"Điều tra của báo Người đưa tin là trung thực"

"Điều tra của báo Người đưa tin là trung thực"

Thứ 5, 27/12/2012 23:44

Phán ánh đăng trên báo Người đưa tin về loạt bài "Di tích chùa Trầm đang bị xẻ thịt" là có cơ sở và trung thực trên tinh thần xây dựng.

Sau loạt bài Di tích chùa Trầm đang bị xẻ thịt phản ánh về việc di tích chùa Trầm đang bị xâm phạm nghiêm trọng, Báo Người đưa tin đã nhận được công văn số 626/UBND-VHTT do ông Đỗ Hồng Quang (K/T chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ, Tp.Hà Nội) ký trả lời nội dung báo Người đưa tin nêu những vi phạm tại khu di tích chùa Trầm.

Pháp luật - 'Điều tra của báo Người đưa tin là trung thực'

Hàng rào dây thép gai "bủa vây" dưới chân núi Bút thuộc di tích chùa Trầm

Hoan nghênh tinh thần hợp tác nhưng còn nhiều điều chưa thỏa đáng

Báo Người đưa tin hoan nghênh tinh thần hợp tác của UBND huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đã nhận thấy những vi phạm tại di tích chùa Trầm mà báo phản ánh, đồng thời trả lời một số nội dung chưa thỏa đáng trong công văn này như sau:

Công văn có đoạn khẳng định không có chuyện UBND xã Phụng Châu, Ban Quản lý di tích và danh thắng chùa Trầm tự tổ chức thu phí tham quan của du khách và rào dây thép gai bắt chẹt khách du lịch để thu phí mà chỉ thu phí trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô. Tuy nhiên, báo Người đưa tin đã phán ánh một cách khách quan, trung thực dựa trên những ý kiến, phán ánh của người dân, nhân chứng cung cấp tại di tích chùa Trầm có hiện tượng du khách đến thăm quan, vãn cảnh, lễ chùa bị một số đối tượng tự ý thu vé thăm quan (ngoài vé trông giữ xe - PV), lập rào dây thép gai ở chân núi Bút, nhiều lều quán bày bán la liệt tại di tích chùa Trầm làm mất cảnh quan di tích là có cơ sở.

Trước phán ánh của báo về việc đền Mẫu bị bán đấu thầu cho một cá nhân để thu tiền công đức, hơn nữa cá nhân này còn tự ý thay đổi một số hạng mục, công văn huyện Chương Mỹ trả lời: "Qua kiểm tra không có hoạt động mê tín dị đoan, không có việc bán đấu giá đền Mẫu. Năm 2010, Chi bộ và nhân dân thôn Long Châu Miếu có xây xung quanh giếng nước của đền cao thêm 0,6m trước để bảo vệ giếng; đường lên đền Mẫu bị lở được lát lại. Việc cá nhân tự ý mở hòm công đước là có". Tuy nhiên, di tích Chùa Trầm có đền Mẫu thờ Bà chúa Liễu Hạnh bị xâm hại nghiêm trọng, bán đấu thầu cho một cá nhân với giá 1 triệu đồng/năm và cá nhân này cũng tự ý tu sửa một số hạng mục trong và ngoài đền như phần mái trước hiên, bậc thang lên xuống, nhà khách và tự in phiếu công đức tư nhân là hoàn toàn chính xác và có cơ sở. Thậm chí, nhiều ngày sau khi báo phản ánh đền Long Mẫu bị xâm phạm, ngôi đền này vẫn tiếp tục được xây dựng thêm một hạng mục nữa.

PV Người đưa tin đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Thịnh, bà Nguyễn Thị Thảo cùng trú tại thôn Long Châu Miếu (xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, TP.Hà Nội) và bà Nguyễn Thị Hảo (phường Phú Lãm, quận Hà Đông, TP.Hà Nội), một người thường xuyên thắp hương và công đức tại di tích chùa Trầm cho biết, có việc hội cao tuổi thôn Long Châu Miếu bán đấu thầu đền Mẫu cho cá nhân ông Trần Văn Quyên và chính ông này đã làm đổi một số pho tượng và làm méo mó một số hạng mục nguyên trạng ban đầu của ngôi đền. Đặc biệt, thời gian gần đây một bà vãi trông chùa đang cho xây thêm một gian thờ nữa, với mục đích gì và ai cho phép thì người dân chưa rõ.

Trước việc người dân thôn Long Châu Miếu phản ánh một phần ao sen thuộc di tích chùa Trầm bị san lấp trái phép. Để làm rõ thông tin di tích chùa Trầm có diện tích bao nhiêu, ranh giới cụ thể thế nào phía Đông, Tây, Nam, Bắc giáp đâu, Trả lời PV Người đưa tin, ông Vũ Văn Đông, phó chủ tịch phụ trách văn hóa xã hội huyện Chương Mỹ (TP. Hà Nội) cho biết: "Di tích chùa Trầm được Nhà nước công nhận di tích cấp quốc gia năm 1962. Di tích chùa Trầm bàn giao về huyện Chương Mỹ, nhưng bây giờ hồ sơ bàn giao tìm mãi quyết định không thấy đâu, ở các phòng ban của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tây cũ cũng không thấy. Sắp tới có lẽ phải về Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tìm lại để giải quyết những việc liên quan đến đất đai tại di tích này mà người dân phản ánh".

Lý giải mâu thuẫn

Ông Phạm Quang Định, phó chủ tịch UBND xã Phụng Châu cũng cho biết, di tích chùa Trầm mà huyện Chương Mỹ bàn giao cho xã Phụng Châu cũng chưa nêu rõ diện tích là bao nhiêu, địa giới hành chính như thế nào. Ngay cả Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng vậy, chưa xác định được ranh giới đâu là thuộc quần thể di tích chùa Trầm nên vừa qua để xảy ra trường hợp một số người dân lợi dụng để lấn chiếm đất, san lấp mặt bằng, xây quán bán hàng trái phép và một số sự việc không hay xảy ra.

Trong công văn của UBND huyện Chương Mỹ gửi báo Người đưa tin có đoạn "Hồ sơ của di tích đang được lưu trữ tại Phòng Văn hóa và Thông tin huyện chứ không phải thất lạc như báo chí phản ánh".

Nếu di tích chùa Trầm đã có hồ sơ, vậy ông Phạm Quang Định, phó chủ tịch UBND xã Phụng Châu và ông Vũ Văn Đông, phó chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ không biết về văn bản này hay vin vào lý do di tích chùa Trầm chưa xác định rõ địa giới hành chính nên để một số cá nhân lợi dụng trục lợi? Hơn nữa, nếu di tích chùa Trầm có hồ sơ lưu tại Phòng Văn hóa và Thông tin vậy sao UBND xã Phụng Châu để tình trạng vi phạm kéo dài nhiều năm mà không có biện pháp xử lý?

Nhóm PV điều tra


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.