“Anh hùng tranh bá”
Khi chiến tranh thế giới thứ hai vẫn đang diễn ra, là một trong những quốc gia thuộc quân đồng minh chống lại lực lượng phát xít, Anh luôn là nước nằm trong tầm ngắm “hủy diệt” của quân đội Đức quốc xã. Trong thời thế loạn lạc, để kiếm sống được, những khách sạn tại thủ đô London đã phải vận dụng mọi phương thức từ phổ thông cho đến đặc biệt nhất nhằm thu hút khách hàng, gia tăng lợi nhuận.
Một phòng tắm kiểu Thổ Nhĩ Kỳ |
Sau khi thế chiến thứ hai kết thúc, nhà sử học nổi tiếng người Anh- Matthew Swett đã cho xuất bản cuốn sách “Những bí mật về khách sạn tại London” thuật lại những điều mắt thấy tai nghe của ông về những điều kỳ lạ trong các khách sạn tại thành phố này. Theo nhà sử học này tiết lộ, ngoài những buổi tiệc tùng, những phòng ốc xa hoa bậc nhất , ở nơi đây còn diễn ra rất nhiều hoạt động “ngoài luồng” mà một khi đã đặt chân đến thì khó lòng dứt ra được.
Muốn chứng tỏ là một khách sạn cao cấp và đẳng cấp nhất nước Anh tại thời điểm bấy giờ, từ khi được khánh thành vào năm 1931, Ritz London của Anh đã thực sự gây ấn tượng bởi lối kiến trúc vô cùng đặc biệt. Ngay từ khi bản thiết kế khách sạn này còn nằm trên bàn giấy, các kiến trúc sư và kỹ sư xây dựng đã thống nhất việc sử dụng những nguyên liệu tốt nhất để hoàn thành công trình. Theo nhà sử học Matthew Swett thì “Khách sạn Ritz London khi đó được kiến tạo nên bởi những nguyên liệu tốt nhất có thể chống được bom của Đức(?)”.
Được biết, ngay từ khi khánh thành, người London đã đồn đoán rằng, nếu như phát xít Đức có rải bom tại thủ đô thì Ritz London sẽ luôn là một trong những nơi trú ngụ an toàn nhất. Mặc dù thông tin này chưa được kiểm chứng, tuy nhiên theo Matthew Swett thì Ritz London đã được xây dựng bởi loại xi măng và cốt thép tiên tiến nhất thế giới ở thời điểm bấy giờ. Với sự đầu tư này, Ritz London có thể đứng vững tốt nhất và lâu nhất nếu như London bị ném bom.
Không chỉ có chất lượng công trình tốt, ngay từ khi khánh thành, khách sạn Ritz London đã thu hút được rất nhiều những khách hàng lớn và sang trọng tại Anh. Ngay từ khi khai trương, Ritz London đã cho ra đời một dịch vụ khá đặc biệt thể hiện tinh thần hưởng thụ trong thời buổi loạn lạc. Tại những quán bar trong khách sạn, khách hàng có thể vô tư nhảy Quickstep- một điệu nhảy phóng khoảng và rất vui nhộn. Đồng thời với những khách hạng sang, Ritz London còn miễn phí rượu gin để khách có thêm động lực làm cho điệu nhảy thêm bốc lửa. “Khi bước chân vào nơi đó, có cảm giác không khí nặng nề bên ngoài đã tan biến. Quickstep như một chai rượu sâm banh được mở ngay khi nhạc bắt đầu nổi lên. Khi nhảy chân lướt trên sàn, đôi lúc các cặp nhảy bay lên trong không trung, tạo nên những làn sóng reo hò vang dội”- Matthew Swett viết trong cuốn “Những bí mật về khách sạn tại London”.
