Ăn xổi theo trào lưu, Lego đánh mất chính mình
Năm 1932, người thợ mộc Đan Mạch Ole Kirk Christiansen cho ra đời những món đồ chơi lắp ráp bằng gỗ, khởi đầu cho sự hình thành một "đế chế" đồ chơi hùng mạnh. Từ những mô hình ngôi nhà, gạch xây dựng, mảnh ghép tạo hình bằng gỗ, theo thời gian, các món đồ chơi mang thương hiệu Lego ngày càng phong phú, đa dạng, không chỉ chinh phục trẻ em, mà ngay cả người lớn cũng vô cùng ham thích.
Đến năm 1975, đại gia đình Lego đón nhận thêm thành viên mới: Các nhân vật hoạt hình ăn theo những tác phẩm kinh điển như Star wars (Chiến tranh giữa các vì sao), Toy Story (Câu chuyện đồ chơi), người lính, khủng long, cướp biển...
Sự nhạy bén này là yếu tố quyết định đưa Lego từ một thương hiệu lớn trở thành thương hiệu toàn cầu. Trên thị trường đồ chơi cho trẻ nhỏ suốt mấy chục năm qua, chưa hãng đồ chơi nào có thể vượt qua cái bóng khổng lồ của Lego.
Trẻ em sẽ bị kích động tính hung hãn theo những hình mẫu Lego này?
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Lego sẽ mãi trường tồn. Mới đây, một nghiên cứu của các nhà xã hội học New Zealand đã cảnh báo rằng, chính tư duy nhanh nhạy với thời cuộc từng giúp Lego đạt đến đỉnh vinh quang lại đang là "gót chân Asin" của thương hiệu này.
Hồi hộp chờ khẩu chiến Thật ra, đây không phải là lần đầu tiên Lego đối mặt với các cáo buộc "đầu độc tâm hồn" con trẻ kiểu này. Nhưng bị phê bình bằng cả một công trình khoa học đàng hoàng như lần này thì chắc chắn ông lớn Lego cũng phải "tâm phục khẩu phục". Chưa hết, tiến sĩ Christopher Bartneck cho biết, nghiên cứu của nhóm ông sẽ được trình bày tại Hội nghị quốc tế lần thứ nhất về tác động của đồ chơi đến trẻ em sẽ được tổ chức tại Nhật Bản trong tháng 8 tới. Điều này đang đặt "người khổng lồ" đứng trước những lựa chọn khó khăn: Quay về những giá trị truyền thống đang dần trở nên cũ kỹ, lạc hậu hay tiếp tục chạy theo trào lưu bằng những sản phẩm ăn xổi đầy tai tiếng hiện nay? Theo giới quan sát, dù theo phương án nào thì tất cả đều vô cùng mạo hiểm. |
Được tiến hành ròng rã hàng năm trời, nghiên cứu cho thấy, việc xa rời những giá trị truyền thống, chạy theo trào lưu mới, phổ cập quá nhiều yếu tố hiện đại vào các món đồ chơi dành cho trẻ em đang khiến Lego dần bị khách hàng quay lưng. Các nhà nghiên cứu nhận được nhiều lời phàn nàn của các bậc phụ huynh rằng, đồ chơi Lego bây giờ bạo lực hơn xưa rất nhiều, khiến họ bắt đầu phải cân nhắc mua hay không, mỗi khi đứng trước món đồ của hãng.
Quả thật, khi tiến hành so sánh sự "cách tân" của các nhân vật hoạt hình Lego, người ta không khỏi giật mình vì mức độ thay đổi của chúng. Các hình mẫu trong 11 năm đầu tiên (kể từ khi xuất hiện lần đầu vào năm 1975) luôn vui tươi, nhí nhảnh và cực kỳ thân thiện. Nhưng trong các bộ sưu tập ở các năm tiếp theo, trạng thái mà các hình mẫu Lego biểu đạt đã trở lên... đáng sợ hơn với đủ mọi hình thái tâm lý tiêu cực như dữ dằn, cáu kỉnh, giận dữ, nham hiểm...
Trong những bộ sưu tập ăn theo các bộ phim nổi tiếng như Cướp biển Caribe hoặc Harry Potter, cả nhân vật chính diện lẫn phản diện đều mang những vẻ mặt rất... hình sự.
Lý giải cho việc này, một đại diện chi nhánh của hãng tại New Zealand phân trần rằng, thế giới đã thay đổi và Lego không thể trung thành với những viên gạch mãi được. Các hình mẫu bị coi là hung hãn kia chẳng qua nhằm giúp trẻ em hình dung được một cách trực quan hơn về cuộc chiến đấu giữa cái thiện và cái ác, cái xấu và cái tốt mà thôi. Mà đã là chiến đấu thì không thể chỉ có toàn nụ cười.
Việc sản phẩm của hãng "ăn theo" những tác phẩm "bom tấn" của điện ảnh cũng không có gì đáng xấu hổ bởi suy cho cùng, đây chính là cơ hội "làm ăn chớp nhoáng" mà không ai dại gì đứng ngoài cuộc. Và Lego cũng vậy!
