Nghị định 12/2022/NĐ-CP đã thay đổi nhiều mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Một trong những thay đổi đáng lưu ý tại Nghị định 12/2022/NĐ-CP là tăng mức phạt với hành vi không công bố công khai tại nơi làm việc trước khi thực hiện: thang lương, bảng lương; mức lao động; quy chế thưởng.
Cụ thể, phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với người sử dụng lao động không công bố công khai tại nơi làm việc trước khi thực hiện: thang lương, bảng lương; mức lao động; quy chế thưởng.
Như vậy, so với mức phạt trước đây tại khoản 1 Điều 16 Nghị định 28/2020/NĐ-CP, mức phạt mới tại Nghị định 12/2022/NĐ-CP đã tăng gấp đôi.
Ngoài ra, mức phạt này cũng áp dụng với các vi phạm tương tự khác liên quan đến trả lương cho người lao động như: Không xây dựng thang lương, bảng lương hoặc định mức lao động; không áp dụng thử mức lao động trước khi ban hành chính thức; Không tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khi xây dựng thang lương, bảng lương; định mức lao động; quy chế thưởng; Không thông báo bảng kê trả lương hoặc có thông báo bảng kê trả lương cho người lao động nhưng không đúng theo quy định; Không trả lương bình đẳng hoặc phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau.
Trừ tiền đi muộn, doanh nghiệp bị phạt đến 40 triệu đồng
Theo điểm b khoản 3 Điều 19 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng nếu phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động. Trong khi đó, trước đây mức phạt áp dụng với hành vi này là từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng (theo điểm b khoản 3 Điều 19 Nghị định 28/2020/NĐ-CP).
Mức phạt trên còn áp dụng với các hành vi sau: Xâm phạm sức khỏe, danh dự, tính mạng, uy tín hoặc nhân phẩm của người lao động khi xử lý kỷ luật lao động nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động hoặc không thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã giao kết hoặc pháp luật về lao động không quy định; Áp dụng nhiều hình thức kỷ luật lao động đối với một hành vi vi phạm kỷ luật lao động; Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian sau đây: Nghỉ ốm đau; nghỉ điều dưỡng; nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động; đang bị tạm giữ; đang bị tạm giam; đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra…
Tuệ Minh