Trong khi đó, để thu hút khách, khách sạn Leeds nằm ở phía Đông Bắc thủ đô London lại cũng có những dịch vụ vô cùng đặc biệt khác. Ngoài việc xây dựng những nhà tắm có không gian cổ kính và huyền bí theo phong cách Thổ Nhĩ Kỳ thì ở nơi này, nam nữ có thể thoải mái... tắm chung. Trong các nhà tắm mang phong cách Thổ Nhĩ Kỳ, các gái mại dâm hoạt động khá nhộn nhịp và làm ăn hiệu quả khi đa phần khách hàng vào tắm là nam giới. Được biết, để tránh tai mắt của các nhà chức trách, khách sạn Leeds khi đó còn xây hẳn một đường hầm phía sau khách sạn để gái mại dâm và khách có thể đi lại thoải mái mà không bị phát hiện.
Một khách sạn khác có tên là “Hyde Park” lại khiến giới đồng tính của Anh khi đó “phát điên” khi bí mật cho xây dựng một nơi gọi là “thiên đường của các cặp đồng tính”. Tại những nơi đặc biệt nhất trong khách sạn, những người đồng tính có quyền thể hiện hết những ham muốn hay nhu cầu riêng của bản thân mà không sợ bị dè bỉu. Sở dĩ “Hyde Park” lại có kiểu kinh doanh lạ đời này bởi ở thời điểm đó, có rất nhiều người trong giới quý tộc tại Anh chịu thừa nhận mình có những mối quan hệ đồng giới. “Trong chiến tranh, người ta đã ví rằng, chính môi trường quý tộc của những tầng lớp cao quý trong xã hội là nơi sản sinh ta những ‘thiểu số tình dục’ tại Anh”- nhà sử học Matthew Swett viết.
Những câu chuyện của hoàng gia
Trong chiến tranh, rất nhiều những bậc công tôn quyền quý tại các quốc gia Châu Âu đã phải chạy đến Anh để lánh nạn. Lúc này, những khách sạn cao cấp nhất tại thủ đô London của Anh đã trở thành điểm dừng chân thường xuyên của những người thuộc dòng dõi hoàng tộc.
Vào năm 1939, quốc vương và hoàng hậu của Anbani là đã phải lánh nạn sang Anh sau khi Đức quốc xã chiếm đóng đất nước nhỏ bé này. Hai người đứng đầu triều đình Anbani khi đó đã thuê trọn một tầng trong khách sạn Ritz tại thủ đô London để làm nơi ở cho gia đình hoàng thất cùng với những người giúp việc. Được biết, vì lánh nạn quá lâu, lại ở trong những nơi đắt đỏ nhất thế giới vào thời điểm đó nên quốc vương Anbani đã phải bỏ cả những thỏi vàng được lấy từ quốc khố để trả tiền khách sạn.
Trong khi đó, khi lánh nạn sang London vào năm 1944, quốc vương George của Hy Lạp đã phải dùng một cái tên giả đăng ký phòng tại khách sạn “Hyde Park”. Nữ hoàng Wilhelmina của Hà Lan vì chạy nạn trong sự ngỡ ngàng nên đã xuất hiện tại khách sạn cao cấp Claridge ở London với bộ dạng ngái ngủ. Những người tại khách sạn này còn kể rằng, vào đúng tối hôm nữ hoàng Hà Lan cùng với gia thất đến sống tại Claridge, ở đây đã xảy ra một sự cố đặc biệt. Chập tối, do một vụ hỏa hoạn nên cả London đã bị mất điện. Đột nhiên trong phòng con trai của nữ hoàng bỗng bừng sáng bởi tiếng đạn tiểu liên. Hóa ra trong lúc tức giận vì phải chạy nạn nên hoàng tử Hà Lan khi đó đã dùng súng tiểu liên... bắn chơi. Rất may là không ai bị thương trong lần nghịch dại này.
