Nhắc đến Hà Trần, khán giả sẽ nghĩ ngay đến những ca khúc nổi tiếng như: "Em về tinh khôi", "Bình yên", "Đánh thức tầm xuân"… được thể hiện theo phong cách hiện đại và độc đáo. Vì vậy, nữ diva là lựa chọn tuyệt vời cho vị trí giám khảo khách mời trong tập 6 với chủ đề "Đêm nhạc huyền thoại Việt Nam".
Đây cũng là lần thứ hai chị ngồi ghế nóng cùng nghệ sĩ Thanh Bùi sau lần thứ nhất ở Vietnam Idol 2015.
Có mặt tại sân chơi "Thần đồng âm nhạc – Wonderkids", nữ diva diện đầm hoa trẻ trung và lúc nào cũng khe khẽ hát. Chị tươi cười với mọi người và không ngại ngần khoe rằng mình “sắp đón tuổi 40 yêu dấu”.
Trước mỗi phần trình diễn của các thí sinh, nữ diva đều tỏ ra rất hào hứng, bất ngờ. Và chị đã có những chia sẻ ở góc độ cá nhân về chương trình.
Chị cảm nhận thế nào khi cùng ngồi ghế giám khảo với bố mình-nhạc sĩ Trần Tiến trong chương trình này?
Rất sợ! Tôi rất sợ hãi vì không biết tôi sẽ tranh cãi với bố Trần Tiến đến mức nào (cười to). Nói đùa thôi chứ tôi rất vui khi cùng ngồi ghế nóng với bố trong chương trình này! (ca sĩ Trần Thu Hà gọi nhạc sĩ Trần Tiến là bố - PV).
Đây là lần thứ hai trong đời tôi làm giám khảo cùng bố Trần Tiến. Lần thứ nhất lâu lắm rồi, khoảng năm 2003, hai bố con làm giám khảo cho cuộc thi Sao Mai, đến nay đã 14 năm rồi, chúng tôi mới được ngồi chung bàn giám khảo lần nữa. Cả hai đều là những cuộc thi đặt nặng tính chuyên môn, nên tôi rất chờ đợi xem chúng tôi sẽ nhất trí hay bất đồng. (Cười).
Một thông điệp của "Thần đồng âm nhạc - Wonderkids" là thành công không đến qua một đêm mà cần trải qua sự khổ luyện và có sự hỗ trợ từ gia đình. Điều này có đúng với trường hợp của chị?
Tôi hoàn toàn đồng ý với thông điệp này của Wonderkids, vì tôi đúng là thế đấy. Con nhà nòi, gia đình nổi tiếng nhé. Ai cũng nghĩ đường nghệ thuật của tôi sẽ trải hoa hồng. Nhưng từ một chất giọng mỏng, hay hát phô và hình thức bình thường đến một danh ca là cả cuộc đời phấn đấu, lao động miệt mài.
Thực ra cũng chẳng có ai đặt áp lực cho tôi phải thành thế này thế nọ, mà chính tôi luôn mong muốn nhiều hơn, đòi hỏi nhiều hơn ở bản thân. Tôi cũng muốn đã theo nghề ca hát thì phải xứng đáng, rạng danh truyền thống gia đình. Tôi không muốn một sự nổi tiếng núp bóng những người lớn trong nhà.
Kể cả những bạn trẻ có năng khiếu và rất tài giỏi cũng cần quá trình, thời gian. Sự thành công đến nhanh chóng thì không lâu bền. Tất cả đều cần có thời gian để trau dồi, rèn luyện.
Với âm nhạc, năng khiếu vô cùng quan trọng, nhưng kể cả khi có tài năng xuất chúng, các bạn trẻ vẫn phải luyện tai nghe. Tai nghe có ảnh hưởng đến thẩm mỹ âm nhạc và sự tiếp thu kiến thức cũng như sáng tạo của các bạn sẽ được phát triển trên nền tảng chuẩn mực hơn.
Các tài năng xuất chúng có điều kiện thuận lợi hơn người không có tài năng. Tuy nhiên, tất cả mọi điều trong cuộc sống này muốn thành công đều cần quá trình rèn luyện, trau dồi, thử sức và cả sự thất bại cũng là kinh nghiệm quý. Đây là quan niệm của tôi về người nghệ sĩ có sự nghiệp lâu dài. Bản thân tôi đã từng thất bại, nhưng tôi không bỏ cuộc. Tôi vẫn tiếp tục có thành công mới là vì tôi kiên trì với niềm đam mê của mình.
Chị có nghĩ rằng mình rất may mắn khi được lớn lên trong một gia đình có truyền thống âm nhạc? Chị tự cảm thấy âm nhạc đã thay đổi mình như thế nào?
Được sinh ra trong gia đình toàn những người làm nghệ thuật, đặc biệt có thế mạnh trong âm nhạc đúng là một sự may mắn đối với tôi. Trong tất cả những chặng đường mình đi qua, tôi cũng nghĩ rằng, không hiểu làm thế nào tôi có thể vượt qua những khó khăn, thử thách. Nhìn lại, tôi thấy mình có một nền tảng gia đình vững chãi. Đó là sự vững chãi về tinh thần, kiến thức, niềm đam mê. Nhưng tôi hoàn toàn không dựa vào gia đình.
Truyền thống trong gia đình tôi là mọi người đều rất độc lập dù làm nghệ thuật, làm nghề giáo hay kinh doanh và tìm thành công từ chính lao động của bản thân. Tuy nhiên, ai cũng có thể dựa trên nền tảng kiến thức, kinh nghiệm của những người trong nhà.
