"Cơn sốt" gỗ hóa thạch một thời
Gỗ hóa thạch ở núi Chư A Thai (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) có niên đại hàng triệu năm. Xưa kia núi Chư A Thai là một cánh rừng nguyên sinh, Trong quá trình hoạt động địa chất, núi lửa phun trào dung nham nhấn chìm cả cánh rừng. Sau hàng triệu năm, những thân gỗ bị vùi lấp hình thành gỗ hóa thạch.
Vùng núi Chư A Thai được nhiều người biết đến như là "cái nôi" sản sinh ra những thân gỗ hóa thạch có kích thước khủng và chất liệu tốt nhất trên khắp các vùng miền.
Chính vì vậy, thời đỉnh điểm "cơn sốt" gỗ hóa thạch, các cư dân vùng chân núi chư A Thai kéo nhau ra các con suối, lên rừng săn lùng gỗ hóa thạch.
Các đại gia, con buôn từ khắp các nơi đổ về "thủ phủ" gỗ hóa thạch, săn lùng tuyệt tác bị chôn vùi hàng triệu năm trong lòng đất.
Cũng bởi trào lưu gỗ hóa thạch tạo nên cơn sốt trên thị trường, khiến giá cả mặt hàng này tăng vọt. Người người đến tìm đá, khiến vùng đất hẻo lánh Chư A Thai vốn tẻ nhạt vắng lặng, trở nên náo nhiệt.
Xuất phát từ trung tâm Tp.Pleiku, ngang qua cung đèo Chư Sê nhìn lên, là thấy núi Chư A Thai - "thủ phủ" gỗ hóa thạch hiện hữu.
Để tìm hiểu rõ hơn vùng đất chứa đựng những tuyệt tác bị chôn vùi hàng triệu năm trong lòng đất, đột nhiên "toả ánh hào quang", giúp cư dân vùng đất nghèo khó có thêm nguồn thu nhập, chúng tôi tìm gặp ông Bùi Đức Việt, Hạt Trưởng hạt Kiểm lâm huyện Phú Thiện.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Việt chia sẻ, "phủ thủ" gỗ hóa thạch nay đã là dĩ vãng. Theo ông Việt, giai đoạn năm 2010, trên thị trường đột nhiên xuất hiện" cơn sốt" gỗ hóa thạch, đã tạo nên làn sóng săn lùng gỗ hóa thạch trên diện trộng.
Ban đầu, một vài hộ dân vùng chân núi Chư A Thai trong lúc đi làm rẫy đào được một vài thân gỗ hóa thạch bán được giá cao. Tiếng lành đồn xa, vùng núi Chư A Thai sở hữu những thân gỗ hóa thạch khủng, chất liệu về mặt mỹ nghệ không nơi đâu bằng.
Chính vì vậy, các đại gia, dân chơi sành điệu khắp các vùng miền đổ về địa phương săn lùng, trả giá cao, khiến người người đổ xô đào bới, tìm kiếm. Có những người, tìm được cả thân gỗ cổ thụ hóa thạch bán được giá rất cao.
"Tuy nhiên, trào lưu này chỉ được khoảng vài tháng. Sau đó, không thấy đại gia, con buôn nào thu mua nữa, số lượng người tìm kiếm cũng không còn nhiều. Hiện tại, một số hộ dân người địa phương không có công việc làm, ra bờ ruộng, bờ suối đào gỗ về bán cho một số xưởng gia công đá mỹ nghệ trên địa bàn. Nhưng, giá cả thì không được như trước", ông Việt nói.
Hết thời kiếm tiền từ gỗ hóa thạch
Chia tay ông Việt, chúng tôi tìm đến một cơ sở chế tác đá mỹ nghệ tại huyện Phú Thiện. Trong khoảng sân nhỏ chất đầy gỗ hóa thạch với đủ các kính cỡ khác nhau. Tiếng máy mài cọ vào đá phát ra âm thanh chói tai.
Tưởng khách đến mua hàng, anh Đỗ Văn Ngọc hồ hởi đứng dậy dẫn chúng tôi tham quan một vòng quanh nhà, niềm nở giới thiệu những sản phẩm đã hoàn thiện được bày trong tủ kính.
Qua đôi tay khéo léo của anh, hàng trăm sản phẩm thạch mộc thô ráp trở nên bóng bẩy, sắc nét.
Anh Ngọc vui mừng chia sẻ, anh mới mua được của một người dân một thân gỗ hóa thạch vân cực kỳ đẹp, cùng lúc có nhiều màu ánh kim khác nhau, chỉ cần đục đẽo chút ít, rồi đánh bóng nữa là rất có giá trị.
Nói đến đây, anh Ngọc hơi chau mày nuối tiếc: " Nếu cục gỗ hóa thạch này mà ở thời đỉnh cao, chỉ bán thô không cần qua chế tác cũng phải cả trăm triệu đồng.
Thế nhưng, những năm gần đây ít người chơi mặt hàng này nên rất khó bán. Tại tiệm của tôi thường có khách, nhưng chỉ bán được những sản phẩm nhỏ khách mua về để bàn làm việc. Thỉnh thoảng cũng có những khách ở Đà Nẵng, Tp.HCM đặt hàng qua mạng, nhưng số lượng bán ra không được nhiều".
Anh Ngọc nhớ lại, thời hoàng kim gỗ hóa thạch làm ra không đủ bán. Trước đây, thương lái về tận chân núi Chư A Thai đón lõng người dân từ rừng trở về, thu mua hết.
"Thời đó, gỗ hóa thạch sốt tôi cũng lọ mọ vào rừng đào về bán. Mãi sau này, đào được nhiều nhưng thương lái không mua nữa, chất đầy nhà nên tôi mày mò tự học chế tác đá, bán lại cho những người có nhu cầu.
Hiện tại, một số người dân địa phương vẫn nhặt gỗ hóa thạch nhưng chỉ là những mẫu nhỏ. Tôi mua với giá 10 nghìn đồng/kg, chủ yếu dùng để chế tác vòng đeo tay, trang sức, mặt dây chuyền", anh Ngọc nói.
Trao đổi thêm với chúng tôi, ông Phạm Đắc Vịnh, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Chư A Thai cho biết: "Thời trước tôi cũng từng được nghe về cơn sốt gỗ hóa thạch tại khu vực núi Chư A Thai. Nhưng từ khi về đơn vị nhận công tác, tôi thấy không còn mấy người săn lùng gỗ hóa thạch nữa".
Cũng theo ông Vịnh, trước đó, làn sóng khai thác gỗ hóa thạch tràn lan khiến tài nguyên cạn kiệt dần. Mặt khác, nhằm ngăn chặn hành vi xâm hại rừng để khai thác gỗ hóa thạch, các ngành chức năng của huyện phối hợp với xã triển khai nhiều đợt truy quét và tuyên truyền, vận động.
Nhờ đó, thời gian gần đây không ghi nhận trường hợp khai thác gỗ hóa thạch tại khu vực núi Chư A Thai.