Định hướng nội dung ôn thi tốt nghiệp THPT

Định hướng nội dung ôn thi tốt nghiệp THPT

Thứ 3, 02/04/2013 08:24

Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013 sẽ diễn ra. Vụ giáo dục trung học - Bộ GD – ĐT vừa có công văn chỉ đạo các sở GD – ĐT việc tổ chức ôn tập cho học sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT.

Theo đó, Bộ GD-ĐT yêu cầu hiệu trưởng các trường THPT phải chỉ đạo các tổ chuyên môn, giáo viên đảm nhiệm môn thi tốt nghiệp phải sớm triển khai kế hoạch, nội dung ôn tập, biên tập hệ thống câu hỏi, bài tập phù hợp để hướng dẫn, gợi ý trả lời cho học sinh.

Cùng với việc ôn tập bám sát trình tự của chương trình - sách giáo khoa, các nhà trường, thầy cô giáo cần chú ý tổ chức ôn tập cho học sinh theo từng chủ đề. Nội dung kiến thức mỗi chủ đề có thể là kiến thức, kỹ năng của các chương, các bài khác nhau, có thể là tổng hợp kiến thức, kỹ năng của chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12...

Bên cạnh việc giúp học sinh hệ thống lại kiến thức, kỹ năng, các thầy cô giáo cần dành thời gian hướng dẫn học sinh biết cách phân tích đề thi, trình bày bài thi theo đặc thù từng môn thi, hình thức thi, cách phân bố thời gian hợp lý để giải quyết đề thi tương ứng với thời gian quy định cho mỗi môn thi. Đặc biệt, hướng dẫn các em học sinh trả lời câu hỏi trắc nghiệm để tránh bị trừ điểm do những lỗi kỹ thuật.

Bộ GD-ĐT không cho phép các cơ sở giáo dục gây sức ép đối với những học sinh yếu để buộc chuyển trường vào thời điểm này, trừ khi việc chuyển trường là nguyện vọng chính đáng của người học. Việc phụ đạo học sinh yếu là một trong những nhiệm vụ được thực hiện trong cả năm học và yêu cầu các nhà trường đặc biệt lưu tâm trong thời điểm học sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT.

Xã hội - Định hướng nội dung ôn thi tốt nghiệp THPT
Ảnh minh họa

Việc các trường thành lập nhóm, lớp riêng để phụ đạo học sinh yếu là giải pháp tốt, vì với các em học lực yếu, hổng kiến thức cần áp dụng phương pháp ôn tập khác. Các trường cần phải bố trí những giáo viên trình độ tốt nhất, có kinh nghiệm kèm cặp học sinh yếu để đảm nhiệm việc hướng dẫn ôn tập cho học sinh yếu trong thời điểm này.

Ngoài việc tổ chức ôn tập chung sáu môn thi, các trường có thể linh hoạt hướng dẫn học sinh tăng, giảm thời lượng ôn tập ở mỗi môn thi, tùy việc học sinh còn hổng kiến thức, yếu ở môn học nào. Trong giai đoạn nước rút, có thể có những học sinh chỉ tập trung ôn tập vài môn học còn yếu, giảm thời lượng với các môn đã nắm chắc chắn.

Bộ GD-ĐT không giới hạn nội dung ôn tập. Nội dung đề thi tốt nghiệp THPT nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Vì vậy, các nhà trường cần hướng dẫn học sinh ôn tập bám sát chương trình. Tài liệu ôn tập tốt nhất, đầy đủ nhất chính là sách giáo khoa. Các thầy cô giáo hướng dẫn học sinh trả lời câu hỏi của từng bài, từng chương để nắm kiến thức cơ bản, đồng thời hướng dẫn các em cách xâu chuỗi, tổng hợp kiến thức, cách vận dụng kiến thức để trả lời các câu hỏi. Vì đề thi có 50% điểm số dành cho những câu hỏi thông hiểu, vận dụng kiến thức. Các thầy cô giáo cũng chú ý chỉ dẫn học sinh lược bỏ những phần kiến thức đã được Bộ GD-ĐT giảm tải không đưa vào đề thi.

Bộ GD-ĐT không quy định bắt buộc học sinh phải mua và sử dụng tài liệu tham khảo nào. Vì vậy, cũng nghiêm cấm các nhà trường ép buộc học sinh mua tài liệu ôn tập dưới mọi hình thức. Các thầy cô giáo phải tư vấn cho học sinh và cha mẹ học sinh không mua và sử dụng quá nhiều tài liệu ôn tập, cũng không nên chạy theo các nội dung ôn tập nâng cao, vượt quá xa nội dung chương trình - sách giáo khoa khiến các em học sinh bị mệt mỏi, quá tải và ôn tập không tập trung vào phần kiến thức sẽ thi.

Không nên chờ đến lúc gần thi tốt nghiệp THPT mới “tăng tốc” ôn thi, học ngày học đêm, mà việc ôn tập phải tổ chức ngay trong quá trình dạy học. Các sở GD-ĐT cần chỉ đạo, kiểm tra các trường THPT hoàn thành chương trình lớp 12 THPT theo đúng kế hoạch, phù hợp với hướng dẫn khung kế hoạch thời gian năm học 2011-2012 và hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học của bộ, tuyệt đối không được cắt xén chương trình đã quy định. Việc giảm thời lượng một số môn học được cho là “môn phụ” là trái với chủ trương của bộ.

Về việc “thi thử” cũng có thể giúp nhà trường và giáo viên biết mức độ kiến thức, kỹ năng học sinh đã đạt được sau một thời gian ôn tập, đồng thời giúp học sinh làm quen với cách phân tích đề thi, cách làm bài thi và tâm lý thi cử. Tuy nhiên, nếu có chỉ nên tổ chức một lần, tránh gây tâm lý nặng nề, tốn kém thời gian và sức lực của giáo viên.

 N. An (tổng hợp)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.