Việc tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đề nghị Chính phủ đứng ra trả nợ thay cho Đạm Ninh Bình khoản vay 125 triệu USD từ ngân hàng China Eximbank của Trung Quốc, còn Vinachem chỉ trả lãi và phí khiến nhiều chuyên gia kinh tế hết sức băn khoăn.
Còn theo TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng viện Quản lý kinh tế Trung ương, cần rạch ròi trách nhiệm trong câu chuyện này.
"Tôi nghĩ rằng, nếu chấp nhận đề nghị đó thì đặt giả thiết 11 dự án còn lại cũng đề xuất như thế thì sẽ là gánh nặng cho ngân sách và là tiền lệ xấu để các doanh nghiệp khác, các công trình đầu tư kém hiệu quả dựa dẫm. Cho nên, tôi đồng ý với ý kiến của bộ Tài chính, không đồng tình với đề xuất này.
Tôi cũng cho rằng cần làm đúng tinh thần Nghị quyết hội nghị Trung ương 5, sớm thành lập cơ quan Trung ương đại diện cho chủ sở hữu tách nhiệm vụ chủ sở hữu ra khỏi Bộ. Phải xem xét xử lý nghiêm trách nhiệm tài chính của những người đã ra quyết định và thực hiện dự án đó. Những người đó phải có trách nhiệm hoàn trả tiền lãi, doanh nghiệp nếu cần phải xem xét bán đi để trả lãi. Việc trả nợ một doanh nghiệp nước ngoài có phần về thể diện quốc gia, uy tín tài chính của một đất nước, cho nên tôi đề nghị Vinachem cần có phương án trình và tự giải quyết món nợ này", vị chuyên gia kinh tế nêu quan điểm.
Mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo của Chính phủ xử lý các tồn tại yếu kém của một số nhà máy, dự án yếu kém ngành Công Thương đã chủ trì phiên họp triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về các đơn vị này. Tại phiên họp, Phó Thủ tướng khẳng định: “Kiên quyết xử lý theo cơ chế thị trường với 2 điểm là tôn trọng nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp và Nhà nước kiên quyết không cấp thêm vốn vào các dự án, nhà máy. Kiên quyết xử lý sớm vướng mắc pháp lý của các dự án. Ưu tiên bán dự án, nhà máy cho các nhà đầu tư ngoài Nhà nước, cho phép giải thể các dự án không có khả năng, thu hồi tối đa tài sản...". |
Dương Thu