Hà Giang là một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam. Phía Đông giáp tỉnh Cao Bằng, phía Tây giáp tỉnh Yên Bái và Lào Cai, phía Nam giáp tỉnh Tuyên Quang phía Bắc giáp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Hà Giang có diện tích tự nhiên là 7.884,37 km2, trong đó theo đường chim bay, chỗ rộng nhất từ tây sang đông dài 115 km và từ bắc xuống nam dài 137 km.
Tại điểm cực bắc của lãnh thổ Hà Giang, cũng là điểm cực bắc của Tổ quốc, cách Lũng Cú chừng 3 km về phía đông, có vĩ độ 23013'00"; điểm cực tây cách Xín Mần khoảng 10 km về phía tây nam, có kinh độ l04024'05"; mỏm cực đông cách Mèo Vạc 16 km về phía đông - đông nam có kinh độ l05030'04".
Trung tâm hành chính của tỉnh là thành phố Hà Giang, cách Thủ đô Hà Nội 320 km. Địa hình của tỉnh Hà Giang khá phức tạp, có nhiều ngọn núi đá cao và sông suối, có thể chia làm 3 vùng. Vùng cao núi đá phía bắc nằm sát chí tuyến bắc, có độ dốc khá lớn, thung lũng và sông suối bị chia cắt nhiều. Nằm trong vùng khí hậu cận nhiệt đới ẩm nhưng do địa hình cao nên khí hậu Hà Giang mang nhiều sắc thái ôn đới. Vùng cao núi đất phía tây thuộc khối núi thượng nguồn sông Chảy, sườn núi dốc, đèo cao, thung lũng và lòng suối hẹp.Vùng thấp trong tỉnh gồm vùng đồi núi, thung lũng sông Lô và thành phố Hà Giang.
Về tên gọi Hà Giang theo cách giải thích về nghĩa chữ, thì trong từ Hà Giang, cả "Hà" và "Giang" đều có nghĩa là sông, trong đó "Hà" là sông nhỏ và "Giang" là sông lớn. Tên gọi Hà Giang được giảng nghĩa là "sông nhỏ chảy vào sông lớn". Cách đặt tên này dựa vào đặc điểm địa hình thực tế của Hà Giang, với dòng sông Miện chảy vào sông Lô. Đây là hai con sông chính chảy qua trung tâm của tỉnh.
Trong hai con sông làm nên tên gọi Hà Giang, sông Lô là một dòng sông có vai trò đặc biệt quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Với chiều dài 274 km, đây là 1 trong 5 con sông dài nhất ở miền Bắc
Những khu vực sông chảy qua đều là địa hình đồi núi hiểm trở. Vì vậy hai bên bờ sông có nhiều khung cảnh kỳ vĩ như ghềnh đá, rừng rậm, các dãy núi trùng điệp phía xa...
Hà Giang được thiên nhiên ưu đãi với nền văn hoá lâu đời thuộc niên đại đồ đồng Đông Sơn, có các di tích người tiền sử ở Bắc Mê, Mèo Vạc. Đây cũng là tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thuộc vùng Đông Bắc sinh sống, với 22 dân tộc có nhiều phong tục tập quán, văn hoá truyền thống và những lễ hội rất sinh động đã làm Hà Giang trở thành nơi hấp dẫn du khách đến tham quan.
Bên cạnh đó, Hà Giang có nhiều núi non hùng vĩ, có đỉnh Tây Côn Lĩnh (2419 m) và đỉnh Chiêu lầu thi (2402 m) là cao nhất. Về thực vật, Hà Giang có nhiều khu rừng nguyên sinh, nhiều gỗ quý, và có tới 1000 loại cây dược liệu. Động vật có hổ, chim công, chim trĩ, tê tê, và nhiều loại chim thú khác.
Năm 2010 Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là thành viên của mạng lưới công viên địa chất toàn cầu. Tháng 9 năm 2012 Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì đã được công nhận là Di tích quốc gia Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì.
Ngoài ra, khi du lịch Hà Giang bạn sẽ được tham gia khám phá các lễ hội truyền thống ở nơi đây, như lễ hội Lồng Tồng của người Tày được tổ chức vào đầu tháng Giêng hàng năm, để cầu mong mưa thuận gió hoà, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu và cuộc sống no đủ;
Lễ hội Gầu Tào từ ngày 1 đến Rằm tháng Giêng, đây là một trong các lễ hội rất quan trọng của người Mông. Mục đích của lễ hội là cầu phúc hay cầu mệnh. Nếu hội tổ chức ba năm liền, mỗi năm tổ chức 3 ngày, còn hội làm gộp một năm sẽ tổ chức trong vòng 9 ngày;
Lễ hội Cấp Sắc còn gọi là lễ Lập tịnh chỉ có ở nam giới. Theo quan niệm của người Dao, nếu đàn ông chưa trải qua lễ cấp sắc dù già vẫn được coi là trẻ con vì chưa có thầy Cấp sắc. Thời gian tổ chức vào Tháng 11, tháng 12 hoặc tháng Giêng hàng năm;
Chợ tình Khâu Vai, thời gian tổ chức mỗi năm một lần duy nhất vào dịp 27/3 (âm lịch), đây nơi hội tụ của những đôi trai gái tìm bạn tình, của các đôi lứa yêu nhau hay các đôi yêu mà không tới được với nhau.
Quốc Tiệp (t/h)