Người dân bản dịa cho biết, thời gian gần đây, khi Lao Bảo (Quảng Trị), Cầu Treo (Hà Tĩnh) trở thành Khu kinh tế, công tác kiểm hóa thắt chặt thì Cha Lo (Quảng Bình) trở thành cửa khẩu thông thương hàng lậu
Hàng dãy xe chen chúc nhau chờ làm thủ tục
Chỉ trong một thời gian rất ngắn, Phòng PC46 Công an tỉnh và Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh đã bắt giữ 3 vụ vận chuyển gỗ và động vật hoang dã trái phép. Điều đáng nói ở đây là tất cả các chủ hàng đều khai nhận, họ đã được sự tiếp tay của một số cán bộ hải quan, biên phòng ở Cửa khẩu Cha Lo.
Một ngày tháng 3/2011, chúng tôi ngược những đoàn xe chở hàng lậu để lên Cha Lo. Khí lạnh cuối mùa trút những cơn gió buốt chân tay. Những cơn mưa rừng bất chợt cũng không thể làm giảm đi sự nhộn nhịp của những chuyến hàng xuất nhập ở Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo.
Cha Lo không thoáng đẹp hay tấp nập người qua lại như các cửa khẩu ở phía Bắc nhưng hàng hóa thì không hề thua kém.
Các phương tiện qua cửa khẩu chủ yếu là xe khách về TP Vinh (Nghệ An), TP Hà Tĩnh và TP Đồng Hới (Quảng Bình). Đầu giờ chiều mới là giờ cao điểm hàng lậu xâp nhập đất Việt.
Cứ thế lần lượt những chiếc xe tải hạng nặng nối đuôi nhau đổ về Việt Nam. Nếu lần đầu đặt chân đến “thánh địa” này thì không ai có thể biết được bên trong các thùng xe ấy chở những thứ gì.
Tất cả đều được phủ kín bằng những tấm bạt lớn, che khuất đến gần bánh xe. Sau khi vào khu vực kiểm hóa của cửa khấu, các chủ hàng và lái xe chỉ việc cầm cuốn sổ đi vào phòng thủ tục.
Trong vai những “con buôn” đi học hỏi “kinh nghiệm” thì các chủ hàng nơi đây hướng dẫn rất nhiệt tình, không do dự. Hầu hết, những chiếc xe tải che kín bạt là chở gỗ quý hiếm.
P., một tay buôn gỗ lâu năm cho biết: “Bây giờ giá cả đắt đỏ, hàng hóa ngày càng khan hiếm, làm nghề gỗ lạt chỉ có thể kiếm ăn được bằng cách thu mua tận nơi bên Lào thôi, giá mềm, gỗ lại đẹp, đặc biệt là gỗ quý còn nhiều như trắc, đinh hương, cẩm lai...”.
Gã tài xế người Diễn Châu tên N. phân trần: “Bên Lào, họ làm chặt chứ về Việt mình thì nhanh lắm, chỉ cần chịu khó quan hệ tốt là hàng về luôn trong ngày”.
Một người dân địa phương cho biết, hàng hóa chạy trên tuyến QL12A chủ yếu là gỗ quý, động vật hoang dã từ Lào về và một phần là hoa quả từ Thái Lan sang.
Các phương tiện vận chuyển gỗ quý tập trung đi theo từng đoàn và thường chạy về Việt Nam khi trời đã nhá nhem tối. Có ngày số lượng lên đến hàng chục xe nối đuôi nhau rời khỏi cửa khẩu và theo QL12A chạy về các điểm tập kết ở TP Vinh (Nghệ An), huyện Hương Khê (Hà Tĩnh)...
Chị Thái Thị N., một dân buôn ở thị trấn Phố Châu tâm sự rất thật thà: “Chỗ tôi chỉ cách Cửa khẩu Cầu Treo 50 cây số. Nhưng tôi chọn Cửa khẩu Cha Lo để xuất nhập hàng hóa vì bên đó họ thoáng hơn, dễ kiếm đồng tiền. Mà làm ăn cứ đường đường chính chính thì làm gì có thu nhập. Nói chung là các anh hải quan, biên phòng rất...linh động. Còn ở Cửa khẩu Cầu Treo, gần đây, họ làm chặt chẽ và nguyên tắc nên vẫn khó”. (Còn nữa).
Phan Hồng - Cương Ngọc