Chuyện giới luật sư than thở về việc bị làm khó khi xin tham gia tố tụng, gặp gỡ bị can trong giai đoạn điều tra không phải là chuyện mới dù quá trình cải cách tư pháp đã đi qua được chặng đường hơn chục năm. Vì vậy, ý kiến của các điều tra viên về mối quan hệ giữa luật sư và điều tra viên trong quá trình điều tra tại buổi tọa đàm do Học viện Cảnh sát nhân dân, Công an TP Đà Nẵng phối hợp với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức ở TP Đà Nẵng ngày 12-9 được nhiều người quan tâm.
Luật sư xúi giục bị can phản cung, chối tội...
Có một thực tế là trong khi các luật sư kêu ca bị làm khó thì phía cơ quan điều tra, điều tra viên lại có tâm lý e ngại rằng luật sư vào vụ án sẽ xúi giục bị can khai báo không thành khẩn, chối tội…, gây khó cho việc điều tra.
Thượng tá Nguyễn Mạnh Sơn (Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - Công an TP Đà Nẵng) thẳng thắn: Nhiều luật sư lợi dụng việc tham gia tố tụng, tiếp cận bị can đang tại ngoại nắm nội dung diễn biến rồi xúi giục bị can khai báo không thành khẩn, phản cung, làm ảnh hưởng đến kết quả điều tra. Nhiều trường hợp, luật sư lợi dụng quyền có mặt khi lấy lời khai của người bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can bị tạm giam… để thông cung giữa bị can và các đối tượng liên quan, xúi giục bị can không khai báo, phản cung. Thậm chí có trường hợp luật sư còn tiếp xúc với điều tra viên, kiểm sát viên để làm trung gian móc nối đưa hối lộ, chạy án.
Thượng tá Sơn còn cho rằng xuất phát từ ý thức vụ lợi, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, không ít luật sư đã lợi dụng danh nghĩa để thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chẳng hạn, vụ luật sư LBQ ở TP.HCM đã lừa đảo chiếm đoạt gần 4 tỉ đồng và 35.000 USD của 11 cá nhân; vụ luật sư LQT ở Hà Nội lừa đảo chiếm đoạt hơn 1,7 tỉ đồng của nhiều người…
Cần xây dựng quan hệ phối hợp
Dù vậy, nhiều ý kiến vẫn cho rằng việc luật sư có hành vi tiêu cực khi tham gia tố tụng không phải là phổ biến. Việc luật sư tham gia vụ án sẽ giúp cơ quan điều tra nhanh chóng xác định sự thật khách quan, giảm thiểu sai sót, vi phạm trong quá trình điều tra.
Thượng tá Nguyễn Phước Tốt (Đội trưởng Đội CSĐT - Công an quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) nhận xét việc tạo điều kiện cho luật sư tham gia vào quá trình điều tra vụ án cũng chính là tạo điều kiện để người bị tạm giữ, bị can thực hiện quyền bào chữa của mình. “Càng mở rộng phạm vi của quyền bào chữa thì càng mở rộng tính tranh tụng và kết quả tương ứng là càng hạn chế khả năng làm oan người vô tội” - Thượng tá Tốt khẳng định.
Còn theo Thiếu tá Lê Văn Dương (Công an quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng), sẽ thật sai lầm nếu như ai đó cho rằng giữa luật sư và điều tra viên là hai “chiến tuyến” của một “cuộc chiến pháp lý” trong hoạt động điều tra. Mối quan hệ giữa luật sư và điều tra viên là cần thiết trong mọi hoạt động của quá trình điều tra một vụ án hình sự. Hoạt động điều tra của điều tra viên là phải tìm ra được người phạm tội và đảm bảo việc xử lý người đó trước pháp luật. Còn hoạt động của luật sư trong điều tra vụ án là đảm bảo việc phát hiện, xử lý người phạm tội của cơ quan điều tra có thực sự đúng người, đúng tội hay không, đồng thời đảm bảo tính khách quan đối với mọi chứng cứ đưa ra để buộc tội hay gỡ tội đối với họ.
Hoàn thiện pháp luật
Theo BLTTHS, luật sư chỉ tham gia để nghe điều tra viên hỏi cung bị can, chỉ được xem các biên bản về hoạt động tố tụng có sự tham gia của mình và các quyết định có liên quan đến người mà mình bào chữa. Vì vậy, Thượng tá Nguyễn Xuân Cường (Phó Trưởng phòng CSĐT tội phạm về ma túy - Công an TP Đà Nẵng) đánh giá mức độ tác động của luật sư đến quá trình điều tra vụ án theo quy định là không cao. Mặt khác, quy định cũng chưa tạo sự chủ động cho luật sư trong việc xác minh, thu thập, cung cấp tài liệu, chứng cứ gỡ tội cho người bị tạm giữ, bị can.
Cạnh đó, Thượng tá Cường cũng cho rằng do thời hạn tạm giữ ngắn (bình thường ba ngày, tối đa chín ngày) nên rất hiếm trường hợp luật sư tham gia trong giai đoạn tạm giữ. Mặt khác, do trình độ của đội ngũ điều tra viên còn có những hạn chế, chưa nhìn nhận, đánh giá đúng vai trò, vị trí của luật sư, dẫn đến tình trạng chậm trễ trong việc cấp giấy chứng nhận bào chữa, gây khó khăn, trở ngại trong việc thông báo mời luật sư tham gia hỏi cung…
“Xử vành móng ngựa” mà đúng luật thì vẫn xử Bị cáo Khúc Văn Toản bị bệnh tim, có bệnh án, có xác nhận của bệnh viện. Tòa đã hai lần mở phiên xử nhưng bị cáo vắng mặt nên phải hoãn, đến lần thứ ba thì bị cáo có đơn xin xử vắng mặt. Căn cứ theo điểm c khoản 2 Điều 187 BLTTHS, HĐXX đã xử vắng mặt. Việc xét xử mà vắng mặt bị cáo cũng là chuyện bình thường, không ảnh hưởng tới quá trình xét xử. Phiên tòa xử công khai, dưới hội trường có người tham dự hay không, hay chỉ có HĐXX “xử vành móng ngựa” vẫn cứ phải xử chứ. Mọi chứng cứ vẫn được thẩm tra, xem xét công khai tại tòa theo đúng trình tự luật định. Cụ thể, đại diện VKS công bố cáo trạng, sang phần xét hỏi, do bị cáo không có mặt nên HĐXX công bố lời khai của bị cáo và tất cả tài liệu tố tụng có trong hồ sơ vụ án. Cuối cùng, đại diện VKS kết luận, HĐXX vào nghị án. Như vậy phiên tòa vẫn đảm bảo khách quan. Thẩm phán NGUYỄN VĂN THIỆM, chủ tọa phiên tòa sơ thẩm Tòa án chỉ có thể xử vắng mặt bị cáo trong những trường hợp sau đây: a) Bị cáo trốn tránh và việc truy nã không có kết quả; b) Bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa; c) Nếu sự vắng mặt của bị cáo không trở ngại cho việc xét xử và họ đã được giao giấy triệu tập hợp lệ. (Trích khoản 2 Điều 187 BLTTHS) |
Theo Kim Linh (Pháp luật TP HCM)