Đại sứ Phạm Quang Vinh - nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, người đảm nhận cương vị Đại sứ Việt Nam tại Mỹ từ tháng 11/2014 - 6/2018 có những chia sẻ về dấu ấn 10 năm quan hệ Đối tác toàn diện Việt – Mỹ và kỳ vọng về việc mối quan hệ này sẽ sớm được định danh đúng với tầm vóc vừa toàn diện vừa chiến lược.
Chặng đường 10 năm sôi động
Người Đưa Tin (NĐT): Thưa Đại sứ, quan hệ Việt – Mỹ đã có một chặng đường phát triển hơn ¼ thập kỷ với nhiều dấu ấn đậm nét. Đặc biệt trong 10 năm trở thành đối tác toàn diện, quan hệ song phương đã đạt được những kết quả nổi bật trên nhiều lĩnh vực. Đại sứ đánh giá như thế nào về những bước tiến mà hai nước đã đạt được?
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Nhìn lại tổng thể 28 năm kể từ khi bình thường hóa quan hệ, thì 10 năm vừa qua trong khuôn khổ Đối tác toàn diện chính là giai đoạn quan hệ Việt – Mỹ phát triển mạnh mẽ nhất, toàn diện nhất, sâu sắc nhất.
Tốt nhất, xin chia sẻ ở đây những nhận định được nêu ra trong cuộc điện đàm giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày 29/3 năm nay, trong đó nhấn mạnh: Trong 10 năm vừa qua, quan hệ hai nước đã phát triển phát triển tích cực, toàn diện, đạt nhiều kết quả trên nhiều lĩnh vực, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân hai nước cũng như cộng đồng quốc tế và khu vực.
Đánh giá kỹ hơn về giai đoạn 10 năm tiêu biểu nhất của quan hệ Việt – Mỹ, tôi cho rằng cần nhấn mạnh một số điểm nổi bật.
Trước hết, việc ra được Tuyên bố chung và chính thức nâng cấp quan hệ thành Đối tác toàn diện vào năm 2013 chính là khung đầu tiên được thiết lập giữa hai nước kể từ khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1995. Đây chính là khuôn khổ để hai nước hợp tác lâu dài, ổn định, toàn diện trên tất cả các mặt.
10 năm vừa qua cũng chính là giai đoạn hai bên có tần suất các chuyến thăm viếng, trao đổi cấp cao dày đặc nhất. Trong đó, nổi bật là chuyến thăm lịch sử, chưa từng có tiền lệ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Mỹ và hai nước đã ra Tuyên bố về tầm nhìn chung Việt Nam - Hoa Kỳ vào tháng 7/2015. Những chuyến thăm và trao đổi cấp cao này có vai trò rất quan trọng, đã tạo cơ sở vững chắc về chính trị, củng cố sự tin cậy cũng như tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước.
Đặc biệt 10 năm qua, hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại giữa hai nước đã phát triển mạnh mẽ, trở thành trụ cột của mối quan hệ song phương. Nếu như năm 2013, kim ngạch thương mại song phương Việt - Mỹ mới chỉ đạt khoảng 30 tỷ USD thì năm 2022 đã đạt hơn 123 tỷ USD, tức tăng trưởng hơn 4 lần sau 10 năm. Kể cả những thời điểm tình hình thế giới khó khăn, suy thoái hay ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, trung bình tốc độ tăng trưởng về thương mại giữa hai nước vẫn đạt từ 17-19% mỗi năm.
Ðặc biệt, đến nay Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu duy nhất mà Việt Nam vượt mức 100 tỷ USD. Trong hơn 11 tỷ USD mà Việt Nam xuất siêu trong năm 2022 với tất cả các đối tác thương mại, thì chỉ riêng Mỹ đã chiếm tới 9,7 tỷ USD.
Bên cạnh đó, hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực khác như an ninh quốc phòng, giáo dục, du lịch, khoa học công nghệ… cũng có nhiều tiến triển mạnh mẽ. Việc hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh đạt nhiều kết quả ghi nhận. Hai bên cùng nhận thức tiếp cận là khép lại quá khứ, hướng đến tương lai, nhưng không quên quá khứ để hai bên cùng nhau hợp tác trên tinh thần nhân đạo, hỗ trợ phát triển. Ðây là điều rất quan trọng và trở thành điểm khác biệt của quan hệ Việt – Mỹ so với nhiều cặp quan hệ khác.
Ngoài ra, hai bên cũng hợp tác đối với nhiều vấn đề khu vực và quốc tế, đảm bảo xây dựng một khu vực hòa bình, ổn định và phát triển dựa trên luật pháp quốc tế.
Có thể nói, nhìn lại chặng đường 10 năm qua, quan hệ hai nước không chỉ phát triển mạnh mẽ và sâu rộng mà còn tạo đà tăng cường hợp tác trong tương lai.
