Ngày 21/5, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, đại diện Công an huyện An Dương, TP.Hải Phòng cho biết, trên địa bàn huyện vừa xảy ra việc 2 thanh niên đi xe máy vào nhà một người dân cầm dao có ý định trả thù, nhưng đã kịp thời được ngăn chặn.
Cụ thể, vào khoảng 9h30 ngày 20/5, công an xã Lê Thiện và Công an huyện An Dương nhận được tin báo của quần chúng nhân dân về việc: Tại nhà anh Nguyễn Văn Đ (SN 1978, trú tại thôn Phí Xá, xã Lê Thiện, huyện An Dương, TP.Hải Phòng), có 2 người đàn ông trung tuổi, đi xe máy che biển kiểm soát, trên tay cầm dao và có lời lẽ đe dọa chủ nhà.
Tại ban Công an xã Lê Thiện, các đối tượng được làm rõ là Nguyễn Đức K. (SN 1980, trú tại thôn Vĩnh Xuyên, xã Vĩnh Hòa, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) và Lưu Văn Đ. (SN 1980, trú tại thôn Tiên Hội, xã An Tiến, huyện An Lão, TP.Hải Phòng). Nhận được tin báo, Công an xã Lê Thiện đã phối hợp cùng Công an huyện An Dương, có mặt tại hiện trường, xác minh vụ việc.
Qua lời khai của các đối tượng và những người chứng kiến vụ việc, do mâu thuẫn cá nhân từ hơn 20 năm trước, do bị anh Đ hạ nhục, nên K. vẫn ấm ức, trong đầu luôn nung nấu ý định trả thù.
Khoảng 9h30 ngày 20/5, sau khi đã uống rượu, K. và Đ. đến nhà anh Đ với ý định trả thù.
Riêng đối tượng Đ. có tiền sử thần kinh không ổn định, buổi sáng lại uống rượu, nên khi vừa đến nhà anh Đ, Đ. thò tay vào túi quần, móc ra một con dao giơ lên dọa. Tuy nhiên, do được nhắc nhở nên Đ. đã không thực hiện việc cầm dao gây sát thương.
Sau một thời gian làm việc với cả 2 bên, vì chưa có hậu quả xấu xảy ra nên Công an huyện An Dương đã tổ chức hòa giải giữa anh Đ và K.. Cả 2 bên đã nhận ra những việc làm sai trái của mình từ hơn 20 năm trước và thống nhất làm lành.
Luật sư Ngô Văn Thắng – Trưởng văn phòng luật sư Đức Thuận (Đoàn Luật sư TP.Hải Phòng) cho biết, trong trường hợp này, cơ quan công an giải quyết sự việc theo phương án hòa giải là hợp tình hợp lý. Bởi lẽ, sự việc chưa gây nên hậu quả gì, và các yếu tố cấu thành tội phạm gồm: Khách thể của tội phạm, khách quan của tội phạm, chủ quan của tội phạm, chủ thể của tội phạm cũng chưa được thể hiện rõ.
Mặt khác, luật sư Thắng cũng cho hay, nếu truy xét các đối tượng vào việc tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được quy định tại Điều 19 Bộ luật Hình sự thì: Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản.
Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm; nếu hành vi thực tế đã thực hiện có đủ yếu tố cấu thành của một tội khác, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.
“Cũng theo Bộ luật Hình sự về tội cố ý gây thương tích được quy định ở Khoản 1 Điều 134, nếu đã có đủ tất cả các yếu tố cấu thành về tội phạm hình sự, hậu quả cũng đã xảy ra nhưng bị hại rút đơn thì vẫn có thể đình chỉ vụ án”, luật sư Thắng nói.