Không có gì là không thể làm được khi chúng ta thực sự cố gắng. Điều này hoàn toàn đúng nếu soi vào võ học. Nhưng để đạt được những thứ gọi là "tuyệt đỉnh" trong giới võ học thì cần một quá trình khổ luyện rất công phu và kiên trì.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Giáo sư, Viện sĩ, võ sư Lương Ngọc Huỳnh, người nổi danh là “kỳ nhân đuổi mưa” cho hay, khí công là bộ môn tập luyện trong hệ thống võ thuật. Mục đích của luyện khí công là dùng phương pháp hít thở làm cho cơ thể thích ứng với mọi điều kiện tự nhiên, kể cả là điều kiện khắc nghiệt nhất.
Cho nên, nó sinh ra các phương pháp tập giúp người luyện khí công có thể chịu lạnh và nóng rất tốt. Luyện khí công đạt có thể ngồi thiền trong băng tuyết phủ kín lên người, hoặc chịu nóng rất giỏi, thò tay vào chảo mỡ đang sôi khua khoắng, nhặt đồ ăn mà không làm sao.
"Nói gọn lại, luyện đạt khí công có thể giúp con người có những khả năng đặc biệt. Bỏ công sức ra để luyện khí thì được gọi là khí công”, võ sư Huỳnh cho hay. Cũng theo Giáo sư, Viện sĩ Lương Ngọc Huỳnh, phương pháp tập yoga hay thiền đều là một dạng của khí công. Nhiều người lầm tưởng yoga, thiền và khí công là khác nhau nhưng trong thiền có khí công, trong yoga có khí công. Điều đó cũng có nghĩa, tất cả yoga và thiền nằm trong hệ thống khí công.
Mục đích của người tập khí công là làm sao thích ứng được với mọi điều kiện của thời tiết, nâng cao khả năng đề kháng, hỗ trợ lưu thông khí huyết trong cơ thể, giúp tất cả các tạng phủ hoạt động ổn định, tâm trí có thể điều chỉnh được các thần kinh ngoại biên. Người nào luyện tập giỏi thậm chí có thể điều khiển thần kinh thực vật.
“Thực tế, thần kinh thực vật là cực kỳ khó điều khiển, nhưng vẫn có thể làm được. Ví dụ như bản thân tôi có thể làm cho nhịp tim hạ thấp, huyết áp không thể đo được, đấy chính là điều khiển thần kinh thực vật. Điều này là trái ngược lại hoàn toàn với ý kiến của y học phương Tây “thần kinh thực vật không thể điều khiển được”. Nhưng trên thực tế, tôi đã điều khiển được nó, chứng tỏ đây là việc có thể làm được. Chẳng qua con người chưa đạt được đến trình độ cao để luyện tập đạt điều đó mà thôi.
Thêm nữa, trong khí công, có thể đưa thần thức của mình ra bên ngoài vũ trụ và cảm nhận được mọi thông linh (nghĩa là những linh giác, linh cảm, linh ứng), đưa thần thức vào cơ thể mình. Vì thế cho nên, những người có thời gian ngồi thiền bao giờ cũng giải quyết được 3 vấn đề: Trước hết là giảm được các trạng thái stress (căng thẳng) về tâm lý, làm cho tinh thần của mình thư thái, nhẹ nhàng; thứ hai là hiểu được nhiều ý nghĩa cuộc sống thông qua sự thông linh; thứ ba, hỗ trợ trong quá trình điều trị và chữa bệnh rất tốt”, võ sư Lương Ngọc Huỳnh cho biết.
Được biết, tập khí công là điều ai cũng có thể làm được, tuổi nào, đàn ông hay đàn bà đều tập được. Đáng chú ý hơn, trạng thái tập khí công có rất nhiều, đi, đứng, nằm, ngồi, chạy, bơi đều có thể tập, không phải chỉ ngồi mới được gọi là khí công như nhiều người vẫn lầm tưởng.
Qua phân tích của Giáo sư, Viện sĩ Lương Ngọc Huỳnh, tất cả các trạng thái này gọi là phương pháp điều tức nhịp thở, làm sao cho phù hợp với nhu cầu hấp thụ năng lượng cơ thể, trong đó, nhu cầu hấp thụ ô-xy là quan trọng nhất. Ví dụ khi chạy, máu cần tăng lượng ô-xy lên, con người phải thở nhanh.