Định danh đúng để tạo ra cơ hội mới
NĐT: Từ “độ chín” của quan hệ song phương trong 10 năm vừa qua, cơ hội nào đang đặt ra đối với quan hệ Việt – Mỹ, thưa Đại sứ?
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Nếu nhìn lại chặng đường quan hệ Việt - Mỹ nhất là 10 năm phát triển mạnh mẽ và sâu rộng vừa qua, tôi cho rằng quan hệ này vừa có cả tính toàn diện vừa có tầm chiến lược.
Kỷ niệm 10 năm Đối tác toàn diện chính là cơ hội tốt nhất để hai nước cùng ngồi lại để rà soát lại mối quan hệ và tính đến chuyện đặt một cái tên mới phù hợp với cả tính toàn diện và tính chiến lược của quan hệ Việt – Mỹ.
Trong hai năm trở lại đây, hai nước đã có một loạt những cuộc tiếp xúc cấp cao và các thấp hơn, bao gồm nhiều cuộc tiếp xúc bên lề cả tại khu vực và trên đất Mỹ. Hai nước đánh giá cao đà quan hệ và kết quả hợp tác song phương, đồng thời bày tỏ nguyện vọng làm sâu sắc hơn nữa, nâng quan hệ hai nước lên một tầm cao mới.
Do vậy, tôi nghĩ rằng để kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược Việt – Mỹ, cách thiết thực nhất chính là định danh cho đúng mối quan hệ này nhằm phản ánh được tính toàn diện và chiến lược của nó. Bên cạnh đó, cũng cần thảo luận, thống nhất về một lộ trình hợp tác phát triển cao hơn, sâu sắc hơn trong giai đoạn tới.
NĐT: Thưa Đại sứ, việc nâng cấp khuôn khổ quan hệ sẽ tác động như thế nào đến sự phát triển của quan hệ Việt – Mỹ cũng như không gian chính sách của mỗi nước?
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Đối với quan hệ Việt – Mỹ, định danh đúng chắc chắn sẽ vừa thể hiện chính sách đối ngoại của Việt Nam vừa tạo đà thuận lợi cho quan hệ hai nước. Điều này không chỉ là sự nhìn lại đà quan hệ vừa qua, mà còn định hướng cho hợp tác trên các mặt, bao gồm cả về quan hệ kinh tế hiện đang trước rất nhiều cơ hội mới. Cùng với đó, giữa hai nước sẽ tăng cường hơn nữa việc xây lòng tin và sự tin cậy chính trị, làm cơ sở cho quan hệ ổn định, lâu dài và vì lợi ích của cả hai nước.
Đối với Việt Nam, chúng ta có quan hệ đối tác toàn diện và chiến lược với 30 quốc gia, với 17 đối tác chiến lược, bao gồm cả một số đối tác trên tầm chiến lược. Trong khi đó, dù Mỹ là một cường quốc, là 1 trong 5 Ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, nằm trong top các đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam nhưng lại có khuôn khổ quan hệ vào hàng thấp nhất. Đó là điều rất đáng suy ngẫm. Đặc biệt, trong bối cảnh chúng ta tiếp tục kiên trì với chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, trong đó nhấn mạnh đến quan hệ với các nước lớn, thì việc tìm khuôn khổ mới cho quan hệ Việt – Mỹ càng trở nên cần thiết.
Khi quan hệ hai nước thật sự đã đạt đến ngưỡng nào đó thì việc định danh đúng sẽ góp phần phản ánh đúng chính sách đối ngoại và lợi ích của ta cũng như khả năng cân bằng quan hệ với các đối tác chủ chốt. Việc định danh đúng quan hệ, cũng giúp mở ra cho chúng ta nhiều không gian hơn trong hợp tác với Mỹ, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư.
Trong quan hệ quốc tế, những đối tác lớn, đối tác là trung tâm chính trị, kinh tế thế giới luôn có tác động hai chiều. Một là tạo ra không gian cho mình làm ăn, phát triển kinh tế nhiều hơn, nhưng đồng thời cũng tạo ra môi trường hòa bình, ổn định và nâng cao vị thế.
Đối với Mỹ, chính sách “xoay trục” với việc tiếp tục gắn kết với khu vực và coi trọng, tăng cường quan hệ với các đối tác vẫn là hướng đi tới đây của cường quốc này. Việc nâng cấp quan hệ với Việt Nam, sẽ giúp Mỹ tái khẳng định cam kết và lòng tin với khu vực này. Bên cạnh đó, trong quan hệ với Việt Nam, Mỹ cũng có nhiều lợi ích khác.
Chủ động nắm bắt cơ hội
NĐT: Có rất nhiều yếu tố thuận lợi để hai nước Việt – Mỹ nâng cấp quan hệ. Nhưng nếu để nêu ra một trở ngại nào đó đáng kể để cản trở quá trình này, thì đó là gì thưa Đại sứ?
