Đỉnh cao của võ thuật là thuốc

Đỉnh cao của võ thuật là thuốc

Thứ 5, 27/12/2012 23:45

Đối với thầy Huỳnh Ngọc Bình, võ thuật là nghề nhưng bắt bệnh bốc thuốc mới là nghiệp.

Biết nghề thuốc nhờ học lỏm

Võ sư Huỳnh Ngọc Bình sinh năm 1957 tại An Nhơn, Bình Định. Không chỉ nổi tiếng một vùng vì tài võ thuật ít ai sánh kịp ông, còn là một thầy thuốc giỏi được nhiều người yêu quý, nhất là trong việc đặc trị các chấn thương xương cốt. Tính đến nay, ông đã theo con đường trị bệnh cứu người theo phương pháp Đông y được hơn 20 năm.

Xã hội - Đỉnh cao của võ thuật là thuốc

Võ sư Bình bắt bệnh cho đại biểu tại Đại hội dưỡng sinh toàn quốc 2012

Võ sư Bình cho biết, ông đam mê y học cổ truyền từ nhỏ. Người thầy đầu tiên và cũng là người thầy cho đến giờ ông vẫn vô cùng kính trọng và biết ơn là cụ Đỗ Đấu - một lương y chuyên chữa bệnh theo phương pháp Đông y cổ truyền nổi tiếng khắp Bình Định thời bấy giờ. Ngày ấy, hai gia đình chỉ cách nhau bờ dậu và vị lương y nổi tiếng tài đức này vốn là bạn thân của ông nội võ sư Bình. Mặc dù đang tuổi mải chơi nhưng không như những trẻ nhỏ khác còn mải mê với đánh khăng, đánh đáo… mà Bình chỉ loanh quanh ở nhà chăm chỉ luyện tập những bài võ do ông nội truyền cho.

Ký ức trong ông Bình là những những buổi trưa không ngủ loanh quanh bên cụ Đỗ Đấu để nhổ tóc sâu cho cụ. Ông cho biết thêm, phương châm rèn luyện của võ thuật quan niệm: "Cho trẻ ngủ trưa quá nhiều sẽ sinh tính ì, chậm chạp ảnh hưởng đến quá trình rèn luyện và tiếp thu các môn võ thuật" nên đây chính là khoảng thời gian cậu bé Bình chứng kiến cụ Đỗ Đấu chính tay bào chế nhiều phương thuốc bí truyền từ các loại lá cây, dược thảo.

Ông Bình vẫn còn nhớ như in cảm giác háo hức khi được làm chân sai vặt của vị thầy thuốc nổi tiếng tài đức này và chính trong giai đoạn đó, cậu thấy vô cùng hứng thú với việc bào chế, đưa những cây lá, dược thảo quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày để biến thành những phương thuốc kỳ diệu chữa bách bệnh… Chứng kiến cụ Đỗ Đấu luôn tấp nập người đến thăm khám, Bình ngưỡng mộ vô cùng nên đành liều xin cụ cho theo học nghề. Dần dà cụ Đỗ Đấu cũng bị thuyết phục trước sự cần cù chịu khó học hỏi cũng như đam mê nghề nghiệp hiếm có của Bình nên đồng ý truyền dạy cho Bình những gì tinh túy nhất của nghề y.

Sinh trưởng trong một gia đình có các anh chị em ruột đều theo Tây y hiện đang là bác sỹ tại bệnh viện tỉnh và Bệnh viện huyện nơi quê nhà nhưng Bình lại chọn cho mình con đường đi theo Đông y cổ truyền. Nhớ về những ngày đầu hành nghề bốc thuốc trị bệnh, anh chị trong gia đình không ngớt la lối: "Đây là thời nào rồi mà mi còn giã lá ra chữa cho người ta" nhưng Bình không nản lòng mà vẫn quyết theo nghề đến cùng.

Thầy Bình vẫn còn nhớ kỷ niệm về một bên tai bị chú ruột là bác sỹ Huỳnh Ngọc Dương - Viện trưởng bệnh viện Bình Chấn xách tai khi cháu mình quyết đi theo nghiệp Đông y. Theo ông Bình, mỗi phương pháp có một cái hay riêng và việc cứu người không chỉ bằng thuốc mà còn bằng cả tâm và đức. Ông cảm thấy rất mãn nguyện tâm sự cho đến thời điểm này các anh chị em vốn theo Tây y không còn "dị ứng" với y học cổ truyền như trước nữa, thậm chí còn chủ động kết hợp hài hòa giữa y học cổ truyền và hiện đại để áp dụng cho từng bệnh nhân.

Năm 1983, ông đã làm trưởng khoa Đông y Bệnh viện Quy Nhơn nhưng khát vọng được đi đây đi đó chữa bệnh cho mọi người đã thôi thúc anh không ngồi yên một chỗ được. Thầy Bình nổi tiếng khắp đất Bình Định là một vị thầy thuốc vừa có tài vừa có đức. Bởi ông luôn đặt phương châm "cứu người là quan trọng hàng đầu" nên thầy thường chữa bệnh từ thiện, đặc biệt những bệnh nhân nghèo không có điều kiện kinh tế, thầy còn lặn lội đến tận nơi để bắt bệnh kê đơn.

