Dính bùa mê của... cố đá cổ

Dính bùa mê của... cố đá cổ

Thứ 4, 25/09/2013 18:02

Trải qua gần 20 năm xuôi ngược khắp nơi sưu tầm cối đá, Huỳnh Hữu Lộc đã sở hữu gần 4000 chiếc cối đá kích cỡ khác nhau, nó vẫn đang tăng lên từng ngày, với số lượng cối đá đó, anh xứng đáng với biệt danh "vua" cối đá.

Ông vua cối đá Việt

Người đàn ông tự nhận mình dính phải "bùa mê" của cối, đó là anh Huỳnh Hữu Lộc ngụ ở tổ 14, thôn Ngọc Hội, xã Vĩnh Ngọc, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Anh Lộc (SN 1978) trong một gia đình thuần nông, là con đầu trong gia đình có 9 anh chị em. Đối với những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở quê thì ký ức về chiếc cối đá là một phần không thể tách rời, với anh Lộc cũng vậy. "Ngày ấy ở làng, không nhà nào là không có cối xay, cối giã. Ngày mùa, có thể đập lúa bằng cối đá. Có nhà làm cối từ đời ông đến tận đời cháu chắt vẫn còn có thể sử dụng tốt",  anh Lộc chia sẻ.

Niềm đam mê với cối đá được khởi nguồn khi anh Lộc còn là một đứa trẻ, những câu hát "Cách mạng cần gạo nhiều để đánh Mỹ, Soc Bombo có sẵn cối chày đây, người Bombo có sẵn đôi tay, với tình yêu nước và thù giặc ngày ngày". Niềm đam mê ấy khiến anh có thể nói vanh vách hàng giờ về những chiếc cối mà không biết chán. Anh kể: "Trong làng quê Việt Nam xưa, chiếc cối đã có từ rất lâu, có lẽ đến hàng nghìn năm nhưng chưa ai có thể xác định được chính xác nó có từ khi nào. Chiếc cối trở thành một nét văn hóa, một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày khi nó gắn liền với nhiều sinh hoạt quan trọng trong đời sống của một gia đình ở nông thôn như xay gạo, giã gạo,... Chiếc cối cũng đi vào thơ ca: "Gạo đem vào giã bao đau đớn/Gạo giã xong rồi trắng tựa bông".

Xã hội - Dính bùa mê của... cố đá cổ

Anh Lộc bên những "đứa con tinh thần" của mình.

Về việc tại sao cối phải làm từ đá mà không phải từ chất liệu nào khác? Anh Lộc lý giải theo cách nghĩ của riêng mình: "Cối làm từ đá vừa có độ chắc cần thiết để xay xát, vừa sạch lại vừa có sẵn trong môi trường. Cối hoàn toàn có thể làm bằng những vật liệu khác như gỗ, xi măng, nhưng nếu nói về độ nặng để tạo ma sát khi xay  bột thì cối làm từ đá vẫn là tốt nhất". Ngày xưa, để có được một chiếc cối đá ưng ý cha ông ta thường chọn các loại đá xanh trên những đỉnh núi cao. Khi lựa được tảng đá ưng ý, họ chế tác cối ngay tại chỗ. Công mang vác và đục đẽo để một chiếc cối đá  thành hình và đưa vào sử dụng, có khi mất cả tháng trời. Về kích thước có ba loại: Cối lớn, cối vừa và cối nhỏ trọng lượng dao động từ khoảng vài chục cân đến cả tạ".

Cối được phân loại theo mục đích sử dụng: Cối xay (có hai thớt) và cối giã. Thuở xưa, cả hai loại cối đều có công dụng riêng trong việc chế biến lương thực. Thời nay, hình ảnh những chiếc cối đá gắn bó với gia đình người nông dân Việt Nam hàng nghìn năm chỉ còn trong tiềm thức, khi chúng được thay thế bằng những máy móc hiện đại. Ngày xưa trong các gia đình khá giả thường có cả hai chiếc cối xay và cối giã. Cối xay để tạo bột, làm bánh. Cối giã để giã thóc lấy gạo trắng. "Trong gia đình, người làm nên chiếc cối là đàn ông, còn người sử dụng chúng nhiều nhất là phụ nữ. Hai phần cối như hai mặt của một tờ giấy, thiếu một mặt thì không sử dụng được, chẳng khác nào vợ chồng keo sơn gắn bó", bác Nguyễn Minh (84 tuổi), một người tặng cối cho anh Lộc bộc bạch.

Bị tình nghi mua cối để... yểm bùa

Điểm đến hấp dẫn với những du khách quốc tế

Du khách nước ngoài đến đây không ai không khỏi ngỡ ngàng và ngạc nhiên về thứ gọi là... cối đá. Họ rất thích thú và tự tay xay thử, không quên đem theo thứ bột do mình xay để làm quà cho chuyến đi Nha Trang. Ông Peter Hank, một du khách người Anh chia sẻ: "Rõ ràng người Việt quá thông minh, tôi không hiểu sao họ lại có thể nghĩ ra cách chế tạo chiếc cối hay như thế. Chiếc cối vừa làm từ đá tự nhiên có sẵn, lại tính thực tế lớn trong sinh hoạt. Tuyệt vời quá!".