Trưởng nhóm nghiên cứu - tiến sĩ tâm lý Christopher Bartneck thuộc đại học Canterbury (New Zealand) hoàn toàn không đồng tình với quan điểm này. Ông nói, là một sản phẩm thiên về phục vụ sự phát triển trí tuệ và nhân cách của trẻ nhỏ trong những năm đầu đời, Lego cần phải ý thức được sự nhạy cảm của lứa tuổi này.
Không chỉ là kinh doanh đơn thuần, những gương mặt trong hình mẫu Lego sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ của trẻ nhỏ về thế giới thực ngoài đời. Do đó, yếu tố giáo dục phải được đặt lên hàng đầu thay vì lợi nhuận như hiện nay.
Ông cũng đưa ra lời cảnh báo nghiêm khắc rằng, nếu cứ chạy theo thị hiếu nhất thời, có thể Lego tiếp tục thu được thành công như thời gian qua, nhưng về lâu dài, cái giá phải trả sẽ rất đắt. Những thượng đế nhỏ tuổi và các bậc phụ huynh cũng đang nhận ra điều này.
Trong hai năm trở lại đây, những bộ sưu tập mới của hãng dù vẫn ăn khách nhưng không còn "sốt sình sịch" như các bộ sản phẩm trước đó. Điển hình là bộ sưu tập "Người sắt", hay "Quái vật không gian" đã vấp phải sự chỉ trích của các tổ chức bảo vệ trẻ em do có nội dung quá bạo lực.
Những viên xếp hình Lego đã trở thành huyền thoại.
Cơ hội cho đối thủ
Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh của hãng này đã nhanh chóng chớp lấy cơ hội Lego đang mất phương hướng chiến lược để giành giật lại thị phần từ tay "đại gia" này. Walt Disney Disney, TopToys... liên tiếp tung ra hàng loạt các trò chơi mô hình, ghép hình, lắp ráp mới theo cả hai trường phái cổ điển và hiện đại, nhằm vào các "thượng đế" nhí.
Rút kinh nghiệm từ yếu điểm mới bị phơi bày của đối thủ, đồ chơi hình mẫu của các "ông lớn" này cũng được thiết kế thân thiện với trẻ em hơn, súng ống, gươm giáo ít dần đi. Trong các phân vai, hình tượng chiến đấu, vũ khí các nhân vật hoạt hình được trang bị là gậy, thậm chí là củ cà rốt hay vật dụng thông thường.
Những con số "biết nói" Ước tính, chỉ riêng trong năm 2010, nhà sản xuất đồ chơi lớn nhất thế giới này đã bán được tới 36 tỷ viên gạch xếp hình tại 130 quốc gia. Tính trung bình, mỗi người có mặt trên trái đất đang có 75 miếng ghép của hãng này. Đây quả là một con số "biết nói" về sự thống trị của Lego trên thị trường đồ chơi quốc tế. |
Hiện vẫn chưa rõ Lego có chiến lược như thế nào để bảo vệ ngôi vị độc tôn của mình trên thị trường đồ chơi đã được thiết lập từ nhiều năm nay. Trong khi đa số ý kiến cho rằng, hãng này đang "bí cờ" thì nhiều chuyên gia lại không cho là như vậy.
Trong quá khứ, hãng này cũng đã từng vài lần bị các đối thủ lăm le tiếm ngôi khi ý tưởng về sản phẩm mới cạn dần, nhưng lịch sử cho thấy, với bề dày gần một thế kỷ, không dễ để xô đổ "ngôi vương" của họ như vậy. Lần nào Lego cũng kịp thời tung ra "đòn hiểm" để tiếp tục bỏ xa những kẻ bám đuôi một cách ngoạn mục.
Ví dụ như trong những năm 1960 và 1990, trên mảng miếng ghép, hãng này đã nhanh nhạy bước từ những mô hình ngôi nhà, trang trại, thành phố truyền thống sang những mô hình mới mẻ hơn, như mô hình tàu điện ngầm, tàu vũ trụ, các kỳ quan thế giới...
Dù bị chê trách, nhưng việc "ăn theo" các tác phẩm đang "nổi như cồn", công bằng mà nói, về mặt kinh doanh là một điều hoàn toàn đúng đắn. Có điều, sai lầm của Lego là đã quá lạm dụng những trào lưu "mì ăn liền ấy", làm mất dần những giá trị truyền thống bấy lâu nay đã làm nên thương hiệu cho Lego.
Tuy vậy, mọi việc chưa phải là quá muộn. Trò chơi lắp ráp mô hình vẫn là con bài chiến lược có thể giúp hãng vượt qua khó khăn. Trên mặt trận này, dù cho Lego có dừng lại chờ đợi thì không chắc đã có hãng đồ chơi nào thay thế được họ trong một sớm một chiều. Bởi nhắc đến xếp hình là nhắc tới Lego và ngược lại.
Chiến lược về giá có thể cũng là một lựa chọn đột phá khi thời gian gần đây, Lego đã tiến mạnh hơn vào các thị trường của các quốc gia đang phát triển. Rõ ràng, để có được chỗ đứng vững chắc ở các thị trường này thì sản phẩm với mức giá "mềm" phải là tiêu chí quan trọng.
An Mai (Theo DailyMail)