Tôi thấy môi trường rất quan trọng với sự phát triển của trẻ em. Và quả là trong nhà có bố mẹ làm nhạc luôn kích hoạt, tạo cảm hứng rất lớn với con cái. Con gái của tôi, mới năm tuổi rưỡi thôi, còn rất nhỏ nhưng đã sáng tác được nhiều bài hát. Cháu hoàn toàn tự viết lời, tự viết nhạc, trong khi cháu chưa biết viết nốt nhạc, chưa biết viết chữ. Cháu thường tự đặt ra những bài hát có lời có nhạc rồi bố mẹ giúp ghi âm lại (cười).
Chị có định hướng cho con đi theo âm nhạc chuyên nghiệp?
Ở nhà, tôi không bắt ép con gái phải nghe nhạc hay làm gì cả. Tôi quan sát xem cháu thích gì và tôi tạo điều kiện cho cháu được làm điều đó. Nhưng chắc vì gen gia đình nên cháu rất thích ca hát nhảy múa. Từ nhỏ đã đòi mẹ cho đi học múa, đi học đàn piano… Tôi thấy rõ ràng, một đứa trẻ được phát triển tự nhiên, sẽ có cách tỏa sáng tài năng khác với trẻ em bị gò trong một phương thức giáo dục nào đấy.
Tuy nhiên, trong nhà tôi đã có hai đời làm nghệ thuật rồi, bố và chú tôi là thế hệ thứ nhất, thế hệ thứ hai là tôi và một số anh chị em trong gia đình. Đến đời con gái tôi thì nói thật, tôi không có ý muốn cháu tiếp tục theo ngành nhạc bởi nó vất vả lắm. Giá như con gái tôi chọn công việc gì đó mà không phải âm nhạc thì sẽ mới mẻ hơn.
Tôi sẽ có cơ hội được biết thêm nhiều điều trong cuộc sống tôi chưa được biết. Bởi cả nhà tôi có hai đời làm văn nghệ, nên có nhiều mảng khác tôi không được rành rẽ lắm (cười). Thế nhưng, con gái nhỏ của tôi một cách tự nhiên lại thích nhạc, thích múa và có vẻ bị cuốn vào đó. Tôi cũng đành để cháu tự do phát triển và hỗ trợ hết sức cho những gì con muốn, tạo điều kiện hết sức cho những gì con học.
"Thần Đồng Âm Nhạc - Wonderkids" là chương trình tôn vinh những tài năng nhí trong lĩnh vực âm nhạc cổ điển, bao gồm cả hát, múa ballet và chơi nhạc cụ như guitar, piano, violon với mục đích đưa âm nhạc cổ điển đến gần hơn với công chúng. Chị nghĩ sao về ý tưởng của chương trình?
Tôi thấy ý tưởng đưa âm nhạc cổ điển đến gần hơn với công chúng nói chung và trẻ em nói riêng của chương trình này rất hay, hay nói một cách khác các em được bắt đầu từ cái gốc, cái nôi kinh điển của âm nhạc.
Tôi thấy những người học nhạc chuyên nghiệp luôn có điểm bắt đầu từ âm nhạc cổ điển hoặc từ jazz. Từ 2 nhánh này, các em có thể phát triển nhiều phong cách khác nhau lắm, nhưng là sự phát triển có kiến thức cơ bản, có gốc gác sẽ tốt hơn nhiều trào lưu "học ngọn", học YouTube của các bạn trẻ hiện nay. Việc cảm thụ và quen thuộc với những thanh âm đẹp đẽ cũng giúp các em luyện thính giác, thẩm mỹ âm nhạc tốt hơn.
Thực tế hiện nay, nhiều chương trình “tài năng nhí” làm cho các bé mất đi sự hồn nhiên. Là một người mẹ, chị có nghĩ sự hồn nhiên rất quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ?
Sự hồn nhiên của các em là một kho tàng rất quý giá. Nhưng không chỉ với các em nhỏ đâu, tôi cho rằng sự hồn nhiên còn vô cùng quan trọng với tất cả nghệ sĩ nữa. Tôi thường thấy, các nghệ sĩ lớn là những người rất hồn nhiên, tuổi tác không ảnh hưởng đến sự hồn nhiên của họ, họ như những đứa trẻ vậy. Tôi nghĩ, sự trong trẻo đó làm cho người ta hướng thiện và khi người ta hướng thiện thì xúc cảm về âm nhạc lớn hơn rất nhiều.
Chị nhận xét thế nào về các bé Wonderkids sau khi xem các tiết mục trong đêm thi, liệu tên gọi chương trình "Thần đồng âm nhạc" có quá xa so với các bé?
Lúc chưa xem chính tôi cũng hơi... hoảng với tên gọi của chương trình. Nghe kêu quá, kiêu ngạo quá không? Nhưng khi đã xem các con thi và toàn bộ nội dung, ý thức dàn dựng của chương trình, tôi thấy đây là 1 chương trình giải trí có tính giáo dục tốt. Thần đồng ở đây mang ý nghĩa khuyến khích các con trở thành những nghệ sĩ xuất chúng, hơn là tụng xưng.
Một điểm tôi rất thích là thi thố nhưng không có tính cạnh tranh, ganh đua, chương trình không sử dụng chiêu trò và dàn dựng rất hồn nhiên... Tôi mong chúng ta sẽ giữ được tính trong trẻo này trên truyền hình. Tuy nhiên, nếu được gọi khác đi, tôi vẫn muốn gọi Wonderkids là "Những tài năng nhí" thay vào chữ "Thần đồng âm nhạc".
Cám ơn ca sĩ Trần Thu Hà đã chia sẻ!