Ngày 17/7/1945, căn phòng 212 tại khách sạn Claridge ở London bỗng nhiên trở thành... sở hữu của Nam Tư. Vào ngày đó, Nữ hoàng chạy loạn Alexandra của nước này chuẩn bị lâm bồn. Tuy nhiên theo luật pháp Nam Tư khi đó, chỉ có những thái tử được sinh ra trên đất nước Nam Tư mới có tư cách nối ngôi. Với sự khẩn cầu từ hoàng gia Nam Tư, thủ tướng Anh khi đó là ông Winston Churchill đã miễn cưỡng đồng ý để căn phòng 212 tại khách sạn này thuộc... lãnh thổ Nam Tư. Vì thế khi sinh, nữ hoàng Alexandra cũng phải sinh tại phòng 212 với sự giúp sức của các bác sỹ và các trang thiết bị dành cho sinh đẻ được thuê từ một bệnh viện gần đó.
Khách sạn với nhiều điều "thần bí"
Cùng được xây dựng và khánh thành vào những năm chiến tranh thế giới thứ hai đang diễn ra ác liệt, khách sạn 5 sao Langham, London ban đầu cũng thu hút được rất nhiều khách hàng. Đến thời điểm hiện tại, tức sau vài chục năm tồn tại, Langham vẫn thu hút được hàng chục khách mỗi ngày, nhưng không phải do có dịch vụ gì đặc biệt mà ở đây người ta đồn đoán có rất nhiều... ma.
Khách sạn Langham của Anh |
Nằm trong khu phố sang trọng của thành phố London, khách sạn 5 sao sang trọng này đã thu hút được rất nhiều khách. Tuy nhiên, điều hấp dẫn nhất của khách sạn đã được nhiều du khách chứng kiến đó là những... hồn ma tồn tại từ sau chiến tranh thế giới thứ II.
Người đầu tiên tận mắt nhìn thấy những hồn ma đó chính là những phóng viên của BBC, một tờ báo nổi tiếng của Anh. Các phóng viên này cho biết, họ đã nhìn thấy hồn ma của Hoàng đế Napoleon III và hoàng tử người Đức bay lơ lửng ngoài cửa sổ tầng 4 khiến họ hết sức sợ hãi. Phòng 333 của khách sạn được cho là căn phòng có nhiều bóng ma hội tụ nhất. Và đa phần những “bóng ma” này đều là những bậc công tôn quyền quý của các quốc gia Châu Âu đã chết tại London trong thế chiến thứ hai.
Một phóng viên của BBC từng cho biết: “Tôi đã chụp hình đồng nghiêp ở khách sạn này. Tuy nhiên, khi trở về phòng tôi đã rất sốc khi nhìn thấy bóng lờ mờ của một người đàn ông khác trong bức ảnh, vị này có khuôn mặt và bộ quần áo rất giống với Hoàng đế Napoleon III của nước Pháp”.
Một nhân chứng khác là thương gia có tên Alexandra cho biết mình và đã đi vào trong khách sạn Langham để thuê phòng vào một buổi tối muộn: “Khi bước chân vào phòng. Cảm giác đầu tiên của tôi là không khí lạnh đột ngột. Đúng lúc đó, tôi đã nhìn thấy một bóng màu trắng tiến gần đến chỗ tôi. Tôi không thể tìm đường ra và chỉ biết cố gắng chạy thật nhanh. Tôi nhớ khá rõ là bóng ma này có bộ quần áo giống như một vị hoàng tử”.
Những lời đồn thổi, rỉ tai nhau, lan truyền câu chuyện về những hồn ma chẳng những không làm khách sạn Langham mất khách mà ngược lại còn thu hút những người có tinh thần thép, thích khám phá và có mong ước được nhìn thấy ma kéo đến nghỉ ngày càng đông.
Mặc dù bị mang tếng là khách sạn "ma", nhưng giá thuê phòng ở Langham không hề rẻ chút nào, khoảng 130 bảng Anh/ 1 đêm. Nhiều nhà kinh doanh khách sạn đánh giá rằng: Thế mới biết, những gì càng đặc biệt, thì việc kinh doanh càng trở nên hút khách.
Hải Hiền (Theo Hoàn Cầu)