4000 chiếc cối trong bộ sưu tập của mình là 4000 câu chuyện khác nhau về niềm đam mê. Anh Lộc cho biết: "Bên trong mỗi chiếc cối đá đều có một câu chuyện riêng kể về cuộc đời của nó, cùng như sự hưng thịnh của gia chủ chiếc cối". Khi nghe được thông tin về những chiếc cối đẹp, đặc biệt anh đã không ngại gian khổ xa xôi, vượt hàng nghìn km. Dấu chân anh đã phủ kín khắp các tỉnh Tây Nguyên, đôi chân đó vẫn chưa dừng lại khi anh đang lên kế hoạch cho các chuyến Bắc tiến. Không ít lần anh gặp tình huống dở khóc dở cười. Trong một chuyến lên huyện miền núi Sông Hinh, tỉnh Phú Yên xe va vào đá ngầm trong lòng suối, phải cấp cứu tới hơn 200km, tình hình không biết phải thế nào. Lần khác xe hết xăng khi đang trên núi cao, sóng điện thoại lúc có lúc không, "thật là hiểm cảnh, ngoài sức tưởng tượng".

Dù ở đâu, việc sưu tầm cối đối với anh Lộc diễn ra không hề đơn giản. Anh Lộc chia sẻ: "Mỗi chiếc cối tôi mua với giá từ 250-500 ngàn đồng, tùy vào khối lượng và tính nguyên vẹn của cối”. Thế nhưng, cũng không ít gia đình từ chối bán hoặc tặng lại cối cho tôi, vì họ nghĩ tôi mua cối về để yểm bùa gia đình họ, có người lại nghĩ trong cối có vàng nên một mực từ chối tôi. Chỉ đến khi biết tôi mua về để sưu tầm giữ gìn văn hóa thì họ lại mang ra tặng chứ không lấy tiền". Trong trí nhớ anh Lộc vẫn còn in hằn câu chuyện về chiếc cối đá được làm từ năm 1916, của gia đình họ Nguyễn, tại xã Diên Sơn, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Hai chiếc cối ấy in hằn nhịp xay, giã của 5 thế hệ gia đình họ Nguyễn, tồn tại qua các cuộc chiến chống Pháp - Nhật - Mỹ của dân tộc. Có thể nói đó là hai chiếc cối lâu đời nhất trong bộ sưu tập của anh.

Xã hội - Dính bùa mê của... cố đá cổ (Hình 2).

Những chiếc cối mới.

Nhân chứng bất biến của lịch sử

Anh Lộc cho biết thêm: "Nhiều người ở gần chỗ tôi, cho cối và nhớ vị trí đặt để lần sau ghé chơi, còn biết đó là cối nhà mình. Thời xưa, có nhiều nhà cửa xây tạm bợ bằng tre nứa, nên dễ cháy lắm, có nhà cháy hết chỉ còn mỗi chiếc cối đá là không cháy, nên khi đưa cối cho tôi, nhiều người, họ tiếc lắm. Cối đá thường ít khi đổi chủ, có chăng cũng chỉ là gia truyền. Có thể nói mỗi chiếc cối là nhân chứng cho số phận của một gia tộc", anh Lộc còn nhớ một người đã bán cối cho anh nói vậy.  Trải qua bao cuộc bể dâu, những chiếc cối đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt. Ông Thanh, 68 tuổi, cũng đang sống tại Vĩnh Ngọc, Nha Trang chỉ tay vào một cối đá, thổ lộ: "Tôi tiếc lắm, cối này ba đời, nuôi nhà tôi ngày xưa đấy, giờ để không, thôi thì đưa vô đây để trưng bày".

Khi giải thích về nguyên nhân lựa chọn cối đá giữa muôn vàn thú chơi thời thượng, anh Lộc thổ lộ: "Số tiền để bỏ ra sưu tầm 4000 chiếc cối đá và trong tương lai sẽ còn nhiều hơn, thực ra không hề nhỏ, nó đã ngốn của tôi hàng tỷ đồng. Tôi hoàn toàn có thể chọn một món đồ khác để sưu tầm cho hợp thời nhưng tôi thích, tôi đam mê cối đá hơn và tôi lựa chọn nó".

4000 chiếc cối đá trong bộ sưu tập của anh cùng 5 căn nhà cổ được anh mua về vừa mới lắp ráp, phục dựng trên khu đất hơn 9000m2, khiến mọi người bước vào vô cùng ngạc nhiên như vừa lạc giữa bức tranh làng quê xưa bởi sự sắp xếp tạo hình khéo léo của chủ nhân không gian này, nó được nhiều du khách đến TP. Nha Trang chọn bởi "giữa cái thời này, ai còn sưu tầm cối đá?". Lạ hơn, ngoài việc phát triển hệ thống nhà hàng sinh thái, “4000 chiếc cối đá  sẽ là điểm nhấn của một bảo tàng mini về làng quê Việt”, anh Lộc tâm sự. 

Nguyễn Cường

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.