp dụng khoảng 12-13 mô hình kinh doanh khác nhau, từ thu phí độc giả online, cơ chế ưu đãi thành viên cho đến cấp phép thương hiệu, thương mại điện tử, kinh doanh dịch vụ công nghệ, v,v…

NĐT: Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 348 ngày 6/4/2023 phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo ông, nếu thực hiện được quyết liệt chiến lược chuyển đổi số báo chí, các cơ quan báo chí sẽ có được những ưu thế gì? Và để thực hiện hiệu quả chiến lược chuyển đổi số báo chí, theo ông các cơ quan báo chí cần phải làm gì?

Chủ tịch Lê Quốc Minh: Chúng ta đang đứng trước một thực tế là người dùng đã di chuyển lên các nền tảng số, cho nên những nền tảng truyền thống như báo in sẽ càng ngày càng khó tiếp cận người dùng. Do người dùng đã lên môi trường mới, báo chí buộc phải chạy theo, và tốt hơn nữa nếu có thể đón đầu. Nếu không chuyển đổi số thì sẽ mất độc giả, đồng nghĩa với việc sẽ mất nguồn thu, vì thế không thể thực hiện được nhiệm vụ quan trọng là tuyên truyền chính sách, đường lối của Đảng, Nhà nước và cung cấp những thông tin hữu ích cho người dân. Lợi ích đầu tiên của chuyển đổi số chính là duy trì được sự kết nối với độc giả và nếu chuyển đổi số tốt còn tăng được nguồn thu.

Đối thoại - Điều tạo khác biệt cho báo chí trong hàng tỷ thông tin thật giả (Hình 2).

Báo chí đứng trước nhiều cơ hội và thách thức.

Chuyển đổi số không chỉ được triển khai trong quy trình sản xuất nội dung, mà phải thực hiện cả trong quá trình quản trị và vận hành tòa soạn. Thực tế chứng minh, khi quản trị bằng hệ thống hiện đại thì công tác vận hành một cơ quan nói chung và một cơ quan báo chí nói riêng sẽ giản đơn hơn rất nhiều, rất chặt chẽ, tránh tình trạng công việc không được xử lý hoặc xử lý không kịp thời.

Hiệu quả của chuyển số chúng ta đều đã nhìn thấy rõ, Chính phủ đã ban hành Chiến lược chuyển đổi số báo chí như một kim chỉ nam định hướng cho các cơ quan báo chí trong quá trình chuyển đổi số, đã đặt ra những mục tiêu rõ ràng nhưng kết quả hoàn toàn tùy thuộc vào các cơ quan báo chí thực hiện, triển khai ra sao… Chúng tôi cũng ghi nhận và đánh giá cao sự tích cực chuyển đổi số báo chí của một số cơ quan báo chí Trung ương và cả địa phương trong thời gian qua, nhưng còn rất nhiều cơ quan báo chí khác vẫn chưa xây dựng được chiến lược chuyển đổi số rõ ràng.

Nguồn thu bền vững từ độc giả

NĐT: Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Hội Nhà báo Việt Nam ngày 13/4, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, báo chí chính thống đóng vai trò dòng chảy chính trên xa lộ tin tức. Với vai trò là Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Hội có những chương trình, kế hoạch như thế nào để báo chí tiếp tục thực hiện tốt vai trò là vũ khí sắc bén, là công cụ đắc lực của Đảng trên mặt trận tư tưởng, văn hóa… định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội?

Chủ tịch Lê Quốc Minh: Ở góc độ định hướng nội dung, Ban Tuyên giáo Trung ương rất sát sao việc này, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông công tác quản lý báo chí nói chung. Dưới góc độ Hội Nhà báo Việt Nam, chúng tôi có nhiệm vụ hiện thực hóa đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về báo chí về mặt nghiệp vụ, đẩy mạnh các chương trình đào tạo, tập huấn, chú trọng vấn đề đạo đức báo chí, nghiên cứu con đường phát triển của báo chí hiện đại để các tòa soạn tham khảo và có hướng đi cho riêng mình.

