Theo Reuters, Bob Iger cho biết công ty giải trí lớn nhất thế giới đang cân nhắc không tiếp tục chọn bang Georgia làm nơi sản xuất các bộ phim của hãng.
Ông giải thích nhiều nhân viên của hãng sẽ phản đối đến đây làm việc nếu bộ luật được áp dụng. Họ sẽ tiến hành khảo sát ý kiến và đưa ra quyết định.
Georgia được xem là "vương quốc" sản xuất phim và các chương trình truyền hình. Năm 2018, tờ AJC thống kê ngành điện ảnh mang về hơn 2,7 tỷ USD (hơn 63.000 tỷ đồng) tiền thuế cho bang. Disney đóng góp không nhỏ vào khoản tiền này.
Trong quá khứ, Disney từng quay và sản xuất các "bom tấn" như Black Panther và hai phần gần nhất của Avengers tại đây.
Hiện có khoảng 92.000 công dân bang Georgia đang làm việc trong lĩnh vực điện ảnh. Năm 2018, có 455 dự án điện ảnh được sản xuất trong lãnh thổ bang này.
Ngày 7/5, chính quyền Georgia thông qua điều luật cấm phụ nữ phá thai nếu thai nhi được hơn 6 tuần tuổi. Điều luật dự kiến có hiệu lực từ tháng 1/2020.
Trước Georgia, chính quyền tại bảy bang khác của Mỹ đã ký thông qua điều luật này. Những người vi phạm có thể bị phạt tù từ 10 - 99 năm. Hiện chưa bang nào thực thi luật vì chưa tới thời điểm có hiệu lực hoặc bị thẩm phán liên bang phản đối.
Trước Disney, nhiều ngôi sao khác như ca sĩ John Legend, Barbra Streisand, Lady Gaga, diễn viên Chris Evans cũng phản đối.
Hôm 20/5, cựu Hoa hậu Mỹ Olivia Jordan đăng bức ảnh bán nude để kêu gọi chống lại đạo luật này.
Trước khi Thượng viện thông qua, dự luật cấm phá thai nêu trên đã được Hạ viện bang này bỏ phiếu phê duyệt.
Tại bang Alabama, dự luật sẽ được chuyển tới Thống đốc Kay Ivey ký thành luật. Thống đốc Ivey là thành viên đảng Cộng hòa và nhìn chung phản đối mạnh mẽ hành vi phá thai.
Nếu được thi hành, Alabama sẽ có luật cấm phá thai nghiêm khắc nhất nước Mỹ, cấm phá thai trong tất cả các giai đoạn của thai kỳ và không ngoại lệ với các trường hợp có thai do bị hãm hiếp hoặc loạn luân. Phụ nữ mang thai lựa chọn phá thai sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng người thực hiện hành vi phá thai sẽ bị coi là tội nghiêm trọng và bị phạt tù giam từ 10 đến 99 năm.
Liên minh Tự do Dân sự Mỹ và các nhóm nhân quyền khác đã lên tiếng phản đối luật cấm phá thai của bang Alabama và thề sẽ kiện luật này ra tòa.
Thượng nghị sĩ Dân chủ bang Alabama Linda Coleman-Madison đã gọi các đồng nghiệp đảng Cộng hòa là những người đạo đức giả khi ủng hộ chính phủ nhỏ, không can thiệp vào các vấn đề riêng tư, nhưng “bây giờ quý vị lại muốn đứa bé trong bụng tôi; tôi muốn quý vị tránh ra”.
Tổ chức Bác sĩ vì Sức khỏe Sinh sản nói rằng việc cấm phá thai gần như hoàn toàn sẽ có tác động tai hại tới vấn đề chăm sóc sức khỏe.
Bác sĩ Yashica Robinson, thành viên ban lãnh đạo của Tổ chức Bác sĩ vì Sức khỏe Sinh sản nói: "ZCác bác sĩ sẽ không sẵn sàng giúp các bệnh nhân cần giúp đỡ ngay cả khi việc tiếp tục mang thai sẽ gây hại cho sức khỏe bệnh nhân hoặc có khả năng gây tử vong, vì các bác sĩ lo sợ vi phạm hệ thống tư pháp hình sự".
NOW (Tổ chức Quốc gia vì Phụ nữ) phát đi tuyên bố cho hay: "Đây rõ ràng là nỗ lực để tăng cường hỗ trợ chính trị cho các ứng viên ủng hộ chống phá thai trong các cuộc bầu cử sắp tới và đây là mối đe dọa trực tiếp tới sức khỏe, quyền tự chủ và quyền mưu cầu hạnh phúc của phụ nữ".
Minh Anh