Nhưng trong quá trình chạy có thể điều tiết khí công, tức là không tạo ra sự thở hồng hộc. Khi chạy mà kết hợp tập khí công, sức bền sẽ tăng lên, không bị mệt nhanh. Hoặc ví dụ khi leo núi, bước đi theo nhịp thở, bước lên hít vào, dừng chân thở ra, như vậy leo được bền và không bị mệt. Còn xuống núi cũng làm tương tự, bước chân xuống thở ra, dừng lại hít vào. Khác hẳn với người không luyện khí công, bước đi hùng hổ 10-15 phút lại ngồi thở dốc, mặt tái mét.
Trong nhà phật thường có cách nói hành thiền (đi cũng thiền), tọa thiền (ngồi cũng thiền), ngọa thiền (nằm cũng thiền), trụ thiền (đứng cũng thiền)… thì ở khí công cũng như vậy. “Việc đầu tiên, một người muốn tập khí công đừng bao giờ nghĩ phải cố gắng để mở luân xa hay đạt được điều gì đấy ghê gớm mà đơn giản là hít vào từ từ, “no đến tận ngón chân cái” (cảm giác được khí của mình đẩy đến tận ngón chân cái), thở ra từ từ hết hơi, cảm giác “đói đến tận ngọn tóc”.
Dân tập khí công có thể nói là rất nghiền (nghiện) câu “no tận ngón chân cái, đói tận ngọn tóc”, bởi đây là biểu hiện của hai trạng thái hít vào và thở ra (tương đương với no khí và đói khí). Người bình thường đọc thấy hay hay, lạ lạ thì thích, nhưng dân tập khí công thích vì đây là một trong những trạng thái tuyệt vời nhất của khí công”, võ sư Lương Ngọc Huỳnh nhấn mạnh.
Võ sư Huỳnh giải thích thêm, thông thường, khi hít vào sẽ phình bụng ra, thở ra là hóp bụng lại. Còn với người luyện khí công, hít vào các đường gân và đường kinh mạch chứ không phải hít vào bụng. Cho nên, việc luyện khí công không liên quan đến cái bụng phình ra hay hóp vào.
Khi hít vào, người luyện khí công có thể cảm nhận được năng lượng ấy, dòng khí ấy đi vào cơ thể, thấm vào từng thớ thịt, kinh mạch, xuống tận ngón chân cái, hoàn toàn không phải là trạng thái hít vào phình bụng rồi thở ra mũi là hết như một người bình thường.
Khi thở ra, người luyện khí công cảm thấy đói đến tận ngọn tóc, có nghĩa là đưa các nội khí từ dưới chân, từ tất cả kinh mạch trong cơ thể dồn hết lên trên và cảm nhận được nó ra từ các lỗ chân lông, ngọn tóc và phóng ra bên ngoài vũ trụ.
“Đạt được như vậy là trạng thái tuyệt vời và chứng tỏ một người đã luyện đúng phương pháp tập khí công. Còn tất cả các biện pháp tập chỉ biết hít vào bụng phình ra, thở ra bụng hóp lại chỉ gọi là hít thở thông thường, không phải khí công”, võ sư Huỳnh nhấn mạnh.
“Khí công là phải quán (tức quán tưởng bằng ý của mình), niệm (tức ý niệm của mình, muốn làm gì), gọi là quán tưởng, quán niệm, tập bằng tâm thức. Tập bằng tâm thức tức là thần thức của mình khởi từ tâm, cảm nhận tất cả những cái bên ngoài tác động bằng thông linh, là linh cảm của mình thông suốt, giao cảm được với các trạng thái bên ngoài”, võ sư Huỳnh nói thêm.
“Quá trình tập khí công ra sao, hít thở bao nhiêu giây, nín bao nhiêu giây, bụng, tư thế ngồi… thế nào, cần có những chuyên gia, võ sư với thời gian tập luyện lâu năm, đã đạt những thành tích nhất định, được xã hội công nhận, hướng dẫn, không tập khí công tùy tiện, gây hậu quả khó lường”, Giáo sư, Viện sĩ, võ sư Lương Ngọc Huỳnh nói.