Để thực hiện tốt vai trò định hướng thông tin, trở thành dòng chảy chính trên xa lộ tin tức, bên cạnh việc nâng cao ý thức chính trị, tư tưởng thì tính chuyên nghiệp của các cơ quan báo chí cần phải đẩy mạnh hơn nữa. Bên cạnh đó, ngoài việc giám sát, phản biện xã hội và bóc trần những vấn đề tiêu cực, bất cập, thì các cơ quan báo chí cần đẩy mạnh thông tin tích cực, tìm kiếm, lan tỏa những câu chuyện truyền cảm hứng. Để đối phó với tình trạng né tránh tin tức, có một xu hướng trong báo chí thế giới hiện nay là tập trung vào báo chí giải pháp, báo chí mang tính xây dựng. Ngay cả khi nêu một vấn đề nhức nhối trong xã hội thì báo chí không chỉ dừng ở việc thông tin như trước kia mà cần phải gợi mở cách thức giải quyết để xã hội trở nên tốt đẹp hơn.

NĐT: Từ khi quy hoạch báo chí cũng như đại dịch Covid-19 xảy ra, doanh thu của các cơ quan chí cũng sụt giảm, khó khăn. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, theo ông giải pháp nào để các cơ quan báo chí đỡ chật vật hơn về tự chủ kinh tế?

Chủ tịch Lê Quốc Minh: Hiện nay, chúng ta đang hiểu nhầm về chữ “tự chủ”, dường như nhiều người đang hiểu “tự chủ” là cơ quan báo chí đó phải “tự bơi”, tự kiếm tiền. Gần đây, đã có những văn bản của Chính phủ yêu cầu phải tăng cường việc đặt hàng tuyên truyền các cơ quan báo chí, đây là giải pháp rất quan trọng giúp cơ quan báo chí có nguồn thu một cách đúng đắn. Báo chí tham gia tuyên truyền cho bộ, ngành, địa phương thì được hưởng kinh phí tuyên truyền chính sách là điều hết sức bình thường. Tất nhiên là chất lượng tuyên truyền phải được kiểm định, kiểm đếm minh bạch để đảm bảo kinh phí không bị sử dụng phí phạm.

Các địa phương, bộ, ngành nếu ý thức được điều này để đặt hàng báo chí thì vừa giúp cho việc tuyên truyền, truyền thông chính sách của địa phương và bộ ngành đạt hiệu quả cao, vừa giúp báo chí tạo ra nguồn thu bằng chính nghề nghiệp của mình.

Nhiều nghiên cứu cho rằng, những cơ quan báo chí chỉ phụ thuộc vào quảng cáo thì trong năm nay và những năm tới sẽ vô cùng khó khăn, nhất là bối cảnh kinh tế thế giới biến động, các doanh nghiệp đều thắt chặt hầu bao. Do đó, các cơ quan báo chí cũng cần chủ động trong việc đa dạng hóa nguồn thu, trong đó nguồn thu từ độc giả mới là nguồn thu bền vững.

Đối thoại - Điều tạo khác biệt cho báo chí trong hàng tỷ thông tin thật giả (Hình 3).

PV Người Đưa Tin tác nghiệp trong đại dịch Covid-19.

NĐT: Xin ông chia sẻ thêm về những kỳ vọng của mình về sự phát triển của báo chí trong thời gian tới?

Chủ tịch Lê Quốc Minh: Định hướng của Hội Nhà báo Việt Nam trong nhiệm kỳ này là “một nền báo chí hiện đại, chuyên nghiệp, nhân văn”. Chúng tôi nghĩ rằng, hiện đại là con đường bắt buộc để phát triển, chuyên nghiệp là yêu cầu muôn thuở đối với báo chí, còn yếu tố nhân văn chính là điều tạo ra sự khác biệt cho báo chí trong hàng triệu hàng tỷ thông tin thật giả lẫn lộn được đẩy lên Internet mỗi ngày, giúp cho người dùng thấy niềm tin trong cuộc sống khi mở trang báo, bật đài hoặc truy cập các webstie tin tức. Chúng tôi cũng mong yếu tố văn hóa sẽ đậm nét hơn trong các nội dung của báo chí.

Chúng tôi mong rằng đội ngũ người làm báo sẽ vượt qua được khó khăn ngắn hạn, hướng tới mục tiêu lâu dài, xây dựng một đội ngũ những người làm báo thực sự chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn và đậm tính văn hóa. Như vậy, tuyến thông tin chính thống thực sự sẽ trở thành dòng chảy quan trọng trong biển thông tin như hiện nay.

NĐT: Xin trân trọng cảm ơn ông.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.