Sáng ngày 21/3, nhạc sĩ Hồng Đăng đã rời "cõi tạm" về chốn vĩnh hằng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô. Từ đầu tháng 3, sức khỏe ông suy yếu, ăn ít. Nhạc sĩ nằm viện điều trị hơn một tuần, nhiều lần bị nhồi máu cơ tim.
Bà Lê Anh Thúy - vợ nhạc sĩ Hồng Đăng chia sẻ: "Ông tuổi cao, bị suy tim và nhiều bệnh nền. Đến lúc ra đi là sức cùng lực kiệt. Tôi cùng gia đình đã liên hệ với Hội nhạc sĩ và các cơ quan đoàn thể để lo liệu hậu sự cho ông. Ông ra đi để lại một khoảng trống trong gia đình, mọi người rất tiếc thương...".
Diva Thanh Lam là người có khá nhiều kỷ niệm về người nhạc sĩ này. Cô chia sẻ với Người Đưa Tin: "Chú Hồng Đăng là một nhạc sĩ đa tài, yêu Hà Nội. Chú ra đi là sự mất mát lớn với nền âm nhạc nước nhà. Chú mất đi, tôi buồn như mất người thân, ngày trước, chú chơi thân với mẹ tôi (NSƯT Thanh Hương - PV). Tôi nhớ một lần khi tôi con bé, chú Hồng Đăng đã bảo với mẹ tôi rằng: "Con bé này lớn lên sẽ thành công, nổi tiếng, được nhiều người biết đến đấy". Và sau này, tôi cũng cố gắng để phát triển con đường âm nhạc như vậy.
Tôi hát nhiều ca khúc của chú, trong đó có bài Hoa sữa. Là một người con của Hà Nội, tôi nhớ và yêu lắm con đường Quang Trung với hình dung mỗi đêm mùa thu đi hát về lại thoang thoảng mùi hương hoa sữa.
Qua những ca khúc của chú, tôi cảm nhận được tình yêu của chú với Hà Nội. Bởi lẽ, phải là một người con của Hà Nội thì mới có thể cảm nhận được những khoảnh khắc, tình người nơi góc phố Hà thành".
Ca sĩ Tùng Dương thì cho hay, anh luôn trân trọng người nghệ sĩ tài hoa này. "Nhạc sĩ Hồng Đăng là một nhạc sĩ lớn, ông có nhiều sáng tác nổi tiếng, được nhiều ca sĩ thành danh thể hiện. Sau cuộc thi Sao Mai điểm hẹn, Tùng Dương được nhạc sĩ Hồng Đăng và chị Thúy mời tham dự đêm nhạc Lênh đênh diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Tùng Dương hát song ca với ca sĩ Hồng Nhung nhạc phẩm Lênh đênh cùng tên với chủ đề của đêm nhạc. Một ca khúc khác mà Tùng Dương thể hiện là Kí ức đêm.
Bài hát Kí ức đêm rất nội tâm. Hồi đó vì Tùng Dương còn trẻ, đi diễn nhiều, lúc ghép nhạc còn chưa thuộc bài của chú. Chú Hồng Đăng và chị Thúy "phê bình" Tùng Dương chưa thuộc bài, chưa có trách nhiệm với bài hát.
Chị Thúy - vợ chú là một người phụ nữ đảm đang, sống hết mình, đứng đằng sau hỗ trợ chồng trong sự nghiệp. Chị cũng là người rất nghiêm túc, khắt khe trong âm nhạc như chú vậy. Khi nghe bất cứ ca sĩ nào hát bài của chú, chị cũng có thể phân tích được".
Nhạc sĩ Hồng Đăng sinh năm 1936 ở Nghệ An, là cháu ruột nhà cách mạng Phan Đăng Lưu. Những năm 1950, khi còn là học sinh, ông đã sáng tác các ca khúc Nắng về Tây Bắc, Nhớ ơn cụ Hồ, Đời học sinh... Ông là một trong những sinh viên đầu tiên của khoa Sáng tác, trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam).
Ông sáng tác khoảng 700 tác phẩm, trong đó có nhiều bản nhạc phim nổi tiếng như: Hoa sữa - phim Hà Nội mùa chim làm tổ, Lênh đênh -phim Đời hát rong, Biển hát chiều nay - trong nhiều phim về đề tài biển, Nỗi nhớ đêm đại dương - phim Những hạt muối của biển, Biển và cô gái tôi chưa quen - phim Những ngôi sao nhỏ, Không gian xanh - phim Vùng trời...
Trong thập kỷ 60 của thế kỷ trước, nhạc sĩ Hồng Đăng là giảng viên của trường Âm nhạc Việt Nam. Học trò của ông có nhiều người nổi tiếng như các nhạc sĩ Thuận Yến, Nguyễn Cường, Tôn Thất Lập, Trần Tiến... và đây cũng là thời kỳ ông viết được nhiều cuốn sách giáo khoa âm nhạc cho sáng tác và lý luận của Nhạc viện. Từ năm 1989, ông làm Phó Tổng thư ký Hội nhạc sĩ Việt Nam suốt 17 năm qua 3 nhiệm kỳ, bên cạnh đó, ông còn làm Tổng biên tập Tạp chí Âm nhạc Việt Nam (1989 - 1996).
Hồi tháng 10/2021, nhạc sĩ đoạt Giải thưởng lớn Bùi Xuân Phái với những sáng tác về Hà Nội nhưng không thể tới nhận do tuổi cao sức yếu. Vợ ông đã phải đi nhận giải thay.
Lúc sinh thời, Người Đưa Tin đã đến gặp ông trong căn nhà nhỏ ở đường Hồng Hà, Hà Nội. Ngoài đời ông là một người vui tính và hay nói chuyện.
Ông từng kể về bài hát Hoa sữa của mình với PV, bài hát này ông viết cho bộ phim Hà Nội mùa chim làm tổ (1978) của cố đạo diễn Đức Hoàn. Thời gian ấy, ông phải theo đoàn làm phim hàng tháng để lấy cảm hứng. Khi ông đang trăn trở với phần nhạc cho phim này thì một người bạn nói với ông rằng, Hà Nội có loài hoa tên là hoa sữa và tự nhiên những giai điệu nhẹ nhàng vang lên trong đầu ông.
"Chỉ trong 20 phút, tôi đã hoàn thành bài hát này. Bài hát ra đời đã đem lại cho Hà Nội một biểu tượng mới: Hoa sữa. Sau này, nhiều tỉnh thành đua nhau trồng hoa sữa để thêm yêu Hà Nội. Sau khi bài hát ra đời, có một dạo, ở Hà Nội, nhà nhà thi nhau trồng hoa sữa. Đến mùa thu, hương hoa sữa nồng nặc bay vào từng phòng thì người ta lại thi nhau chặt bỏ cây và cho rằng tôi... viết sai. Chuyện này cũng là một kỷ niệm trong đời viết nhạc của tôi. Nhiều người cứ nhắc đến Hồng Đăng là nhắc đến bài Hoa sữa, bởi họ có dấu ấn với những ca từ và giai điệu trong bài hát", ông tâm sự.