Cơn sốt giá than thế giới khiến các nhà đầu tư kì vọng vào lợi nhuận bùng nổ cho các doanh nghiệp khai thác than trong nước. Tuy nhiên, theo đánh giá của SSI Reseach, giá than ở Việt Nam không đồng pha với giá than thế giới, chính sách giá chịu sự quản lý chặt của Chính phủ.
Cùng với đó, vì nhu cầu than trong nước chủ yếu phục vụ cho nhiệt điện, trong năm 2021, giá than trong nước chưa điều chỉnh nhiều, mới chỉ có giá than cho sản xuất xi măng điều chỉnh tăng 9% trong tháng 8, còn giá than cho nhiệt điện vẫn giữ nguyên để giảm áp lực cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam khi Chính phủ yêu cầu hỗ trợ giá điện trong thời điểm dịch bệnh.
Kết thúc quý III/2021, các doanh nghiệp ngành than trên sàn chứng khoán lần lượt công bố kết quả kinh doanh với lợi nhuận có phần khiêm tốn.
Ghi nhận kết quả tích cực nhất trong nhóm ngành này, Công ty Cổ phần Than Hà Lầm - Vinacomin (mã: HLC) công bố kết quả kinh doanh quý III/2021 với doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng mạnh.
Cụ thể, doanh thu đạt đạt 901 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 10 tỷ đồng, tănggấp 10 lần so với lợi nhuận quý III/2020 (hơn 971 triệu đồng).
Giải trình về kết quả lợi nhuận tăng trưởng mạnh, Than Hà Lầm cho biết là do đến từ việc Công ty hoàn thành tốt kế hoạch tiêu thụ than do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) giao. Cùng với đó, công ty cũng tiết giảm chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp.
Lũy kế 9 tháng năm 2021, Than Hà Lầm đạt doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt 2.419 tỷ đồng, 32,3 tỷ đồng, tăng lần lượt 19% và 39% so với so với cùng kỳ năm ngoái. Tại thời điểm 30/9/2021, tổng tài sản của Than Hà Lầm 3.169 tỷ đồng, giảm 10% so với hồi đầu năm.
Tương tự, Công ty Cổ phần Than Đèo Nai - Vinacomin (mã: TDN) ghi nhận doanh thu quý III/2021 đạt 766 tỷ đồng, xấp xỉ cùng kỳ năm ngoái; nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 17,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 6,3 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng, Công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 38,47 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 98,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận quý III và lũy kế 9 tháng của năm 2021 của Than Đèo Nai tăng là do một số chi phí như chi phí tập trung, chi phí lãi vay, chi phí quản lý doanh nghiệp đều giảm so với cùng kỳ năm 2020.
Công ty Cổ phần Than Hà Tu - Vinacomin (mã: THT) cũng có kết quả kinh doanh quý III/2021 thuận lợi khi ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.036 tỷ đồng, tăng trưởng gần 120% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 2 tỷ đồng, gấp 3 lần so với quý III/2020.
Theo ban lãnh đạo công ty, lợi nhuận quý III tăng mạnh là do kết quả của việc điều hành sản xuất theo hướng giảm chi phí, tăng sản lượng tiêu thụ thêm 372 tấn than so với quý III/2020.
Tại Công ty Cổ phần Than Mông Dương - Vinacomin (mã: MDC), báo cáo tài chính quý III/2021 ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 584 tỷ đồng, tăng 4,32% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt gần 6 tỷ đồng, tăng trưởng 9,62%.
Theo MDC, kết quả kinh doanh khả quan đến từ việc doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ quý III/2021 năm nay tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, nên lợi nhuận sau thuế cũng tăng trưởng theo.
Luỹ kế 9 tháng, Than Mông Dương đạt 1.761 tỷ đồng doanh thu; 20,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ở chiều ngược lại, Than Cao Sơn (mã: CST) dù ghi nhận doanh thu tăng trưởng mạnh hơn 192% lên 2,142 tỷ đồng nhờ sát nhập với Than Tây Nam Đá Mài, nhưng lại là doanh nghiệp ngành than duy nhất báo lỗ trong quý III/2021.
Nguyên nhân thua lỗ được Than Cao Sơn cho biết là do cung độ vận chuyển đất đá quý III tăng dẫn đến tăng giá vốn, giảm lợi nhuận. Tuy nhiên, nhờ lợi nhuận cao trong 6 tháng đầu năm nên lũy kế 9 tháng doanh nghiệp vẫn có lãi sau thuế 50 tỷ đồng.
Công ty Than Cọc Sáu (mã: TC6) cũng ghi nhận doanh thu quý III giảm mạnh 55% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 292 tỷ đồng; lợi nhuận xấp xỉ 410 triệu đồng, trong khi quý III/2020 lỗ 16,3 tỷ đồng. Luỹ kế 9 tháng 2021, Công ty báo lãi 3,6 tỷ đồng, giảm một nửa so với cùng kỳ năm ngoái (7 tỷ đồng).
Than Núi Béo - Vinacomin (mã: NBC) cũng ghi nhận quý III ảm đạm khi doanh thu giảm 8% ở mức 725 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 11,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái con số lợi nhuận ở mức 152 tỷ đồng.
Nguyên nhân được Công ty đưa ra là do ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến lao động bị thiếu hụt, hoạt động sản xuất bị khó khăn, sản lượng thấp không đạt kế hoạch.