Số ca sốt xuất huyết tăng
Tính từ đầu năm đến nay, sốt xuất huyết đã gây ra những con số và thông tin đáng báo động trên cả nước về mức độ nguy hiểm và lan truyền của bệnh:
- Cả nước ghi nhận hơn 247.202 ca sốt xuất huyết , 100 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm trước, số ca nhiễm bệnh đã tăng đến 4,7 lần
- Tại Tp.HCM, số ca nặng tăng cao và khoảng 75% các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết là người lớn.
- Có đến 3 tuýp virus Dengue đang lưu hành trên địa bàn Hà Nội là tuýp D1; D2 và D4, thành phố ghi nhận số ca tăng gấp 3,8 lần so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2022 được xem là năm thứ 4 trong chu kỳ bùng phát dịch sốt xuất huyết . 2 năm vừa qua, các tin "nóng" và nỗi lo sợ về đại dịch Covid-19 đã làm chúng ta mất cảnh giác với các dấu hiệu cảnh báo bệnh sốt xuất huyết , càng làm mức độ lây lan thêm rộng dẫn đến gia tăng nguy cơ tử vong.
Ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc CDC Hà Nội dự báo, đỉnh dịch sốt xuất huyết có thể rơi vào trung tuần tháng 11. Do đó, trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm, cảnh báo, tư vấn điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh kịp thời. Đồng thời, trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã cần tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh sốt xuất huyết tại các cơ sở điều trị và tại cộng đồng để khoanh vùng, xử lý ổ dịch sớm nhất.
Trước diễn biến của dịch bệnh, các cơ quan y tế và chính quyền địa phương đã và đang nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch, nâng cao sự cảnh giác và kiến thức phòng chống của người dân.
Cụ thể, để hạn chế tối đa số ca tử vong trong thời gian tới, Sở Y tế Tp.HCM đã có quyết định áp dụng kinh nghiệm trong phòng chống dịch Covid-19 nhằm đối phó với dịch sốt xuất huyết . Sở Y tế đã có văn bản gửi tới các cơ sở y tế trên địa bàn về việc áp dụng mô hình tháp 3 tầng để điều trị các bệnh nhân sốt xuất huyết .
Cảnh giác với dịch sốt xuất huyết thời điểm giao mùa
Một người có thể bị nhiễm sốt xuất huyết nhiều lần: vì ở nước ta, hiện có 4 tuýp virus Dengue gây bệnh nên một người đã từng nhiễm bệnh có thể mắc đến 4 lần trong đời và lần 2 thường nặng hơn lần đầu.
Bệnh lây truyền qua muỗi đốt rất nguy hiểm, có thể gây tử vong nhưng hiện nay chưa có thuốc điều trị và vắc-xin dự phòng. Vì vậy, cách tốt nhất để phòng sốt xuất huyết là ngăn ngừa muỗi đốt.
Bệnh sốt xuất huyết có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn, bệnh thường khởi phát đột ngột và qua 3 giai đoạn: Giai đoạn sốt (1-2 ngày đầu tiên), giai đoạn nguy hiểm (ngày thứ 3 đến ngày thứ 7) và giai đoạn hồi phục. Gia đình cần theo dõi sát các triệu chứng của bệnh nhân để hỗ trợ kịp thời, đặc biệt trong giai đoạn nguy hiểm.
Năm nay, các ca bệnh nhân có tình trạng sốc sớm hơn, dễ tổn thương tạng nặng. Đối với trẻ em, bệnh dễ trở nặng ở các trẻ có cơ địa thừa cân, béo phì. Phụ huynh nên lưu ý đưa trẻ đến thăm khám sớm tại các cơ sở y tế nếu nghi ngờ sốt xuất huyết, đừng chần chừ sang ngày tiếp theo.
Trường hợp bệnh nhẹ, có thể chăm sóc tại nhà như sau:
- Hạ sốt với thuốc Paracetamol.
- Uống nhiều nước (nước sôi để nguội, nước Oresol, nước chanh, cam vắt).
- Ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu. Tránh thức ăn, uống có màu đen, đỏ, nâu (vì nếu ói mửa sẽ dễ nhầm lẫn là máu).
- Nghỉ ngơi, tránh hoạt động nhiều.
Tránh tuyệt đối:
- Dùng Aspirin hoặc Ibuprofen để hạ sốt.
- Cạo gió, kiêng cữ ăn uống.
Phòng tránh muỗi chính là phòng chống sốt xuất huyết.
Muỗi vằn có thể đốt và truyền virus Dengue cả ban ngày lẫn ban đêm, nhất là lúc sáng sớm và chiều tối. Vì thế nên thực hiện biện pháp phòng chống cho cả ngày dài chứ không chỉ vào buổi tối.
Bộ Y tế khuyến cáo phòng, chống sốt xuất huyết
Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế kêu gọi người dân mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt bọ gậy/lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng.
Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...
Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.
Ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.
Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
Trúc Chi (theo Sức khỏe & Đời sống, QĐND)