Như chúng tôi đã đưa tin, mới đây, ông Nguyễn Văn Linh, Phó Viện trưởng VKSND TP.Đà Nẵng đã ký Quyết định đình chỉ vụ án đối với Nguyễn Tấn Bình (41 tuổi) và Phan Thanh Trà (46 tuổi), cùng ngụ tại địa phương. Nguyên nhân được đưa ra là hành vi của 2 người này không cấu thành tội phạm.
Trước đó, 9/3/2017, cơ quan An ninh điều tra Công an TP.Đà Nẵng có quyết định khởi tố ông Bình và ông Trà về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau đó, cả 2 cùng bị bắt tạm giam.
Đến tháng 11/2017, ông Linh ký cáo trạng truy tố ông Bình và ông Trà về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo cáo trạng, từ tháng 8/2013 đến tháng 2/2014, ông Bình và ông Trà đã thông đồng thực hiện hành vi thi công lắp máy không đúng với hợp đồng đã ký. Hai người này thay đổi máy mới thành máy cũ, chiếm đoạt chênh lệch 430 triệu đồng của công ty Cổ phần Chef Meat Việt Nam.
Liên quan đến vụ án, ông Nguyễn Xuân Thắng, Phó Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Chef Meat Việt Nam, từng bị bắt giam nhưng sau đó được đình chỉ bị can và thả, do không đủ cơ sở kết luận có liên quan đến vụ án.
Luật sư Lê Cao, công ty Luật FDVN cho rằng, vụ việc này được xem là 1 trong những trường hợp người bị oan sai đã có được quyết định của cơ quan có thẩm quyền minh oan. Do vậy, ngoài việc họ được tự do, không bị đưa ra xét xử thì còn được cơ quan có lỗi trong việc gây ra oan sai phải xin lỗi, bồi thường các thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Theo khoản 2, Điều 26 luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) năm 2009, các ông Bình, ông Trà và cả ông Thắng đều là những trường hợp thuộc phạm vi mà cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải bồi thường theo luật.
Trong trường hợp này, cơ quan điều tra là đơn vị đã có các sai phạm khi đánh giá, định tội danh trước. Tuy nhiên, họ có quyết định khởi tố và có lệnh tạm giam thì cơ quan có thẩm quyền giám sát, phê duyệt lại là Viện kiểm sát.
Do đó, theo khoản 2 Điều 31 Luật TNBTCNN nêu trên, cơ quan có trách nhiệm phải bồi thường oan sai trong trường hợp này chính là cơ quan đã phê chuẩn lệnh tạm giam. Cơ quan có thẩm quyền là Viện kiểm sát đã phê chuẩn lệnh tạm giam đối với các nghi can lại là cơ quan có trách nhiệm phải bồi thường theo Luật BTTNCNN.
Theo luật sư, việc tạm giam để điều tra trong thời gian dài hơn 1 năm thì Viện kiểm sát không những phê chuẩn lệnh tạm giam mà còn phê chuẩn cả các quyết định về gia hạn tạm giam.
Về bản chất vụ việc, dù hiện nay cơ quan Viện kiểm sát đã ban hành quyết định bác bỏ việc khởi tố bị can, bác bỏ lệnh tạm giam của cơ quan điều tra nhưng đã quá muộn. Từ thực tiễn này cũng đặt ra vấn đề, nếu Viện kiểm sát trong một thời gian rất ngắn theo luật định (3 ngày), họ phải phê duyệt lệnh tạm giam với hồ sơ kèm theo mà không kịp nghiên cứu kỹ lưỡng để xem xét toàn diện mà phê chuẩn theo đề nghị của cơ quan điều tra, thì hậu quả bồi thường rất rủi ro lại bị đẩy về phía Viện kiểm sát.
Như vậy, dù là cơ quan ban đầu, có chuyên môn nghiệp vụ điều tra nhưng nếu quá trình điều tra, xác minh thông tin, đánh giá chứng cứ, nhận định về tính chất vụ án không chính xác thì rất dễ dẫn đến oan sai. Sau đó, là cơ quan giám sát, kiểm sát hoạt động tố tụng, nếu Viện kiểm sát không có hoạt động kiểm sát một cách độc lập và kiểm sát một cách sát sao vụ việc, thì câu chuyện dù có là lặp lại sai lầm từ phía cơ quan điều tra hay không đi nữa, họ chính là cơ quan rất có nguy cơ phải bồi thường oan sai. Thực tiễn cho thấy, cơ quan Viện kiểm sát trong trường hợp này phải có quyết định chuẩn xác rất nhanh, lại trong điều kiện nghiên cứu hồ sơ rất ngắn.
Do đó, muốn bớt oan sai phải là câu chuyện thực sự công tâm, minh bạch, trách nhiệm và chuẩn xác của cả quá trình điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan liên quan. Bất kỳ một kẽ hở nào, một sự không sát sao nào, một sai lệch nào cũng dễ dẫn đến các hậu quả khôn lường gây ra oan sai vô cùng đáng tiếc.
Về việc bồi thường, cơ quan có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại về tinh thần cho những ngày bị giam giữ, các thiệt hại do thu nhập thực tế của những người oan sai trong thời gian họ bị giam giữ, thiệt hại về tài sản khác đồng thời phải trả lại tài sản đã tịch thu, phải khôi phục danh dự cho người bị bắt giam bằng cách xin lỗi công khai, trực tiếp xin lỗi theo quy định của luật TNBTCNN.
“Trường hợp nếu không có các thỏa thuận bồi thường, người bị oan sai có thể khởi kiện ra tòa để buộc cơ quan có trách nhiệm bồi thường cho mình”, ông Lê Cao nói.