Không đáp ứng các điều kiện hoạt động
Sau phản ánh của Người Đưa Tin liên quan đến Phòng khám Đa khoa Đại Lộ Bình Dương có dấu hiệu “vẽ bệnh, moi tiền”, mới đây ông Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã ký Quyết định số 2263/QĐ-SYT về việc đình chỉ hoạt động chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đối với Phòng khám Đa khoa Đại Lộ Bình Dương.
Phòng khám trên thuộc Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa Đại Lộ Bình Dương (địa chỉ: 54, Đại lộ Bình Dương, khu phố Bình Hòa, phường Lái Thiêu, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương) hoạt động theo giấy phép số 01198, do Sở Y tế tỉnh Bình Dương cấp ngày 24/5/2021.
Người phụ trách chuyên môn kỹ thuật là ông Trần Văn Nghĩa, Chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh số 000184 do Sở Y tế Tp.HCM cấp ngày 23/4/2012.
Quyết định nêu rõ, lý do đình chỉ Phòng khám Đa khoa Đại Lộ Bình Dương vì không đáp ứng các điều kiện hoạt động với hình thức là Phòng khám Đa khoa được quy định tại mục 1, Điều 25, chương III, Nghị định 109/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 của Chính phủ quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và mục 1, khoản 7, Điều 11, chương V, Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế.
Đồng thời, Phòng khám Đa khoa Đại Lộ Bình Dương thuộc Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa Đại Lộ Bình Dương và các cá nhân có liên quan không được hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ ngày 31/12/2023 dưới bất kỳ hình thức nào và chỉ được tiếp tục hành nghề khi cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Trước đó, Người Đưa Tin đã có bài phản ánh "Làm rõ thông tin Phòng khám Đa khoa Đại Lộ Bình Dương có dấu hiệu “vẽ bệnh, moi tiền”".
Người liên quan đến vụ việc là chị P.T.T., 32 tuổi, ngụ ở thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Theo đơn phản ánh, chị T. cho biết, ngày 12/10, chị đến Phòng khám Đa khoa Đại lộ Bình Dương để phá thai 21 tuần tuổi do hoàn cảnh gia đình. Sau khi được tư vấn và lựa chọn của chị T. là gói phá thai 21,9 triệu đồng.
Đồng thời, bác sĩ của phòng khám là Nguyễn Thị Nga khẳng định, việc bỏ thai sẽ hoàn tất trong thời gian từ 2 đến 3 ngày. Tuy nhiên, 6 ngày sau khi chị T. được bác sĩ tiêm và truyền thuốc, thai vẫn chưa lưu.
Đến ngày 20/10, chị T. được bác sĩ Nga sử dụng ống tiêm với cây kim dài để bơm thuốc trực tiếp vào cuống rốn nhằm thúc đẩy quá trình thai lưu.
Chị T. cho biết: “Mũi tiêm thứ nhất bị lệch khiến tôi vô cùng đau đớn, thuốc phụt hết ra ngoài. Do quá đau, tôi đề nghị để người khác thực hiện nhưng bác sĩ Nga nói “chỉ có mình bác làm”. Sau đó, bác sĩ tiếp tục sử dụng cây kim dài, tiêm mũi thứ hai vào vùng bụng của tôi”.
Tuy nhiên, khi đang trong giai đoạn sắp thực hiện xong thì bác sĩ tiếp tục tư vấn chọn gói phá thai khác cao tiền hơn (là phương pháp không đau), tốt cho sức khỏe, bác sĩ có sự đốc thúc. Lúc này, chị T. vì sức khỏe nên đã gọi điện cho người nhà vay tiền gấp để đóng tiền cho phòng khám.
Từ số tiền thỏa thuận theo gói dịch vụ ban đầu là 21,9 triệu đồng, theo thông tin từ bệnh nhân, khi hoàn tất việc phá thai chị đã phải đóng cho phòng khám gần 45 triệu đồng.
Sau khi ổn định sức khỏe, bệnh nhân trở lại phòng khám xin các giấy tờ liên quan đến việc khám chữa bệnh để đi làm thủ tục hưởng bảo hiểm, nhưng không được phòng khám cung cấp.
Sau đó, chị T. làm đơn đề nghị cơ quan chức năng tiếp nhận đơn và làm rõ hành vi "vẽ bệnh, moi tiền" của Phòng khám Đa khoa Đại lộ Bình Dương.
Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm
Trao đổi với PV dưới góc độ pháp luật, Luật sư Nguyễn Văn Tín (Đoàn Luật sư Tp.HCM) cho biết, trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh phải được cơ quan chức năng cấp phép, người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh phải đảm bảo đạt về trình độ chuyên môn, chứng chỉ hành nghề theo quy định pháp luật.
Trong trường hợp vi phạm, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm có thể xem xét xử lý về hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo luật sư Tín, trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động nhưng thực hiện một số hoạt động khám bệnh, chữa bệnh là hành vi vi phạm pháp luật.
Cụ thể theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 quy định một trong những hành vi bị cấm là cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động.
Với hành vi này, mức xử phạt “Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng (theo quy định tại điểm a khoản 6 Điều 39 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế), cơ sở vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời hạn từ 12 tháng đến 24 tháng đối với hành vi vi phạm trên (theo quy định tại điểm c khoản 7 Điều 39 Nghị định 117/2020/NĐ-CP).
“Hoặc trường hợp “cơ sở khám, chữa bệnh cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh” thì mức phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng (theo quy định tại điểm b khoản 6 Điều 39 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định).
Bên cạnh đó, có thể áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là “Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ 02 tháng đến 04 tháng” (theo quy định tại điểm b khoản 9 Điều 2 Nghị đinh 124/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 117/2020/NĐ-CP)”, Luật sự Tín khẳng định.
Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (khoản 5 Điều 4 Nghị định 117/2020/NĐ-CP).
Trường hợp, vi phạm quy định về hành nghề và sử dụng chứng chỉ hành nghề của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, theo đó: “Khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, trừ trường hợp cấp cứu và trường hợp thực hiện thêm các kỹ thuật chuyên môn đã được cho phép theo quy định của pháp luật” thì mức phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng (theo quy định tại điểm c khoản 7 Điều 38 Nghị định 117/2020/NĐ-CP).
Bên cạnh đó, người bị vi phạm có thể áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là “Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ 22 tháng đến 24 tháng”; biện pháp khắc phục hậu quả là “Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm (nếu có)” (quy định tại khoản 8, 9 Điều 38 Nghị định 117/2020/NĐ-CP).
“Chủ cơ sở khám chữa bệnh mà vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, thì tuy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội thì có thể bị xem xét xử lý hình sự về các tội danh tương ứng được quy định tại Bộ luật Hình sự.
Cụ thể: “Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” theo Điều 315 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), với khung hình phạt tù từ 1 năm đến 15 năm; Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Hoặc “Tội phá thai trái phép” theo quy định tại Điều 316 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), với khung hình phạt từ từ 1 năm đến 15 năm; Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”, Luật sư Tín cho biết thêm.