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Trong quan hệ quốc tế, việc có những khác biệt giữa các quốc gia là khó tránh khỏi và cũng là điều bình thường. Bản thân quan hệ Việt – Mỹ cũng có những khác biệt như vậy. Điều quan trọng là càng ngày, song trùng lợi ích càng nhiều hơn, trong khi những khác biệt được thu hẹp và được quản trị trên nguyên tắc đối thoại, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau.
Còn với câu chuyện về cạnh tranh nước lớn, chúng ta đã khẳng định chính sách không chọn bên và hợp tác với các nước. Nói ngắn gọn là như vậy, nhưng thực ra, là đặt trong chủ trương chung, nhất quán của chúng ta. Việt Nam luôn khẳng định chính sách đối ngoại hoà bình, độc lập tự chủ, đa dạng hoá, đa phương hoá và làm bạn, đối tác tin cậy với các nước. Quan hệ với các nước luôn trên cơ sở lợi ích quốc gia, luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng lợi ích.
Như vậy, ở đây có hai câu chuyện, đó là nhận diện về quan hệ quốc tế và triển khai chính sách đối ngoại.
Khi các nước lớn cạnh tranh lẫn nhau, sẽ tạo ra những phức tạp nhưng cũng đan xen những cơ hội mới về hợp tác. Chẳng hạn, sẽ có thách thức về sức ép chọn bên hay cách nhìn nhận của các nước lớn về các mối quan hệ có liên quan. Nhưng vì cần khu vực, nên họ cũng đều coi trọng và gia tăng hợp tác với khu vực, với ASEAN. Châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực phát triển năng động và động lực tăng trưởng của thế giới.
Đơn cử như cách của ASEAN, mặc dù các nước lớn đều muốn tranh thủ ASEAN theo lợi ích của mình, nhưng ASEAN vẫn phát huy được sự tự chủ của mình, vừa chủ trương không chọn bên, trong khi vừa quan hệ tốt với các bên. Cụ thể như vừa qua, ASEAN đã quyết định nâng cấp lên đối tác chiến lược toàn diện với bốn nước, Australia, Trung Quốc, Mỹ và Ấn độ, mặc dù giữa các nước này có nhiều khác biệt và cạnh tranh nhau. Như vậy, không chọn bên không có nghĩa là đứng giữa, mà là không đi bên này chống bên kia và cái quan trọng nhất là quan hệ với các bên trên cơ sở các nguyên tắc và lợi ích đan xen, cùng có lợi.
Nhân đây, cũng xin nhấn mạnh lại nguyên tắc độc lập tự chủ, đi cùng với hội nhập và đa dạng hoá. Đó là ứng xử bằng thông qua lăng kính của lợi ích quốc gia.
NĐT: Thưa Đại sứ, vậy đâu sẽ là những lĩnh vực cần tập trung khai thác trong giai đoạn mới của quan hệ Việt – Mỹ?
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Trong giai đoạn tới, tôi cho rằng quan hệ hai nước sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, sâu rộng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực trong đó đặc biệt hợp tác kinh tế sẽ là đột phá và trọng tâm.
Trước hết đối với 9 lĩnh vực ưu tiên trong quan hệ Đối tác toàn diện tuy đã đạt kết quả tốt, nhưng trong từng lĩnh vực vẫn còn nhiều không gian để tăng cường hợp tác phát triển.
Bên cạnh đó, hai bên còn có thể mở ra những lĩnh vực hợp tác mới như hợp tác chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi sạch, bảo đảm chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng và các lĩnh vực mới như logistics. Hai bên còn có nhiều cơ hội tăng cường hợp tác giải quyết các thách thức an ninh phi truyền thống, an ninh nguồn nước, an ninh hàng hải…
Trong bối cảnh, Việt Nam hướng đến những khát vọng thịnh vượng vào giữa thế kỷ 21, quan hệ Việt – Mỹ có thể hướng đến những hợp tác nhằm hỗ trợ tăng hàm lượng tri thức, công nghệ và tính bền vững của nền kinh tế Việt Nam.
Trong thời khắc thế giới và khu vực có những chuyển đổi sâu sắc như hiện nay, chưa bao giờ lại có nhiều thách thức đến như vậy. Nhưng trong thách thức có cơ hội. Cơ hội và thách thức không đứng tách biệt nhau mà đan xen vào nhau. Sự đan xen đó diễn biến rất nhanh, do vậy cơ hội đến nhanh và đi cũng nhanh. Điều quan trọng là chúng ta phải đủ sức để tìm kiếm ra cơ hội trong những thách thức, có thể phòng thủ, thích ứng nhưng đừng chậm chễ mà không nắm bắt được cơ hội.
NĐT: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.
Ngày 29/8, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng thông báo:
Dự kiến, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sẽ thăm Việt Nam từ ngày 10-11/9/2023 theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Chúng tôi tin rằng các chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao hai nước sẽ làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, đưa quan hệ hai nước phát triển ổn định, thực chất và lâu dài trên tất cả các lĩnh vực, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực cũng như trên thế giới.