Có người từng nói với tôi rằng thành công của đời người được tính bằng những lần đứng dậy sau vấp ngã. Và nếu đó thực sự là thước đo của thành công thì chắc hẳn vị Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa phải là một trong những nhân vật “truyền cảm hứng” nhất cho độc giả thời gian gần đây vì sự “đứng dậy” một cách vô cùng “rực rỡ” sau vấp ngã của mình.
Vào khoảng cuối năm 2013, ông Lâm Anh Tuấn (lúc đó đang giữ chức vụ Giám đốc trung tâm Dạy nghề huyện Thường Xuân) cùng một số cán bộ huyện bị bắt quả tang khi đang “sát phạt” nhau trên chiếu bạc.
Đến giữa năm 2014, TAND huyện Thường Xuân tuyên án ông Lâm Anh Tuấn phạm tội đánh bạc theo bản án số 17/2014/HSST. Cũng trong bản án đó, TAND huyện Thường Xuân cho rằng: “Vụ án gây ảnh hưởng đến trật tự công cộng… cần ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn trên. Do vậy, phải xử lý nghiêm để giáo dục các bị cáo và nhằm mục đích răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung”. Mặc dù tuyên bố đanh thép, hùng hồn như vậy nhưng các bị cáo chỉ phải chịu hình phạt rất thấp: Phạt tiền từ 20 – 25 triệu đồng.
Bị “vấp” phải một “biến cố” lớn như vậy mà ông Tuấn không hề hấn gì. Sau phiên tòa, ông vẫn ngồi vững trên chiếc ghế Giám đốc trung tâm Dạy nghề. Vào cuối năm 2016, ông còn “đứng dậy” một cách “dứt khoát”, “mạnh mẽ” hơn, rũ bỏ mọi “bùn đen tội lỗi” của quá khứ để trở thành Trưởng phòng GD&ĐT huyện.
Nhiều người bức xúc với sự “đứng dậy” đó của ông. Người ta thắc mắc tại sao ông được “xử án” nhẹ như thế, tại sao “dính” án hình sự xong, ông vẫn ung dung tại vị, thậm chí còn được “cất nhắc” lên chức cao hơn? Người ta đổ dồn mọi bức xúc vào sự “thăng tiến thần kỳ” ấy.
Và sự bức xúc đó âu cũng hợp tình, hợp lý bởi theo Luật Công chức, viên chức, sau khi bản án có hiệu lực, đáng lẽ ông Tuấn phải bị xem xét cho thôi giữ chức vụ Giám đốc trung tâm Dạy nghề. Kéo theo đó, con đường quan lộ của ông cũng sẽ không “lên dốc” một cách dễ dàng như vậy.
Đành rằng trên đời ai cũng có lầm lỗi, và chúng ta cũng nên bao dung, cởi mở cho người ta cơ hội để sửa chữa sai lầm. Nhưng với đặc thù chuẩn mực của ngành giáo dục thì việc để một người đã từng vi phạm đạo đức nhà giáo được nắm giữ vị trí chủ chốt ngành của huyện liệu có hợp lý hay không?
Ngẫm mới thấy những cá nhân cần phải đưa ra khỏi biên chế ngành giáo dục là những cán bộ thiếu tư cách đạo đức, những người phớt lờ luật pháp để thăng tiến chứ không phải các thầy, cô giáo đang ngày đêm cống hiến cho sự nghiệp trồng người của mình.
Đúng là “canh bạc cuộc đời”. Có những kẻ “chơi bạc” thì mất trắng nhưng có những kẻ lại “một bước lên voi”.
Bảo Trang
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả