Chiều 3/10, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong cùng chủ trì buổi gặp gỡ, trao đổi với các doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu của TP.HCM.
Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, thời gian qua TP.HCM đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và bước đầu đã phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, chính quyền thành phố đã xây dựng được cộng đồng này lên đến 287.200 doanh nghiệp với nhiều loại hình, đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước. Đồng thời, những thủ tục hành chính cản trở doanh nghiệp đã được nhận diện và dần loại bỏ.
“Thời gian tới thành phố sẽ tập trung huy động mọi nguồn lực tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tạo điều kiện cho các nhà đầu tư. Đặc biệt là tạo môi trường kinh doanh công bằng thân thiện, xây dựng chính quyền liêm chính phục vụ nhân dân, khuyến khích đầu tư, xây dựng chính quyền điện tử và thành phố thông minh”, ông Phong nhấn mạnh.
Khó khăn và "rải đinh"
Ông Huỳnh Văn Minh - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM cho rằng, nhiều năm qua Chính phủ đều xác định vai trò mũi nhọn của doanh nghiệp, doanh nhân. Nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp, doanh nhân vẫn đang gặp khó khăn trong phát triển kinh doanh.
Ông Minh trăn trở, các doanh nghiệp vẫn chưa yên tâm lắm khi các cơ quan nhà nước chưa thực sự đồng hành với doanh nghiệp, nói chưa đi đôi với làm, trên rải thảm đỏ nhưng dưới rải đinh. Các giải pháp chậm đi vào cuộc sống. Nhà nước và Quốc hội luôn đề ra những chủ trương kịp thời nhưng chủ trương vẫn đến chậm với người dân và doanh nghiệp…
Theo đó, ông Minh kiến nghị Đảng và Nhà nước trước khi ban hành liên quan đến doanh nghiệp, người dân thì nên tham khảo đối tượng bị tác động để sớm đưa chính sách vào cuộc sống. Cần có sự tham khảo của doanh nghiệp, người dân, đồng hành thực hiện, kiểm tra chính sách, chủ trương đưa ra.
Ông Trần Việt Anh - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc công ty Nam Thái Sơn cho biết, ngành sản xuất nhựa PP của Việt Nam đang gặp khó khăn vì nguyên liệu nhựa sản xuất bị áp thuế tăng 3% từ 1/9.
Ngành nhựa VN hiện phải nhập 90% nguyên liệu với hơn 400 triệu tấn hạt nhựa mỗi năm do nhu cầu cung ứng trong nước không đủ, việc tăng thuế nhập khẩu khiến cho hàng hoá nhựa tiêu dùng trong nước tăng giá, khả năng cạnh tranh kém hơn so với hàng hoá nhập khẩu cùng loại.
"Tôi kiến nghị Chủ tịch nước xem xét, tăng thuế nhập khẩu cần có lộ trình, ban đầu có thể 1% sau đó tăng dần. Chúng ta bảo hộ sản xuất trong nước nhưng thực tế năng lực cung ứng nguyên liệu nhựa trong nước chưa đáp ứng kịp", ông Việt Anh nói.
Đồng quan điểm về vấn đề này, theo ông Nguyễn Văn Bé - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp các KCN-KCX TP.HCM, thì “con đường từ lời nói đến hành động” đã có dấu hiệu khởi sắc nhưng vẫn còn sự trì trệ trong các thủ tục hành chính tại các cơ quan quản lý nhà nước.
Ông Bé chia sẻ, doanh nghiệp hàng ngày phải tiếp nhận hàng trăm các thủ tục, giấy tờ vì doanh nghiệp sống và làm việc bằng nghị định và thông tư nhưng có nhiều chồng chéo. “Do đó, việc xây dựng Luật càng chi tiết thì không cần nghị định và nghị định càng chi tiết thì không cần ban hành thông tư…”, ông Bé nói.
Hạt nhân của kinh tế tư nhân
Kết thúc buổi gặp gỡ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang chân thành cảm ơn và trân trọng tiếp thu các ý kiến góp ý, kiến nghị của các doanh nghiệp, doanh nhân. Chủ tịch nước cho biết, đối với những kiến nghị thuộc thẩm quyền của cấp ủy, chính quyền thành phố, ông đề nghị lãnh đạo thành phố quan tâm giải quyết. Đối với những kiến nghị liên quan đến các bộ, ngành Trung ương, Chủ tịch nước ghi nhận và sẽ chỉ đạo các Bộ, ngành sớm giải quyết và thông báo cho doanh nghiệp.
Về vấn đề ban hành chính sách liên quan đến doanh nghiệp, Chủ tịch nước nêu rõ, TP.HCM với vị trí, vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước, trong nhiều năm qua, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân đã có nhiều chính sách đột phá nhằm hỗ trợ mạnh mẽ cho doanh nghiệp, doanh nhân, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ phát triển thành phố...
Chủ tịch nước cho biết, trong các nghị quyết, chỉ thị, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về doanh nghiệp, doanh nhân, tinh thần chung là nhấn mạnh một số chủ trương, định hướng lớn, như: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp; Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, hoạt động có chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao; Hoàn thiện thể chế về phát triển doanh nghiệp, doanh nhân, tạo dựng môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, đẩy mạnh cải cách hành chính, lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ; Hoàn thiện hệ thống pháp luật và tạo lập môi trường pháp lý cạnh tranh, xoá bỏ đặc quyền và độc quyền kinh doanh, đẩy mạnh xã hội hoá đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, Chủ tịch nước mong muốn, cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân TP.HCM phải luôn đóng vai trò tiên phong, là hạt nhân phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, doanh nghiệp, doanh nhân thành đạt cần đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ, đầu tư, nuôi dưỡng, hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh mới, sáng tạo, có khả năng tăng trưởng nhanh và đột phá.
Cần định hướng truyền thông tuyên truyền thực phẩm Một vấn đề đáng chú ý trong buổi gặp gỡ với Chủ tịch nước Trần Đại Quang, bà Lê Thị Thanh Tâm – Phó tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Food bức xúc khi cho rằng, truyền thông trong lĩnh vực chế biến và kinh doanh thực phẩ đang khủng hoảng và nhức nhối vì quá nhiều thông tin tiêu cực về sản phẩm thực phẩm của Việt Nam. Vì vậy cần phải có định hướng trong công tác truyền thông để làm sao người dân yên tâm sử dụng các mặt hàng thực phẩm của các doanh nghiệp Việt. Ngoài ra, bà Lê Thị Thanh Tâm cũng đề nghị cần thành lập quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, trung tâm huấn luyện khởi nghiệp. Vì các bạn trẻ có ý tưởng nhưng thiếu vốn đầu tư và thiếu người hướng dẫn hỗ trợ để thực hiện ý tưởng khởi nghiệp. |
Đức Mỹ