Cho đến SeaGame 22 diễn ra năm 1993, ông được mời ra Hà Nội làm trọng tài thi đấu môn võ thuật. Đã từng nghe tiếng về ông với tài chữa các bệnh về cơ xương khớp nổi tiếng từ trong Bình Định, ông được một số đồng hương Bình Định đang là quan chức trong ngành thể thao ngoài Hà Nội mời về nhà chữa bệnh. Cứ thế, người nọ mách người kia khiến nhiều người biết đến tài bốc thuốc đoán bệnh như một nghiệp thứ hai của Huỳnh Ngọc Bình. Cho đến nay, ông đã trụ ở Hà Nội được 11 năm và được nhiều người biết đến với nhiều phương thuốc hiệu quả.

Xã hội - Đỉnh cao của võ thuật là thuốc (Hình 2).

Võ sư Huỳnh Ngọc Bình đang biểu diễn tại Đại hội dưỡng sinh toàn quốc 2012

Võ hay đạo cũng là một

Là một người thầy truyền võ nên đồng thời phải có những bài thuốc để cứu học trò của mình trong những trường hợp bị chấn thương. Võ sư Bình cho biết, qua quá trình luyện tập võ thuật, người thầy thuốc sẽ có lợi thế hơn người ngoại đạo bởi nắm rõ được từng được yếu huyệt, cấu trúc cơ xương… để chữa trị. "Có những huyệt dùng tay đánh vào sẽ gây tụ máu trong gan. Đó gọi là những đòn hiểm, đánh nhẹ mà hóa nặng. Có những cú chấn thương do đối phương điểm đúng huyệt kim tiền mà bên ngoài không hề thấy để lại dấu vết nhưng cứ nuốt nước miếng lại đau… đó là do bị chấn thương đúng giờ độc, đúng huyệt đạo" - thầy Bình cho biết.

Chính vì thế những thầy thuốc giỏi là những người chỉ cần nhìn qua có thể đoán được mức độ thâm hiểm của miếng đòn. Bởi có những thế võ không chủ về bầm dập da thịt bên ngoài nhưng lại vô cùng lợi hại vì đánh đúng vào huyệt đạo gây tổn thương bên trong mà mắt thường không nhìn thấy. Thậm chí, thầy Bình con vận dụng kết hợp thuyết âm dương ngũ hành, bấm giờ người bị chấn thương vào những huyệt đạo nào để từ đó có kế sách trị bệnh hiệu quả. Có những vết thương do vật sắc nhọn cắt vào da thịt chảy máu nhưng nếu vừa mới xảy ra hoặc không rơi vào giờ xấu thì chỉ cần rửa nước muối xung quanh miệng vết thương rồi bó lại, vết thương sẽ rất mau kín miệng mà không cần bất kỳ một tác nhân nào của thuốc.

Bên cạnh đó, nắm rõ được các huyệt đạo, người thầy thuốc sẽ có những bài "phối huyệt thành phương" khá hiệu quả. Thầy cho biết, tùy vào mức độ nghiêm trọng của từng vết thương mà có kế sách đặc trị riêng. Với những chấn thương nhẹ, chỉ cần dùng thuốc tại chỗ như dùng rượu Tam hoàng tán để xoa, đắp, hoặc dùng bài thuốc có các thành phần gồm Can khương, Địa liền, Thiên niên, Nhũ hương kết hợp thêm một số dược thảo có tính nóng rồi tán bột, cho 500ml rượu ngâm 3 - 5 ngày, làm rượu đắp hoặc bôi ngoài. Nếu chấn thương nặng cần phải dùng đến những bài thuốc uống trong như có thể dùng bài Sinh cơ thang, Tứ vật thang gia giảm, hoặc kết hợp các thành phần: Tục đoạn, Khoan cân đằng, Cốt toái bổ, Xuyên khung , Đương quy, Xích thược , Thục địa…. sắc uống.

Với võ sư Huỳnh Ngọc Bình, việc tu dưỡng và truyền bá hai môn võ thuật và chữa bệnh cứu người phải luôn song hành bởi phương châm tự ngàn đời của con nhà võ là "Đỉnh cao của võ thuật là thuốc". Nhiều võ sinh cũng được ông truyền lại các thuật chữa thương từ cơ bản cho đến chuyên sâu thắc mắc: "Tại sao thầy vừa dạy cách đánh người lại vừa chỉ cách cứu người?". Ông chỉ trả lời ngắn gọn: "Võ hay đạo cũng là một" để các môn sinh tự chiêm nghiệm ý nghĩa sâu xa khi quyết định theo nghiệp võ thuật.

(còn nữa)

Tuệ Linh


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.