Sáng 22/10, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ngãi đang điều tra mâu thuẫn đánh nhau khiến 2 em học sinh thương vong.
Thông tin ban đầu, lúc 21h ngày 20/10, do nghi ngờ L.Q.C. (SN 2006, ở xã Bình Chương, Bình Sơn, Quảng Ngãi) hack tài khoản Facebook của mình nên Đ.T.K.N. (SN 2006, ở Bình Chương) cùng nhóm bạn hẹn C. đến bờ kè Bắc (thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn) giải quyết.
Lời qua, tiếng lại, C. bị U.Đ.K. (SN 2007, ở xã Bình Minh) và N.B.L. (SN 2007, ở xã Bình Trung), đều là bạn của N.) đánh vào mặt.
Bị tấn công, C. dùng dao thủ sẵn trong ba-lô đâm vào ngực K. và lưng L. Sau khi cấp cứu, K. không qua khỏi, L. bị thương nặng đang được cứu chữa tại bệnh viện. Được biết, cả ba em đều là học sinh của một trường THPT trên địa bàn.
Trả lời Báo Lao động về tình trạng học sinh giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực đang ngày càng gia tăng, Chuyên gia tâm lý Hồ Lâm Giang cho biết, bạo lực học đường nảy sinh có nhiều nguyên nhân, bao gồm cả yếu tố về tâm lý lứa tuổi. Lứa tuổi học sinh thích thể hiện, hiếu thắng, bốc đồng nên dễ nảy sinh những hành vi thiếu kiểm soát. Nhưng với sự gia tăng số ca như hiện nay, bỏ qua yếu tố về sự tăng lên của số lượng học sinh, và sự phát tán của các clip, tin tức liên quan đến bạo lực học đường khiến cho ta thấy bạo lực học đường xuất hiện nhiều hơn.
Song, yếu tố thực sự đến từ nhận thức về bạo lực, sự thấu hiểu – đồng cảm của các em học sinh với nhau, sự bức bối, căng thẳng từ cuộc sống, học tập đến ảnh hưởng của các phim hành động, của sự bức bối do lối sống, sinh hoạt. Đặc biệt là sự thiếu quan tâm, yêu thương, dạy dỗ từ người lớn….
Han (t/h Đại Đoàn Kết, Lao động, Vietnamnet)